Đường dẫn truy cập

Người đạp xích lô trong thành phố mất tên


Người đạp xích lô trong thành phố mất tên
Người đạp xích lô trong thành phố mất tên

1.

Người đầu tiên báo tin cho tôi hay tôi đã được Sở Giáo dục thành phố cho phép “thôi việc” là Sự, “hiệu phó” của Hiên. Sự người Nam, tập kết ra Bắc từ năm Năm Tư, lấy vợ Bắc. Cả hai đều là giáo viên cấp ba. Chồng dạy toán vợ dạy Việt văn. Sự nói tiếng Nam trăm phần trăm, giọng không lơ lớ như những người tập kết đã “sống ngoài Bắc hai mươi nhăm năm.” Chị Tâm thì khác hẳn chồng. Chị là người Bắc rặt, Hà Nội thứ thiệt. Chị cho biết chị là cháu cụ Ngô Tất Tố. Chị có giọng nói chậm rãi, nhỏ nhẹ, dịu dàng. Chị biết lắng nghe người khác nói và cũng biết nói điều gì khi cần nói. Sự thì xốc vác, năng động, cởi mở.

“Đơn xin thôi của anh đã được chị Sáu Nỡ, giám đốc sở Giáo Dục chấp thuận. Anh nghĩ sao mà xin thôi dạy?”

Tôi nhìn Sự. Tôi chưa biết trả lời sao. Có nên nói rằng tôi không phải là loại người trở chiều? Có nên nói rằng trước kia tôi chỉ là một người dạy học bất đắc dĩ, giờ đây việc đó còn bất đắc dĩ hơn trước chăng? Phải chi tôi là người dạy Toán, Lý Hóa Sinh, thì dễ cho tôi biết mấy.

Đứng ở lan can hành lang, chúng tôi cùng ngó ra sân trường. Tôi thấy mình sao quá xa lạ ngay giữa khung cảnh quen thuộc từ bao nhiêu năm nay. Từ sau ngày Ba Mươi Tháng Tư đến nay, lòng tôi không bao giờ yên, trái tim tôi không bao giờ ngưng lo âu hồi hộp. Tôi sợ những câu hỏi, và tôi thấy mình lúng túng khi tìm câu trả lời.

“Mừng quá phải không?” Sự hỏi tiếp khi thấy tôi lặng thinh hơi lâu.

“Cảm ơn anh đã cho biết tin. Nhưng bao giờ thì tôi được chính thức nghỉ?”

“Giấy đã về chỗ ông Hiên rồi. Có lẽ nội sáng nay ông Hiên sẽ đưa cho anh. Và từ ngày mai anh có thể… có thể…”

Sự không nói hết câu. Tôi vẫn không hiểu ý anh ta muốn gì. Tôi quay lại, nhìn Sự. Sự hơi thấp hơn một người Việt Nam trung bình. Da mặt anh đen sạm, hai con mắt sáng, giọng nói rổn rảng.

“Có một điều tôi muốn nói với anh, ông Hiên đã làm một bản báo cáo về anh cho Sở. Bản báo cáo không tốt về anh, nhưng có lẽ nhờ đó anh đã được cho nghỉ việc theo ý muốn của anh.”

Bất ngờ, Sự mở cặp đưa cho tôi tờ “pelure” của bản lót giấy than đại khái viết rằng tôi là một người “phóng đãng”, cuộc sống của tôi không thể thích ứng với một nhà giáo, và càng không thể thích hợp với một nhà giáo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Bản báo cáo còn ghi sự liên hệ của tôi với gia đình ông Phan, một nhân vật phản động của chính trị tại miền Nam. Tôi không chờ đợi những lời tốt đẹp của Hiên viết về tôi. Tôi hiểu tôi là “thứ” người gì. Nhưng tôi không ngờ y viết về tôi kiểu đó.

“Nếu không ở được thì nên tìm cách đi đến một chỗ tốt hơn.”

Sự nắm cánh tay tôi giật giật rồi bước đi.

Tôi nhìn theo anh không biết có phải thật là chính Sự nói những lời đó không. Tôi ngó xuống tay mình. Tờ giấy pelure vẫn còn đó.

….

Tôi đi chậm rãi dọc theo hành lang, trở lại phòng giáo sư. Tôi ngồi xuống chiếc ghế sát bên cửa hông. Đám đất nhỏ vừa được mấy thầy cô giáo xới lên trồng rau. Một chuồng heo vừa mới được rào giậu. Những cái đó thật xa lạ với ngôi trường mà tôi đã từng có mặt hơn mười lăm năm nay, từ một đứa học trò ngồi ở dưới bàn học kia, đến lúc đứng trên bục gỗ này nhìn lại tuổi trẻ của mình. Hai câu đối trước cổng trường, cây phượng trong sân che mát trạm của người gác dan, nơi có chú Phẩm hiền lành cục mịch mở cửa cho chúng tôi mỗi sáng. Phòng y tế nơi làm việc của bác Thử, người gầy nhom, nhưng lúc nào cũng tươi cười chăm lo sức khỏe cho cả trường. Thầy Ái dạy Pháp văn ăn nói lưu loát hoạt bát, ông Tổng giám thị Chương ưa nói chuyện thời sự, và còn bao nhiêu kỷ niệm đang quanh quẩn ở góc sân, ở vòm cây, ở mái ngói, ở đợt nắng sắp vào hè, ở cơn mưa dầm, ở khói lựu đạn cay tỏa đầy sân trường khi các em xuống đường... Tôi giật mình chợt thấy tôi yêu mến các đồng nghiệp của tôi hơn là tôi tưởng. Tôi cũng yêu các em học sinh mà tôi chỉ gặp mỗi năm một lần rồi đi qua ngưỡng cửa vào đại học, rất ít khi ngoái đầu lại. Chắc chắn các em đã mang theo trong lòng những điều đồng ý và bất đồng ý với tôi qua những gì tôi trình bày. Nhưng điều đó có hề gì. Điều mà lòng tôi muốn gửi đến các em là con người và những giới hạn của nó: sự đau khổ, nghèo đói, dốt nát, bệnh tật và nhất là cái chết. Tôi muốn các em chia sẻ cùng tôi bài học làm người. Bài học ấy chúng tôi cùng học, không ai dạy ai.

Tôi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây cũng từ trên cái bục gỗ ấy. Tôi sẽ không còn phải đêm đêm chong đèn biên chép cái gọi là “giáo án” để sáng mai vào lớp đọc từng chữ như một học sinh không thuộc bài. Tôi sẽ không còn phải…, không còn phải…, không còn phải…

2.

Ở lớp ra, tôi không về thẳng nhà như mọi khi. Danh biết tôi được nghỉ việc, hẹn tôi ra quán cà phê, uống mừng một ly. Quán cà phê vỉa hè lúc sau này, mọc khắp đường phố Saigon. Ở đường Trần Quý Cáp trước trường Tư thục Tân Văn, Danh hỏi tôi:

“Này, ông định làm gì?”

“Tôi chưa biết làm gì bây giờ. Có lẽ tôi sẽ về quê. Tôi muốn nhân dịp này thăm ông anh hiện bị bệnh nặng.”

“Tôi thì không về quê. Gia đình tôi không còn ai ở dưới. Tất cả bây giờ đều tập trung ở nhà tôi. Tôi đã liên lạc được với tòa đại sứ Tây Đức. Tôi đang hi vọng sẽ được đưa cả gia đình đi Đức. Tôi tin tưởng và chờ đợi.”

“Thật tình là tôi chưa biết mình sẽ làm gì. Về quê thì được, nhưng sống bằng cách nào? Từ trước tới giờ tôi có nghề ngỗng gì đâu ngoài cái nghề đứng trên bục gỗ! Ông có khuyên tôi được gì không?”

“Tôi không dám khuyên ông điều gì đâu. Nhưng tôi nghĩ, sống ít lâu ở vùng biển cũng là điều hay. Đó là nơi dưỡng sức lý tưởng.”

Tôi hiểu ý Danh. Người Saigon bây giờ không ai là không mơ ước một chiếc ghe, một người tài công giỏi và một “bãi đổ quân” an toàn.

Tôi nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi không thể không nghĩ đến Quỳnh và đứa con chúng tôi hãy còn quá nhỏ. Tôi cũng chờ đợi những tờ giấy bảo lãnh từ Pháp và từ Mỹ. Quỳnh bắt liên lạc với một người làm ở tòa Tổng Lãnh sự Pháp mua tờ khai sanh và cái thẻ của một công dân Pháp – đã chết - để ra vào tòa lãnh sự cho dễ. Chúng tôi muốn đi Pháp theo ngã có “giấy tờ của người đã chết” này nhiều hơn.

Tờ khai sanh tôi mua là của một người mang tên Jean-Francois Didier có cùng tuổi tôi, con của bà Trần Thị Ba và ông Maurice Didier nào đó khá mơ hồ và không có chi chắc chắn. Tôi chờ đợi để xin vào tòa lãnh sự, dù chỉ một lần thôi. Công an áo vàng đứng đầy ở cổng, còn chặt chẽ hơn bức tường cao có những mảnh ve chai nhọn. Người bán khai sanh bảo chúng tôi nên chờ. Chờ đến bao giờ? Không thấy nói.

Chúng tôi ngồi như vậy khá lâu và không biết nói gì thêm. Ly cà phê đen đã hết, chúng tôi được châm cho một bình trà. Đến xẩm tối, chúng tôi chia tay.

“Coi như kể từ ngày mai, ông không bước chân tới trường nữa, phải không?” Danh leo lên xe đạp hỏi tôi câu cuối cùng.

Tôi lên xe, nhưng phân vân không biết đi đâu về đâu. Chạy ngang qua Chợ Đủi, tôi dừng xe như một thói quen những khi buồn. Dựng xe ở dưới gốc cây. Chợ Đủi tối tăm lạnh lẽo. Tôi không thấy cái bàn quen thuộc của chúng tôi: Nhật đã đi học tập cải tạo. Cả Ký và Lộc nữa. Chỉ còn Nghĩa-King Kong, giáo sư môn Kinh tế trường Luật và bây giờ đang “thất nghiệp”, nhưng từ hôm Saigon mất đến nay tôi chỉ gặp Nghĩa có một lần trong một quán cà phê vỉa hè trên đường Tự Do. Tôi lại lên xe, tiếp tục chạy quanh thành phố. Quán Cái Chùa trên đường Tự Do đã trở thành tiệm ăn. Givral cửa kính dầy vẫn có khách ngồi, nhưng tôi biết không còn đám bạn của tôi trong đó. Tôi không gặp lại Trịnh, nhưng hôm Saigon vừa mới bị tiếp thu tôi có nghe một ca khúc của anh vang qua làn sóng điện. Tôi chỉ gặp lại Tâm, Trụ và Phùng. Vẫn Tâm khuôn mặt sạm đen, vẫn Khô-Khốc-Thiền-Sư, vẫn thở thuốc lá đen như ống khói tàu… Còn Phùng vẫn đôi kính cận màu nâu nhạt, vẫn giọng nói gấp gáp đuổi nhau từ tiếng này sang tiếng khác. Trụ, một nhân viên của hãng AP còn khốn khổ hơn chúng tôi trăm lần. Toàn vốn đã gầy ốm giờ có vẻ như càng gầy ốm xanh xao hơn.

….

Tôi chạy xuống bờ sông Saigon. Đêm lạnh lẽo. Chiếc phà chở người về Thủ Thiêm vừa tách bến. Tôi đến ngồi trên chiếc ghế đá nhìn ra chiếc tàu đang bỏ neo. Tôi thấy trước mặt tôi một bóng đen, một người đàn bà đang tỳ hai tay trên sợi xích sắt, nhìn xuống mặt nước đen. Hình như tôi nghe cả tiếng khóc. Hai bờ vai bóng đen rung lên. Tôi vẫn ngồi yên, không nghĩ ra cách nào để can thiệp nếu người kia nhảy xuống nước. Tôi cúi xuống, ngó dưới chân mình. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi nhìn quanh quất. Bến tàu thưa người. Tay tôi bỗng chạm một túi vải, như là một túi đựng quần áo. Tôi rụt tay lại. Hình như phía trên còn có một mảnh giấy. Tôi cầm lên, nhưng ánh sáng mờ của ngọn đèn đường trên cao không soi rõ chữ. Tôi phân vân không biết nên để lại trên túi vải kia hay mang đến chỗ sáng đọc xem trong đó viết gì. Sau cùng, tôi quyết định cầm đến chỗ đèn sáng. Tờ giấy viết:

Chồng tôi đã bỏ đi.

Con tôi đã chết.

Tôi không muốn sống.

Xin cho ba má tôi ở địa chỉ… đường Cống Quỳnh, quận nhì, Saigon biết.

Con bất hiếu,

Trần Thị Lan

Tôi chạy trở lại chỗ ngồi. Bóng đen vẫn còn đứng tỳ tay trên sợi xích sắt.

Tôi bước tới.

“Chị Lan!” Tôi kêu tên người đàn bà nhưng thầm mong chị ta không phải là tác giả bức thư trên. Nhưng bóng đen đã quay phắt lại:

“Ông… là ai?”

“Có phải chị là chị Lan không? Chị đừng làm như vậy!”

“Mà ông là ai?” Người đàn bà hỏi lại.

“Tại sao chị phải làm như vậy?” Tôi biết mình hỏi một câu hỏi thừa.

“Trời ơi, sao tôi khổ thế này?”Người đàn bà vật vã khóc, hai tay vồ lấy túi vải ôm chặt vào lòng. Tôi đứng nhìn chị, nhưng chị không buồn nhìn tôi. Lưng người đàn bà tựa vào thành ghế, nghiêng về một phía như một thân cây bị bão thổi dạt theo chiều gió.

“Nhà tôi ở gần chỗ nhà chị. Chị có muốn tôi đưa chị về không?” Tôi nhận ra đường Cống Quỳnh này gần góc Nguyễn Cư Trinh, nghĩa là gần khu Mã Lạng với khu nhà tôi.

“Cám ơn! Ông đi đi. Tôi không có nhà có cửa gì hết.” Chị nói thều thào như một người hết hơi, kiệt sức.

Chắc chị không biết là tôi đã đọc lá thư trên túi vải của chị.

Tôi quay ra mặt đường, muốn tìm một chiếc xích lô đạp. Đường vắng. Một chiếc xích lô đang nằm dưới trụ đèn đường. Một vài chiếc xe đạp đang đi ngược trên đại lộ Tự Do, nay là đường Đồng Khởi. Tôi bước đến trụ điện. Người phu xích lô đang ngồi trong xe đọc báo. Ánh sáng chiếu rõ tờ tạp chí Lettres Soviétiques. Tôi dụi mắt. Lettres Soviétiques là một tạp chí văn học của Nga viết bằng tiếng Pháp. Tôi rụt rè:

“Ông…, xin lỗi, ông có nhìn thấy người đạp xích lô đi đâu không?”

“Ông đi đâu?”

“Tôi muốn tìm người đạp xích lô!”

“Là tôi đây!” Ông nói nhẹ nhàng.

“Xin lỗi…” Tôi ấp úng.

Người “phu xe” xếp cuốn tạp chí lại. Tôi thấy một khuôn mặt xanh mướt. Chiếc kính cận che một đôi mắt khá sắc sảo. Đó là một khuôn mặt quen, hình như tôi đã gặp đâu đó một đôi lần. Một khuôn mặt rất trí thức.

“Đi đâu?” Người “phu xe” leo lên yên, sau khi đã đặt cuốn sách dưới nệm ghế ngồi.

“Tôi muốn nhờ ông đưa dùm một người đến đường Cống Quỳnh, góc Nguyễn Cư Trinh.” Tôi trả lời, nhưng mắt vẫn không ngưng nhìn ông ta.

“Mời ông lên!” Người “phu xe” giục.

“Không phải tôi! Ông có thể đi vào phía trong một chút được không?”

Tôi đi trước, người đàn ông đạp xích lô theo sau. Tôi thấy ông ta rướn lên khi nhấn chân trên bàn đạp, dù xe không có ai ngồi. Đến chỗ ghế đá có người đàn bà, tôi nói:

“Ông làm ơn đưa dùm người này về địa chỉ… ở đường Cống Quỳnh…” Người “phu xe” nhìn người đàn bà nằm rũ trên túi vải.

“Tôi muốn gửi tiền trước. Từ đây tới đó bao nhiêu?”

Người “phu xe” bước xuống, không trả lời câu hỏi của tôi.

“Chuyện gì vậy?”

“Tôi không biết. Tôi nghĩ rằng người đàn bà này đang đau khổ cùng cực. Tôi sợ bà ấy đi tìm cái chết.”

Tôi đến bên ghế, đặt tay lên vai người đàn bà. Tôi có cảm tưởng như tôi đang sờ một xác chết.

“Ông là gì của bà này?” Người “phu xe” hỏi.

“Không, tôi không là gì của bà ta hết. Ông giúp giùm tôi được không?” Tôi đưa lá thư tuyệt mệnh cho người “phu xe”.

Ông cầm đến chỗ có ánh đèn đường chăm chú đọc, xong lặng lẽ xếp bỏ vào túi.

“Tôi biết chỗ này. Thôi để tôi đưa bà ta về cho. Đừng nói chuyện tiền bạc.”

Ông ta đứng sau ghì yên cho xe khỏi chỏng gọng khi tôi đỡ người đàn bà lên chỗ ngồi. Không còn cách nào khác, tôi cho máy xe nổ, chạy thật chậm sau chiếc xích lô. Đường phố vắng, rất nhiều bóng tối. Tiếng máy xe của tôi, vang vang trong sự im lặng chết chóc làm tôi sợ. Tôi ước phải chi mình đang đi một chiếc xe đạp. Sự lặng lẽ nhiều khi cũng cần thiết. Như chiếc Lambretta nặng nề của tôi với tiếng nổ ầm ĩ của nó càng đi tốc độ chậm tiếng kêu càng to. Đôi lúc tôi phải chạy phóng về phía trước một quãng, dừng lại, chờ cho chiếc xích lô đi qua, rồi mới lại chạy tiếp. Tôi thấy mình không thể nào để người đàn bà kia ở giữa đường. Chẳng thà mình không nghe, không thấy, không biết, đằng này… đi ngang qua những “kiosques” bán hoa đường Nguyễn Huệ, tôi thấy cửa đóng then cài. Vòng trái đường Lê Lợi, còn một vài xe bán bánh mì đêm với ngọn đèn leo lét. Và chợ Bến Thành, bùng binh có tượng Quách Thị Trang, tôi thấy sao mà lạnh lẽo. Trạm ga xe lửa ở đường Lê Lai vẫn đầy những người ngủ trên thềm xi măng. Một vài túp lều dựng sơ xài vội vàng bên hông hãng xe Vespa. Băng qua một đường rầy xe lửa đường Võ Tánh. Rạp Khải Hoàn đang chiếu một cuốn phim có cái tên kỳ lạ: Sáu Người Từ Trên Trời Rơi Xuống. Bên kia là chợ Hòa Bình. Còn một chiếc xe mì xực tắc của người Tàu. Lòng chợ tối om. Quẹo trái là Cống Quỳnh. Tôi chạy trước dò đường. Số chẵn bên trái. Tôi đếm từng số nhà.

“Đây rồi!” Tôi dựng xe trước một căn nhà có cửa sắt, chờ chiếc xích lô.

“Có phải nhà này của chị không?” Tôi bước tới nghiêng đầu hỏi, trong khi người đạp xích lô rướn mình kéo cần thắng.

Người đàn bà mở mắt, ngồi thẳng dậy, ngó chăm vào mặt tôi, không buồn trả lời. Tôi không hiểu cái nhìn đó có ý nghĩa gì. Chị bước xuống. Đến trước cửa sắt, chị luồn tay vào trong bấm cái nút chuông. Và không lâu, tôi nghe tiếng lách cách, cánh cửa trong mở ra, một cái đầu tóc bù xù bạc trắng ngó người đàn bà:

“Trời ơi! Trời ơi!...” Tiếng kêu nhỏ run rẩy, hai bàn tay của người già cũng run rẩy loay hoay với chiếc chìa khóa.

“Má ơi! Má ơi!...”

Sau cùng tôi nghe tiếng người đàn bà thảng thốt.

Tôi cảm thấy có một bàn tay ai đặt lên vai tôi. Tôi quay lại, người đạp xích lô nhìn thẳng vào mặt tôi:

“Tôi tên là Nam.”

“Tôi tên là Thăng.” Tôi trả lời như một phản xạ tự nhiên đến nổi tôi không hiểu tại sao mình đã nói nhanh như vậy.

Và chúng tôi chia tay.

Bụi & Rác – Chương Năm


* Blog của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG