Đường dẫn truy cập

Nông dân Kampuchia lo mất đất khi các nhà đầu tư tiến về vùng quê


Nhiều đồng ruộng và rừng rậm đang được dọn dẹp để Kampuchia giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Hiện tượng này làm các nhà nông lo lắng cho tương lai

Nhiều nông dân đã đứng trước trụ sở Quốc hội ở Phnom Penh để đòi nhà nước trả tự do cho bà con của họ bị bắt vì chống lại lệnh di dời ra khỏi đồng ruộng của họ ở tỉnh Battambang, cách Phnom Penh 300 kilomet hướng Tây Bắc.

Đối với các nhà đầu tư, Battambang là địa điểm có nhiều tiềm năng. Nếu xây thêm đường lộ ở đây, ta có thể dễ dàng đi sang Thái Lan và Việt Nam, hai nền kinh tế năng động hơn.

Ông Puto Kamayana là đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Kampuchia: “ADB muốn Kampuchia hòa nhập hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu. Muốn vậy Kampuchia phải tập trung cải tiến giao thông vận tải và các đường nối kết thương mại.”

Trong lúc các nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận, các vụ tranh chấp đất đai ngày càng tăng. Các tổ chức bênh vực nhân quyền ước tính có ít nhất 250.000 người dân Kampuchia bị cưỡng bách di dời kể từ 2003. Nhiều người bị chính quyền địa phương hù dọa và đánh đập nếu chống đối.

Ông David Pred, Giám đốc của Bridges Across Borders, tổ chức bênh vực người dân Battambang bị mất đất:
“Trong vòng 15 năm qua, có sự leo thang rõ rệt của các vụ tranh chấp, chiếm đất, cưỡng bách dời cư, chia rẽ vì đất đai; kết quả của những dự án phát triển lớn.”

Các nông dân nói từ nhiều năm qua họ vẫn canh tác trên đất của họ, nhưng họ chỉ có chủ quyền tạm thời.

Hàng trăm ngàn nông dân phải dời cư dưới chế độ Khmer Đỏ trong thập niên 1970, nhưng khi quay trở về làng cũ, họ không còn giấy tờ gì chứng minh chủ quyền, vì các cán bộ Khmer Đỏ đã tiêu hủy mọi chứng từ.

Chính quyền đang tìm cách tái lập quyền sở hữu cho các nông dân, nhưng một Xã trưởng thừa nhận với VOA chính quyền địa phương có thể rút lại giấy chủ quyền.

Dù có tăng trưởng kinh tế, các định chế chính trị của Kampuchia vẫn còn yếu kém, và người dân có rất ít phương tiện để đòi công lý mỗi khi có tranh chấp đất đai.

Các nông dân được VOA hỏi chuyện nói họ cảm thấy tuyệt vọng. Cũng giống như nhiều nơi khác, họ biết rằng rồi đây xe ủi đất, có quân đội đi kèm, sẽ đến trục xuất họ ra khỏi mảnh đất họ đã được chính quyền hứa hẹn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG