Đường dẫn truy cập

Cảnh sát Thái Lan hành động nhắm vào biểu tình phản đối đảo chính


Cảnh sát tiến vào khu thương xá Terminal 21 ở Bangkok, Thái Lan, 1/6/14
Cảnh sát tiến vào khu thương xá Terminal 21 ở Bangkok, Thái Lan, 1/6/14
Cảnh sát Thái, hôm Chủ nhật, đã ra lệnh cho một trung tâm mua sắm lớn trong thủ đô Bangkok đóng cửa sau khi những người biểu tình phản đối vụ đảo chính tìm cách ngăn một cảnh sát bắt một người trong đoàn biểu tình.

Hàng ngàn khách hàng trong khu thương xá Terminal 21, nằm tại giao lộ chính Asoke, đã phải bỏ buổi đi mua sắm, ăn uống, xem phim vào buổi trưa sau khi hàng chục cảnh sát tiến vào trong khu thương xá, tiếp theo sau vụ đụng độ trong 5 phút từ cửa hàng bánh sang cửa hàng cà phê Starbucks và cửa hàng quần áo.
Xe bọc sắt tiến vào giao lộ gần nơi diễn ra cuộc biểu tình nhỏ, trong thủ đô Bangkok, phản đối đảo chính, 1/6/14
Xe bọc sắt tiến vào giao lộ gần nơi diễn ra cuộc biểu tình nhỏ, trong thủ đô Bangkok, phản đối đảo chính, 1/6/14

Cảnh sát và binh sĩ, một số trang bị võ khí tự động, cùng với 2 quân xa, kể cả một chiếc Humvee với súng máy, đáp ứng tình hình tại giao lộ Asoke. Sự kiện bắt đầu 20 phút trước đó, khi nhiều người có mặt tại lối ra vào thương xá Terminal 21, kế bên ga tàu BTS Skytrain, giơ cao các tấm áp phích phản đối vụ đảo chính và reo hò khẩu hiệu “Tự do”.

Những cuộc biểu tình như thế này bất hợp pháp, chiếu theo sắc lệnh được ban hành bởi Tổng tham mưu trưởng quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, người đã nắm toàn bộ quyền hành pháp cũng như lập pháp trong nước.

Sáng sớm Chủ nhật, gần 6.000 binh sĩ và cảnh sát được điều động đến 8 vị trí, trong đó có các khu mua sắm khác, và Tượng đài Chiến thắng, nhằm ngăn các cuộc biểu tình theo kiểu huy động chớp nhoáng. Không có biểu tình tại những địa điểm đó.

Thay vào đó, tin loan truyền qua mạng xã hội để người biểu tình kéo về khu thương xá Terminal 21 sau một mẫu tin loan báo địa điểm trên trang Facebook của ông Sombat Boon-ngamanong, người đứng đầu Nhóm Chủ nhật Đỏ hiện đang trốn tránh.

Ông Sombat đã chế giễu chính quyền từ sau cuộc đảo chính hôm 22 tháng 5, thách thức họ trên truyền thông xã hội “Hãy bắt tôi nếu có thể.”

Nhiều người biểu tình phản đối vụ đảo chính, một số thuộc phong trào áo đỏ, và có lẽ chừng 100 người hay nhiều hơn nữa những người đứng xem biểu đồng tình kéo đến thách thức lệnh của tướng lãnh cao cấp nhất cấm các cuộc tập họp như vậy.

Một số người trên cây cầu trên không ra dấu chào bằng 3 ngón tay, bắt chước một cử chỉ bày tỏ sự cảm kích và tôn trọng trong phim Hunger Games khi những người dân Quận 12 nghèo nàn bị áp bức ra dấu cho những người ra đi.

Bất cứ ai bị bắt vì thách thức cuộc đảo chính ở Thái Lan đều bị đưa ra tòa án quân sự. Tin cho hay nhiều người bị bắt hôm Chủ nhật.

Nói chuyện trong một chương trình truyền hình toàn quốc hôm thứ Sáu, Tướng Prayuth loan báo một thời biểu lên đến 15 tháng trước khi tổ chức các cuộc bầu cử và dự thảo bản hiến pháp để thay thế hiến pháp ông đã bãi bỏ.

Từ sau cuộc đảo chính, mấy ngày sau khi tuyên bố tình trạng thiết quân luật, mấy trăm chính trị gia, các nhà hoạt động và giới khoa bảng đã được lệnh ra trình diện quân đội. Phần lớn được cho ra về sau khi cảnh cáo không tham gia hoạt động chính trị, hay rời khỏi nước.

Một phát ngôn viên của Hội đồng Trật tự và Hòa bình Quốc gia, một tổ chức chính thức của giới quân nhân cầm quyền, nói với đài VOA trong một cuộc phỏng vấn, rằng cuộc đảo chính được thực hiện để loại trừ ảnh hưởng của gia đình ông Thaksin Shinawatra ở vương quốc này.

Ông Thaksin, một tỷ phú và là ông trùm ngành truyền thông, bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006. Em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, trở thành thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo của chính phủ lâm thời sau khi tòa ra phán quyết rằng bà và một số thành viên trong nội các của bà đã lạm quyền.

Bà Yingluck, là một trong số những người bị câu lưu và được trả tự do, hôm Chủ nhật, đăng một bức ảnh của bà cùng với con trai trên mạng xã hội, với lời bình luận là có quá nhiều thay đổi ở Thái Lan trong tuần qua, và nói thêm bà muốn, “cám ơn, một lần nữa, tất cả những ai ủng hộ tôi. Và tôi muốn qua đây bày tỏ sự ủng hộ tinh thần cho tất cả người Thái.”

Cư dân thủ đô Bangkok và những người theo xu hướng bảo hoàng nhiệt tình cùng với phần lớn nhân vật hàng đầu trong quân đội đầy quyền lực nằm về phe chống đối mạnh mẽ bà Yingluck và ông Thaksin, người tự sống lưu vong, đang đối mặt với án tù về tội tham nhũng nếu trở về nước.

Hoa Kỳ và các nước khác yêu cầu Thái Lan nhanh chóng trở lại chính phủ dân chủ.

Từ sau cuộc đảo chính, quốc vương Thái Lan, một người rất được kính trọng, nay đã 86 tuổi và đau yếu, không thấy xuất hiện. Tuy nhiên một chiếu chỉ nhân danh ông đưa ra cho Tướng Prayuth, chính thức hóa việc nắm quyền chính phủ của người đứng đầu quân đội.

Thái Lan đã trải qua 19 lần đảo chính hoặc thành công hoặc là âm mưu từ khi bãi bỏ chế độ quân chủ chuyên chế năm 1932. Quốc vương Bhumibol Adullyadej, còn được biết là Vua Rama IX, đã trị vì vương quốc này gần 68 năm, trở thành vị nguyên thủ quốc gia đương thời nắm quyền lâu nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG