Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Mỹ nỗ lực phút chót để tránh 'vỡ nợ'


Trụ sở Quốc hội Mỹ tại Washington.
Trụ sở Quốc hội Mỹ tại Washington.

Các khoản tiền chính Hoa Kỳ phải chi trả cho kịp hạn

Các khoản tiền chính Hoa Kỳ phải chi trả cho kịp hạn:

23 tháng 10 - Tiền an sinh xã hội 12 tỷ đôla.
30 tháng 10 - Trả trợ cấp y tế cho các hãng cung cấp dịch vụ 2 tỷ đôla.
31 tháng 10 - tiền lời nợ công 6 tỷ đôla.
1 tháng 11 - Trả trợ cấp y tế cho các hãng cung cấp dịch vụ và bảo hiểm 18 tỷ đôla.
Tiền an sinh xã hội 25 tỷ đôla.
Lương quân đội, hưu bổng cựu chiến binh 12 tỷ đôla.
Phụ cấp an sinh xã hội 3 tỷ đôla.
14 tháng 11 - Tiền an sinh xã hội 12 tỷ đôla.
15 tháng 11 - Tiền lợi nợ 29 tỷ đôla.
Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn bị cho nỗ lực vào phút chót trong ngày hôm nay nhằm ngăn tránh sự kiện lịch sử là chính phủ không còn quyền được vay nợ, một sự kiện mà Tổng thống Barack Obama từng nói có thể dẫn tới tình trạng vỡ nợ và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.

Sau một ngày thương thuyết đầy mấp mô, được biết hai nhà lãnh đạo của đảng Cộng Hòa và Dân chủ tại Thuợng viện đã tiến gần đến chỗ đồng ý về một đề nghị nâng mức trần nợ - và mở lại các chính phủ đã bị đóng cửa một phần - để đưa ra cứu xét trước toàn thể Thượng viện trong ngày thứ tư. Số phận của đề xuất này còn chưa rõ tại Hạ viện nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hòa đầy chia rẽ, đã hai lần không đưa ra được kế hoạch riêng của mình trong ngày thứ ba.

Thượng viện dự trù họp vào trưa thứ tư, và Hạ viện họp vào 10 giờ sáng. Dân biểu Chris Van Hollen, một đảng viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Hạ viện nói với hãng tin MSNBC hồi khuya thứ ba rằng trước tình hình quyền vay nợ sẽ đáo hạn vào ngày thứ năm, trưởng khối đa số Harry Reid và trưởng khối Cộng Hoà Mitch McConnell tại Thượng viện đang tiến “rất gần” tới một thỏa thuận. Thượng nghị sĩ Dân chủ Heidi Heitkamp nói với đài CNN hồi khuya thứ ba rằng, “Nay mọi sự đang trở lại đúng hướng,” sau một ngày đầy những diễn biến hỗn độn làm điên đầu nhiều đại biểu Quốc hội và các thị trường tài chính toàn cầu.

Hai ông McConnell và Reid đã nối lại các cuộc đàm phán bị khựng lại sau một ngày đầy biến động trong đó hai nỗ lực lập pháp riêng rẽ tại Hạ viện đã bị chôn vùi sau khi rõ ràng là có quá nhiều đảng viên Cộng hòa tỏ dấu phản đối các kế hoạch của giới lãnh đạo. Sau nhiều tuần lễ tranh cãi gay gắt giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng Hòa, hàng trăm ngàn công nhân viên liên bang bị cho nghỉ việc và các thị trường chứng khoán bị rối loạn, thỏa thuận đang được thảo luận - nếu chung cuộc được thi hành – cơ bản sẽ đem lại cho Tổng thống Barack Obama những gì ông đã đòi hỏi từ nhiều tháng nay: đó là việc gia hạn tăng mức trần nợ và cấp ngân khoản cho chính phủ hoạt động.

Thỏa thuận sẽ gia hạn quyền vay nợ của Hoa Kỳ cho đến ngày 7 tháng 2, mặc dầu Bộ Tài chính sẽ phải có các công cụ để tạm thời gia hạn khả năng vay nợ sau ngày đó nếu như Quốc Hội không đưa ra quyết định sớm vào năm tới. Với các chi tiết chung cuộc còn chưa quyết, tính tới đêm thứ ba, thỏa thuận dự kiến việc cấp ngân khoản cho các cơ quan chính phủ cho đến ngày 15 tháng 1, chấm dứt tình trạng đóng cửa một số hoạt động của chính phủ khởi sự vào lúc bắt đầu năm tài khóa mới vào ngày 1 tháng 10.

Các thị trường chứng khoán Á châu gần như tê liệt vào đầu ngày giao dịch hôm thứ tư trong khi chờ đợi xem Washington có kết thúc một thỏa thuận để giải quyết vụ khủng hoảng nợ hay không. Chứng khoán không cho thấy thay đổi mấy và đứng nguyên ở mức cao nhất từ 5 tháng.

Những trở ngại tại Thượng viện

Giới hạn trần nợ của Mỹ

Giới hạn trần nợ của Mỹ

- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.

Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ
Các phụ tá tại thượng viên cho biết hai nhà lãnh đạo đang cứu xét 2 phương sách có thể thực hiện để đẩy nhanh dự luật qua viện này, mà thông thường có thể bị tắc nghẽn trong nhiều ngày bằng những trở ngại thủ tục.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin, đàng viên Dân chủ đứng hàng thứ hai tại Thượng viện, nói với các phóng viên rằng: “Ðể có thể đẩy nhanh tiến trình vào ngày mai sau đó càng sớm càng hay, chúng ta cần có sự hợp tác của các thành viên. Nếu họ muốn kéo dài, sử dụng mọi quyền phản đối có thể có, thì có thể phải mất vài ngày.”

Trong một tình huống, tất cả 100 thượng nghĩ sĩ sẽ đồng ý để cho phe Dân chủ lên lịch biểu quyết nhanh để thông qua dự luật. Ðiều đó có nghĩa là những thành phần hay gây rắc rối thuộc đảng Tea Party, như thượng nghị sĩ Cộng Hòa Ted Cruz, sẽ từ bỏ quyền trì hoãn biểu quyết của mình. Ông Cruz chưa công khai tuyên bố các ý định của ông nhưng một số phụ tá tại Thượng viện nghĩ rằng vị dân biểu mới của Texas với tham vọng ra làm tổng thống đã gửi đi các tín hiệu tích cực trong những ngày gần đây.

Ông Cruz và các đồng chí tranh đấu thuộc đảng Tea Party hồi cuối tháng trước đã trì hoãn việc thông qua một dự luật chuẩn chi cho chính phủ khi họ yêu cầu có những thay đổi quan trọng trong bộ luật bảo hiểm y tế mang tính cách lịch sử của Tổng thống Obama. Vụ bế tắc đã dẫn đến việc các cơ quan phải đóng cửa một phần trong khi Tổng thống Obama và các đồng chí Dân chủ của ông kiên quyết chống lại việc thay đổi bộ luật.

Tình huống kia sẽ là Hạ viện gửi một “thông điệp” chính thức cho Thượng viện để mở đường cho quyết định nhanh chóng của Thượng viện, theo nhận định của một phụ tá Thượng viện yêu cầu không nêu danh tính. Một lần nữa, chưa rõ liệu phe Cộng hòa tại Hạ viện có chấp nhận phương án đó hay không.

Quyết định gay go của ông Boehner

Chính phủ đóng cửa ảnh hưởng ra sao đến các dịch vụ?

Chính phủ đóng cửa ảnh hưởng ra sao đến các dịch vụ?

  • Khoảng 800 ngàn công chức liên bang sẽ phải nghỉ việc không lương.
  • 1 triệu 400 ngàn nhân viên quân đội hiện dịch sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ, nhưng có thể phải lãnh lương trễ.
  • NASA sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.
  • Các nhân viên kiểm soát không lưu và kiểm tra hành khách sẽ tiếp tục công tác.
  • Các toà án liên bang sẽ tiếp tục hoạt động.
  • Sẽ tiếp tục giao thư tín vì Sở Bưu chính Hoa Kỳ không được tài trợ bởi tiền thuế.
  • Phần lớn nhân viên của Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc.
  • Phần lớn các dịch vụ dành cho cựu chiến binh sẽ tiếp tục vì đã nhận tiền tài trợ từ trước.
  • Các Công viên quốc gia và các viện bảo tàng Smithsonian sẽ đóng cửa.
Giả thiết Thượng viện thành công, Chủ tịch Hạ viện John Boehner sẽ phải quyết định liệu có cho phép thông qua một dự luật mà nhiều đồng chí Cộng Hòa của ông có thể phản đối, một quyết định có thể tác động đến tương lai chính trị của đảng viên Cộng Hòa hàng đầu này.

Sự bất định về khả năng của Washington ngăn tránh việc vỡ nợ đã khiến công ty đánh giá tín dụng Fitch cảnh cáo sẽ cắt mức tín dụng thượng hảo hạng của Hoa Kỳ từ điểm AAA, viện lý do sách lược chính trị về việc nâng cao mức trần nợ liên bang.

Phe Cộng Hoà tại Hạ viện đã hai lần tìm cách đưa ra một thỏa hiệp mới nhưng đã không làm hài lòng ông Obama, phe Dân chủ tại Thượng viện hay các thành phần bảo thủ của đảng Tea Party quyết tâm đòi những thay đổi trong bộ luật bảo hiểm y tế của tổng thống trước khi họ đồng ý nhượng bộ về ngân sách. Mưu toàn thứ nhất của phe Cộng Hòa tại Hạ viện đã thất bại trong một phiên họp kín bắt đầu bằng việc các thành viên hát bài thánh ca “Amazing Grace.”

“Kế hoạch thứ hai đã sụp đổ vài giờ đồng hồ trước khi dự trù được đưa ra diễn đàn Hạ viện để biểu quyết sau khi tổ chức nhiều ảnh hưởng Heritage Action for America, một nhóm bảo thủ, kêu gọi biểu quyết chống bởi vì kế hoạch này đã không làm đủ cách để ngăn chặn bộ luật bảo hiểm sức khỏe của ông Obama. Nếu Quốc Hội không đạt được một thỏa thuận trước ngày thứ năm, có phần chắc các chi phiếu sẽ được chuyển đi kịp thời trong một thời gian ngắn cho tất cả mọi người từ những người sở hữu trái phiếu cho đến các công nhân chờ lãnh tiến thất nghiệp. Nhưng các phân tích gia cảnh báo rằng việc chính phủ không toàn thành được các nghĩa vụ có thể nhanh chóng xảy diễn tiếp theo, có khả năng khiến cho khu vực tài chính Hoa Kỳ bị tê liệt và đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã nắm lấy lời đe dọa hạ mức tín dụng của cơ quan Fitch để làm áp lực với Quốc Hội. Một phát ngôn viên của Bộ nói, “Thông cáo phản ánh tính khẩn cấp của việc Quốc Hội có hành động để tháo gỡ mối đe dọa vỡ nợ treo lơ lửng trên nền kinh tế.” Sau thông báo của cơ quan đánh giá tín dụng Fitch, giá cổ phiếu S&P sụt 9,6 điểm trong khi chỉ số trung bình Dow Jones sụt 60 điểm và chỉ số Nasdaq 100 sụt 7,5 điểm.

Nhiều cuộc thăm dò công luận cho thấy phe Cộng Hòa đã bị mất điểm kể từ khi vụ giằng co bắt đầu và chính phủ đóng cửa một số hoạt động. Một cuộc thăm dò do báo Washington Post và hãng tin ABC thực hiện công bố hôm thứ hai cho thấy 74 phần trăm người Mỹ không tán thành cách thức phe Cộng Hòa tại Quốc Hội xử lý vụ giằng co, so với tỷ lệ 54 phần trăm điểm bất tán thành dành cho ông Obama.

Một cuộc thăm dò khác do viện Gallup công bố hôm thứ ba cho thấy lòng tin của người dân Mỹ đặt vào nền kinh tế Hoa Kỳ sụt thêm 5 điểm tuần trước trong khi chính phủ tiếp tục đóng cửa. Vụ khủng hoảng này là vụ mới nhất trong một loạt những cuộc chiến về ngân sách trong những năm gần đây đã gây thiệt hại cho niềm tin của người tiêu thụ và đè nặng lên nền kinh tế.

Một thẩm định hôm thứ hai của Quỹ Peter G. Peterson, một cơ quan nghiên cứu, nói rằng sự bất định do những vụ đối đầu về tài chính thường xuyên đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 0,6%, tương đương với 900 ngàn công ăn việc làm, tính từ cuối năm 2009.

VOA Express

XS
SM
MD
LG