Đường dẫn truy cập

Các ngân hàng Trung Quốc dính scandal rửa tiền


Một số ngân hàng do nhà nước Trung Quốc kiểm soát và chi nhánh của ngân hàng HSBC ở Hong Kong theo cáo giác đã xử lý hàng trăm triệu đôla từ hoạt động rửa tiền khổng lồ vận hành bởi những tay tội phạm người Nga có liên hệ tới chính phủ Nga và cơ quan tình báo FSB của Moscow.

Theo tài liệu mà Dự án Tường trình về Tội phạm Có tổ chức và Tham nhũng (OCCRP) thu thập được, ít nhất 20 tỉ đôla Mỹ đã được chuyển ra ngoài nước Nga từ năm 2010 đến năm 2014 trong một chiến dịch tội phạm quy mô lớn mang tên "The Global Laundromat."

Các tài liệu cho thấy trong thời gian đó, Ngân hàng Trung Quốc - một trong những ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc - đã xử lý tổng cộng 716 triệu đôla tiền mặt thông qua các chi nhánh ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau. Đây là ngân hàng hoạt động tích cực hàng thứ tư trong đường dây rửa tiền này.

Một số ngân hàng Trung Quốc khác, bao gồm Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, đều có dính dáng đến tiền ‘bẩn.’

Theo tính toán của báo Asia Times, năm ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã xử lý hơn 1 tỉ đôla. Cuộc điều tra của OCCRP cho thấy 20 tỉ đôla đã tuồng ra 96 quốc gia, trong đó 915 triệu đôla tuồng qua Trung Quốc đại lục và 927 triệu đôla chuyển ra Hong Kong.

Theo báo The Guardian, ngân hàng HSBC, có trụ sở tại London, đã xử lý 545,3 triệu đôla tiền ‘bẩn,’ chủ yếu được chuyển qua chi nhánh Hong Kong. HSBC, đặt trụ sở tại Hong Kong cho đến năm 1993, hiện giờ là ngân hàng lớn nhất của Hong Kong.

Asia Times dẫn lời HSBC đáp lại cáo buộc rằng: "Vụ việc này nêu bật sự cần thiết của việc chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa các lĩnh vực công và tư, mỗi bên nắm giữ thông tin quan trọng mà bên kia không có."

"Ngân hàng có những hệ thống và những quy trình để xác định những hoạt động đáng ngờ và báo cáo với các cơ quan chính phủ thích hợp."

Ngân hàng Hang Seng của Hong Kong cũng có dính líu.

Vụ này được cho là có liên quan đến hơn 500 người, bao gồm những tay đầu sỏ chính trị và tội phạm ở Nga có liên hệ với chính phủ và FSB. Các nhà điều tra đang cố gắng xác định một số nhân vật Nga giàu có và quyền thế đứng sau sau hoạt động này.

Bên cạnh các ngân hàng Trung Quốc, Credit Suisse, Citibank và Falcon Private Bank cũng bị cáo buộc có xử lý tiền ‘bẩn’thông qua những chi nhánh ở Trung Quốc.

Những tài liệu cho thấy đa số chủ sở hữu của những công ty đặt ở nước ngoài có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục, tiếp theo là Hong Kong.

Vụ việc này gợi nhớ đến vụ bê bối xung quanh "Hồ sơ Panama" vào năm ngoái, là vụ rò rỉ lớn chưa từng có với 11,5 triệu tập tin từ cơ sở dữ liệu của công ty luật ở hải ngoại lớn thứ tư thế giới Mossack Fonseca.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG