Đường dẫn truy cập

Buổi học đầu tiên


Buổi học đầu tiên
Buổi học đầu tiên

Lớp vẫn là lớp cũ, nhưng không khí hôm nay khác lạ như thể lần đầu tiên tôi đứng trên bục gỗ. Tôi nhìn quanh. Vắng Kiệt. Một số học sinh cũ không có mặt. Một vài cậu từ trường khác chuyển đến dồn lên mấy bàn đầu. Ngồi riêng một mình ở bàn thứ nhất là một học sinh gái. Cô bé ăn mặc không phải kiểu các nữ sinh Saigon. Chiếc áo ngắn may theo kiểu nửa sơ mi nửa bà ba làm cô khác hẳn. Cô có đôi mắt sắc và một giọng nói rất đặc biệt, khác với giọng nói của những người miền Bắc di cư năm Năm Tư. Cô tên Nhị Hà. Tôi ngồi xuống ghế, mở rộng những trang giáo án đã được soạn sẵn. Tôi không quên đặt bên cạnh cuốn sách giáo khoa Việt Văn do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành ở Hà Nội. Cuốn sách này tôi đã phải cậy cục mãi mới mượn được của một chị giáo viên cấp ba miền Bắc mới chuyển vào, từ nay không được gọi là giáo sư trung học như ta vẫn gọi trước Bảy Lăm mà phải gọi là giáo viên thôi. Tôi xem cuốn sách đang có như một thứ cẩm nang. Bởi vì tôi vốn mù tịt về môn Việt Văn - mặc dù trong tủ sách tôi gần như không thiếu tác phẩm nào của các nhà văn tiền chiến và hiện đại – tôi đâu phải là người được nhà trường đào tạo để phụ trách môn này. Vả lại, người giảng dạy môn Việt Văn của nhà trường ngoài Bắc theo tôi được biết trước hết phải là người có nắm trong tay một số nguyên lý căn bản về nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tôi làm gì có được thứ ấy. Tôi chưa được đọc một cuốn truyện nào của một tác giả nào “ngoài đó”. Những nhà văn, nhà thơ thời kháng chiến chống Pháp mà tác phẩm của họ tôi có từng nghe qua như Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Tây Tiến của Quang Dũng, Nhà Tôi của Yên Thao… thì nay không thấy trong chương trình. Còn những tác giả khác cũng ở “ngoài đó”, mà sau này tôi được biết qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm như Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt… thì đương nhiên lại càng không thể có trong chương trình.

Tôi lo sợ cũng là phải thôi.

Bài giảng hôm nay là một đoạn trích trong tiểu thuyết Cái Sân Gạch của người viết ký tên là Đào Vũ. Cả tên tác phẩm lẫn tên tác giả đều hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi đã đọc trước phần tóm lược lẫn phần giải thích ở nhà, nhưng không sao chia sẻ được những suy nghĩ của tác giả. Đây là một vấn đề thuộc nông thôn miền Bắc sau Hiệp định Genève. Nó không phải là vấn đề mà Bùi Hiển đưa ra trong Nằm Vạ, hoặc Nam Cao trong Chí Phèo hoặc Ngô Tất Tố trong Tắt Đèn. Tài liệu cho biết Lão Am, nhân vật chính trong Cái Sân Gạch có những nét điển hình của tầng lớp trung nông trên cánh đồng miền Bắc.

Tôi nói như đọc, mắt vừa nhìn vào giáo án vừa ngó xuống những con mắt phía dưới. Tôi dừng khá lâu trên mắt Nhị Hà muốn biết phản ứng của cô bé về những gì tôi đang nói đang đọc.

“Đây là một nhân vật có nội tâm phong phú”, tôi đọc, “phức tạp và có cá tính khá độc đáo. Trong vấn đề vào hợp tác xã của Lão Am, Đào Vũ không chỉ phân tích mặt quyền lợi vật chất mà còn đề cập đến vấn đề tình cảm, thói quen và nhiều ràng buộc linh tinh khác trong đời sống của người nông dân. Lão Am đã có những suy nghĩ riêng khi phải vào hợp tác xã: Lão vào nhưng trong tâm hồn vẫn còn cái gì u uất chưa nguôi. Xuất thân là một cố nông làm thuê, Lão Am đã từng bỏ làng ra mỏ Đông Triều bảy năm, sau đó trở về lại với cái túi rỗng và hai lỗ mũi đầy những bụi than. Lão từng làm phó lý, tậu được một ít ruộng vườn và trong đợt cải cách ruộng đất, lão bị qui là phú nông cường hào. Lão là người trọng nho học và những lời dạy của thánh hiền…”

“Ai có ý kiến?” Tôi hỏi ngay khi vừa chấm dứt phần sơ lược. Cả lớp im lặng. Mấy cậu học trò cũ ngồi ở bàn chợt nhìn tôi bằng những đôi mắt thương cảm. Từ Socrates, Platon, Aristote… tôi không nhảy tới Heidegger, Sartre mà nhảy qua Marx, Engels một cách khó hiểu. Rõ ràng là tôi nói không suông sẻ lắm. Tôi nhìn Nhị Hà. Mắt cô ngó thẳng vào mắt tôi. Tôi thấy cánh tay cô nhúc nhích. Rất chậm rãi, cô từ từ đưa tay lên. Cô không đưa một ngón tay kiểu Saigon. Cô đưa nguyên cả cánh tay.

“Em có ý kiến!”

Tôi gật đầu.

“Em nghĩ rằng nhân vật trong Cái Sân Gạch là một nhân vật lạc hậu…”

Tôi cúi xuống nhìn lại trang giáo án. Đúng, tôi quên nói cái chính trong bài giảng là phải nhìn cho ra tính cách lạc hậu trong nhân vật Lão Am.

“Phải. Cám ơn Nhị Hà.” Tôi liếc qua trang sách giáo khoa tiếp tục nói như đọc “Cái ưu điểm của Đào Vũ là đưa ra được một nhân vật có nội tâm phong phú, có cá tính – tôi biết mình lặp lại điều đã nói – nhưng viết về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp mà lại chọn một trung nông sống bằng nghề thủ công làm nhân vật trung tâm thì không thuận lợi cho việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm…”

Cả lớp im lặng, lạnh lẽo. Mấy học sinh cũ lắc đầu. Các học sinh mới cũng không khá hơn. Nhị Hà cúi xuống cuốn tập đã xếp.

“Thưa thầy!”

Có tiếng nói từ cuối phòng. Người đưa tay lên, chỉ một ngón thôi, là Hiệp, bạn của Kiệt, một trong những học sinh giỏi của tôi.

“Em không hiểu gì hết! Ông nhà văn này viết những điều chẳng ăn nhập gì đến đời sống của chúng ta hết. Hợp tác hóa là gì? Tại sao lại phải vào hợp tác xã?”

“Em có ý kiến!” Nhị Hà lại giơ nguyên cả bàn tay lên. “Em không đồng ý với phát biểu của anh gì gì đó”, cô quay đầu lại nhìn về phía Hiệp. “Nhà văn Đào Vũ viết những điều rất liên hệ đến nông thôn miền Bắc. Có thể nông thôn miền Nam chưa có cảnh này, nhưng nông thôn miền Bắc vào những năm sáu mươi nó là như thế.”

“Em xin có ý kiến.” Hiệp đưa tay lên.

Tôi đưa mắt ra dấu cho Hiệp cứ nói.

“Tôi muốn hỏi chị vậy chớ bây giờ ngoài Bắc vấn đề ấy ở nông thôn còn không?”

Nhị Hà không trả lời ngay. Một lúc, chị đưa cả bàn tay lên, nhìn tôi xin nói. Tôi gật đầu.

“Tôi nghĩ là vấn đề đó vẫn còn.”

Tôi nhìn đồng hồ. Còn mười phút nữa đến giờ đổi lớp. Tôi ra dấu cho cả lớp ghi những điều cần làm ở nhà cho kỳ tới. Tôi cố ý không giải quyết vấn đề. Tôi xếp mấy trang giáo án và cuốn sách giáo khoa lại, buồn bã ngó xuống lớp học. Tôi chờ tiếng chuông đổi lớp, nhưng thời gian hình như đã ngừng lại ngay khi tôi không còn chút chữ nghĩa nào trong đầu để nói thêm về bài học. Tôi tự hỏi không biết mình sẽ làm gì trong những ngày sắp tới, nhưng tôi biết chắc chắn công việc đứng trên bục gỗ này không còn thuộc về tôi nữa. Bao lâu tôi còn đứng ở chỗ này, tôi sẽ còn tiếp tục nói dối. Nói dối đã là điều đáng khinh, nếu tất cả những điều dối trá ấy lại được thốt ra trong sự thành thật của tôi thì sự khinh bỉ ấy không biết cách nào đo lường được. Tôi đi tới dãy bàn cuối phòng, ngồi xuống chỗ ghế trống của Kiệt. Tôi hỏi Hiệp, bạn cùng bàn của Kiệt:

“Em có gặp Kiệt không?”

“Thưa thầy, có!”

“Sao Kiệt không đi học?”

“Kiệt nói với em sẽ theo má về dưới quê.” Hiệp ngập ngừng tiếp. “Mà thầy có biết là cha của Kiệt đã tự tử không?”

“Có, có!” Tôi nói.

“Thầy nghĩ sao về cái chết của ba Kiệt?”

Tôi nhìn thẳng vào mắt Hiệp. Ba của Hiệp là sĩ quan Biệt Động Quân, bạn cùng khoá của ông anh tôi. Cũng như Kiệt, Hiệp là người ít nói và là học sinh xuất sắc.

“Theo em thì sao?” Tôi hỏi ngược.

“Em không biết. Em muốn nghe thầy nói.”

“Tôi cũng không biết nói thế nào. Có nhiều điều mới xảy ra đây, tôi không biết gì hết.”

“Tại sao thầy không đi?” Đột nhiên Hiệp hỏi tôi.

Tại sao mình không đi? Câu hỏi ấy đâu phải đặt ra cho một mình tôi. Câu hỏi ấy đặt ra cho hằng triệu con người…ở Sàigòn và cả miền Nam. Những ngày tháng Tư, Quỳnh đang chuẩn bị sanh con đầu lòng. Một tuần lễ trước ngày Saigon thất thủ, một người bạn ở tòa đại sứ Úc hứa cho hai vé và cho điểm hẹn. Tôi chở Quỳnh đến nơi đúng giờ, nhưng điểm hẹn không một bóng người. Quanh tôi người ta bắt đầu hôi của. Bàn ghế, rượu, xe, đàn dương cầm, gạo…ở mấy căn nhà bị kéo ra sân. Người ta ngang nhiên chở đồ đạc nhà người khác đi như một kiểu dọn nhà công khai. Quỳnh ôm bụng ngồi yên sau chiếc Lambretta. Đôi mắt Quỳnh thất thần, sợ hãi. Suốt buổi chiều chờ đợi không thấy bóng dáng tăm hơi, tôi đành chở Quỳnh trở về. Người ta bảo xuống bến Bạch Đằng. Tôi chở Quỳnh đi qua đường Tự Do. Cả dãy phố đóng cửa. Bến tàu đầy người chen chúc nhau. Quỳnh hỏi tôi có nhớ vụ di tản miền Trung không. Tôi hiểu nỗi lo sợ của Quỳnh. Tôi buồn bã quay xe trở về. Quỳnh đóng cửa, mở cuốn album của tôi ra, xé đốt tất cả những ảnh tôi chụp hồi ở quân trường Quang Trung.

“Chắc trước sau gì cũng phải tìm cách đi thôi?”

Tôi không muốn trả lời trực tiếp câu hỏi của Hiệp. Trước ba mươi tháng Tư nhiều lần trong lúc giảng bài, tôi hay đưa ra thái độ vô chính trị của mình. Đối với tôi chế độ nào mở được nhiều nhà trẻ, nhà thương, nhà trường, dẹp bỏ được nhà tù, nâng cao được mức sống văn hóa và vật chất người dân, chế độ ấy là tốt. Trong khi giảng bài, có lần tôi nhắc đến Niccolo Machiavelli qua cuốn Le Prince, Sứ Quân, và tôi nói tôi không thích chính trị, mặc dù tôi cũng từng hỏi ngược lại là liệu người ta có thể tránh được chính trị không. Tôi đọc Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak, tôi ghê tởm một Komarovski đầy thủ đoạn và một Pacha Antopov sắt máu khi theo cách mạng. Tôi vẫn nghĩ rằng để bảo vệ một chế độ người ta phải dùng bạo lực và bạo lực thì không thể không đi kèm với thù hận, chiến tranh và đổ máu. Liệu, một dân tộc muốn tồn tại mà không đứng lên làm chiến tranh không? Hay muốn có hoà bình thì phải chuẩn bị chiến tranh. Nhưng tại sao muốn có hoà bình mà không thoả thuận gìn giữ hoà bình? Tôi đã đọc được, nghe được ở đâu những câu này?

“Gia đình em đi hụt. Suốt ngày chờ trên sân thượng của một điểm hẹn nhưng không có chiếc máy bay trực thăng nào đáp xuống cả.”

“Tôi cũng vậy. Tôi đã đến điểm hẹn. Và tôi phải trở về.”

“Bây giờ em tính sao?”

“Em không rõ. Em không biết làm thế nào là đúng trong lúc này? Có lẽ…” Hiệp ngập ngừng. Nhưng tiếng chuông đổi lớp bất ngờ reo lên đã chấm dứt câu nói của Hiệp. Tôi nghe tiếng chuông dội lại lồng ngực tôi. Tôi bước như chạy ra khỏi lớp.

Bụi & Rác – Chương Ba


* Blog của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG