Đường dẫn truy cập

Campuchia ngăn cấm phụ nữ ăn mặc hở hang bán hàng trên mạng


Múa Apsara tại Công viên Tự do nhân đánh đấu Ngày Nhân quyền Quốc tế tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia (Ảnh tư liệu)
Múa Apsara tại Công viên Tự do nhân đánh đấu Ngày Nhân quyền Quốc tế tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia (Ảnh tư liệu)

Chính phủ Campuchia loan báo sẽ ngăn cấm phụ nữ ăn mặc "quá gợi cảm" bán hàng trên mạng. Các tổ chức nhân quyền lập tức chỉ trích rằng hành động này phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Trong phát biểu hồi đầu tuần này tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Quốc gia vì Phụ nữ, Thủ tướng Hun Sen nói rằng những phụ nữ ăn mặc gợi cảm quảng cáo bán hàng trên mạng đe dọa văn hóa Campuchia bằng cách phơi bày quá nhiều da thịt, và ra lệnh cho công an đến nhà của họ để xử lý và giáo dục họ.

"Xử lý họ," ông nói, sử dụng một thuật ngữ mơ hồ có thể có nghĩa là bắt giữ. "Điều này không vi phạm quyền của họ vì họ đang phá hoại văn hóa Khmer của chúng ta."

Các video tự quay nghiệp dư được đăng trên Facebook và các mạng xã hội khác với hình ảnh các phụ nữ rao bán đủ loại hàng hóa, từ phụ kiện cho đến mỹ phẩm hay quần áo. Một số phụ nữ chọn cách ăn mặc phơi bày gợi cảm để lên hình.

Bảy tổ chức quyền phụ nữ, trong đó có Trung tâm Nhân quyền Campuchia và Hành động Hỗ trợ Campuchia, đã chỉ trích việc “xử lý” trong một bức thư ngỏ được công bố hôm thứ Tư 19/2. "Điều quan trọng cần lưu ý là các giá trị xã hội là tự ý, tương đối và liên tục thay đổi. Ngoài ra, không có nghiên cứu dựa trên bằng chứng nào khẳng định rằng lựa chọn quần áo của phụ nữ là nguyên nhân sâu xa của sự xuống cấp của đạo đức xã hội," bức thư viết.

Bà Seng Reasey của tổ chức ủng hộ quyền phụ nữ Silaka cũng đặt câu hỏi về cách tiếp cận văn hóa của thủ tướng.

Bà hỏi: "Chúng ta đang đề cập đến văn hóa nào, và thời đại nào? Chẳng hạn, dưới thời Apsara, cũng không có mặc quần áo. Thời đại tiếp theo cũng không có quần áo. Vậy ý của ông là gì?

"Tôi không biết tại sao chỉ có phụ nữ bị cho là kẻ phá hoại toàn bộ nền văn hóa. Tôi nghĩ rằng văn hóa Khmer còn rất nhiều điều tốt đẹp. Tại sao chúng ta luôn quy chụp cho phụ nữ là kẻ phá hoại văn hóa? ... Nếu bạn giữ gìn nền văn hóa mà chủ yếu áp đặt và hạn chế tự do của nhau, bạn phải tự hỏi liệu bạn có muốn văn hóa đó hay không, " bà Reasey nói.

Thủ tướng Hun Sen đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan, bao gồm Bộ Nội vụ và Bộ Bưu chính Viễn thông tìm hướng giáo dục phụ nữ và có biện pháp xử lý nếu họ tiếp tục ăn mặc hở hang. Ông nói: "Bán hàng, chứ không phải bán ngực."

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích hành động này của chính phủ Campuchia. "Lệnh của Thủ tướng theo dõi và giáo dục phụ nữ cho thấy một bộ máy giám sát và đe dọa của của nhà nước nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự phân biệt đối xử và gia trưởng. Facebook phải từ chối hợp tác với bất kỳ yêu cầu phân biệt đối xử nào của chính quyền Campuchia đối với phụ nữ như vậy," giám đốc khu vực Nicholas Bequelin của tổ chức nhân quyền này nói trong một thông cáo báo chí.

"Việc công an giáo dục đạo đức phụ nữ một cách ép buộc như vậy là hành động tùy tiện. Không ai trong các phụ nữ này bị buộc tội vi phạm bất kỳ luật lệ nào, và công an dường như chỉ hành động theo ý thích cá nhân của ông Hun Sen."

Thủ tướng Hun Sen nói rằng việc ngăn cấm là cần thiết vì ăn mặc gợi cảm như vậy sẽ dẫn đến quấy rối và cưỡng hiếp tình dục.

Nhưng các nhà tranh đấu cho quyền của phụ nữ đã bác bỏ lập luận đó. "Việc trừng phạt phụ nữ vì sự lựa chọn quần áo của họ là một phần nguyên nhân gốc rễ của bạo lực, chứ không phải là biện pháp phòng ngừa, và cần phải bác bỏ điều đó, "thư ngỏ viết.

Bà Reasey kêu gọi chính phủ không ủng hộ việc quy lỗi cho nạn nhân. "Đây không phải là vì cách phụ nữ ăn mặc. ... Vấn đề là hung thủ chứ không phải nạn nhân," bà nói.

Hai ngày sau thông báo của Hun Sen, trang Facebook của cơ quan công an đã đăng video của một phụ nự bán hàng trên mạng tên Thai Sreyneang lên tiếng xin lỗi và cam kết ngừng đăng hình gợi cảm để bán hàng.

Bà Chhon Navy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin và Phát thanh truyền hình thuộc Bộ Thông tin, cho biết Bộ Thông tin và Văn hóa cần đưa ra các tiêu chí giải thích những gì cấu thành trang phục "quá gợi cảm." Bà nói cơ quan của bà "có Hội đồng kỷ luật và khen thưởng sẵn sàng xử lý tất cả các hành động ảnh hưởng đến truyền thống, văn hóa, quốc tịch và đạo đức xã hội."

Bà Navy nói hiện không biết có bao nhiêu người bán hàng trực tuyến ở Campuchia vì họ không đăng ký. Nhưng bà nói các cơ quan hữu quan, chẳng hạn như Bộ Bưu chính Viễn thông, sẽ có hành động cụ thể và tìm cách giải quyết vấn đề.

Bà Navy nói: "Đầu tiên, hãy liên hệ với họ và có biện pháp giáo dục và lập biên bản để họ không lập lại nữa. Kế đến, nếu họ vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan thẩm quyền hành động."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG