Đường dẫn truy cập

Các phe lâm chiến Nam Sudan bắt đầu đàm phán trực tiếp


Con trai chính trị gia John Garang (giữa) nói chuyện với các thành viên của phe nổi loạn ở miền Nam Sudan tại thủ đô của Ethiopia Addis Ababa, ngày 4/1/2014.
Con trai chính trị gia John Garang (giữa) nói chuyện với các thành viên của phe nổi loạn ở miền Nam Sudan tại thủ đô của Ethiopia Addis Ababa, ngày 4/1/2014.
Các phái đoàn đại diện của chính phủ và phiến quân Nam Sudan hôm nay đã bắt đầu đàm phán để tìm cách chấm dứt vụ giao tranh gây chết người trong hơn 3 tuần qua. Cuộc đàm phán đã bắt đầu tại Ethiopia sau nhiều ngày có ý kiến bất đồng về hình thức và nghị trình của cuộc thương thuyết. Mới đây hai bên đã chấp nhận một nghị trình tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận ngưng bắn và xác định qui chế của 11 người đang bị chính phủ câu lưu.

Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Ethiopia, ông Dina Mufti, cho đài VOA biết rằng vấn đề ngưng bắn và một số vấn đề khác sẽ nằm trong nghị trình của cuộc hòa đàm tại Ethiopia.

"Chắc chắn là như vậy. Một cuộc ngưng bắn sẽ nằm cao trong nghị trình thảo luận. Những vấn đề khác gồm có việc phóng thích những người bị câu lưu – có một số người đã bị phía chính phủ bắt giam; việc mở một hành lang nhân đạo, bởi vì có tình trạng thất tán của dân chúng trên diện rộng; cùng với những vấn đề quan trọng khác."

Các nhà thương thuyết của chính phủ và phiến quân đều bày tỏ thái độ lạc quan đối với cuộc đàm phán. Thương thuyết gia trưởng của phiến quân, Đại tướng Tabang Deng Gai, cho biết nhóm của ông – một nhóm ly khai của Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan, không đồng ý với chính phủ. Tuy nhiên, ông nói rằng hòa giải vẫn nằm trong tầm tay với.

"Chúng tôi tới đây trong tư cách là thành viên của SPLM/SPLA để thảo luận về vấn đề hòa bình với những người anh em của chúng tôi. Chúng tôi đều là người trong cùng một gia đình. Chúng tôi đều là người của phong trào SPLM. Họ đang lãnh đạo chính phủ, còn chúng tôi thì thuộc về phong trào SPLM. Chúng tôi có ý kiến bất đồng nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể có được một sự hòa giải đầy đủ, một sự hòa giải có ý nghĩa đối với cả hai bên và đối với dân chúng của nước Cộng hòa Nam Sudan."

Trong một diễn tiến khác, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đến thăm Nam Sudan hôm thứ hai và cam kết chính phủ ông sẽ không hậu thuẫn cho phe phiến quân ở nước láng giềng phía nam.

Ông Bashir đã ngỏ lời cám ơn Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir về sự đón tiếp nồng nhiệt và cho biết là Sudan sẽ không bao giờ ủng hộ những phiến quân chống lại chính phủ của bất kỳ nước láng giềng nào. Ông Bashir nói rằng làm như vậy chỉ tạo ra bất ổn, hao tổn nhân lực vật lực và phá hoại các mối quan hệ giữa các nước.

Trong quá khứ, hai nước Sudan đã tố cáo đối phương ủng hộ những phiến quân hoạt động trên lãnh thổ của nước mình.

Cũng trong ngày thứ hai, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi chấm dứt ngay những hoạt động thù địch ở Nam Sudan, là nơi mà ba tuần lễ bạo động đã gây tử vong cho hơn 1.000 người và làm cho khoảng 200.000 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Các công ty Trung Quốc có những dự án đầu tư qui mô lớn trong công nghiệp dầu khí của Nam Sudan.

Vụ rối loạn ở Nam Sudan bùng ra hôm 15 tháng 12, khi những binh sĩ nổi loạn tấn công một bộ chỉ huy của quân đội. Tổng thống Kiir tố cáo cựu phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chánh. Ông Machar bác bỏ tố cáo đó nhưng đã hối thúc quân đội lật đổ ông Kirr.

Những người mục kích cho biết một số vụ bạo động có tính chất sắc tộc, với một bên là những người ủng hộ ông Kiir, thuộc sắc tộc Dinka, và phía bên kia là những người ủng hộ ông Machar, thuộc bộï lạc Nuer.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG