Đường dẫn truy cập

Buổi ra mắt sách của nhà văn Phạm Trần Anh và nhà thơ Vũ Lang


Hai tác giả Phạm Trần Anh và Vũ Lang chụp hình lưu niệm với khách tham dự
Hai tác giả Phạm Trần Anh và Vũ Lang chụp hình lưu niệm với khách tham dự

Trong chuyên mục sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ mời quý vị theo dõi buổi ra mắt sách của nhà văn Phạm Trần Anh và nhà thơ Vũ Lang đến từ California do Hội Cựu Sinh viên Quốc gia Hành chánh miền Đông Hoa Kỳ phối hợp với Nguyệt san Hoài Hương tổ chức tại Mason District Governmental Center, Annandale, Virginia vào giữa tháng 10 vừa qua.

Nhà văn, nhà biên khảo Phạm Trần Anh là một cựu sinh viên khóa 14 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Saigon. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông thành lập Mặt Trận Tự Do Người Việt Diệt Cộng Cứu Quốc cùng với nhà thơ Tú Kếu và ký giả Trọng Tú. Ông bị bắt vào ngày 3 tháng 7 năm 1977 và bị xử án tù chung thân vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Ông được trả tự do vào ngày 3 tháng 8 năm 1997 nhờ sự can thiệp của Hội Ân xá Quốc tế, sau hơn 20 năm trải qua các nhà tù ở Việt Nam trong đó có 9 năm bị cùm chân tay trong xà lim biệt giam.

Sang Mỹ vào tháng 9 năm 2006, ông dành mọi nỗ lực vào việc viết sách, nhất là truy tìm nguồn gốc dân tộc Việt Nam với các tác phẩm như Cội nguồn Việt Tộc, Huyền Tích Việt, Quốc Tổ Hùng Vương, và mới nhất xuất bản vào năm 2011 là tập Việt Nam Thời Lập Quốc.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hiện là chủ tịch Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ, đồng thời là trưởng ban dịch thuật Việt Anh-Anh Việt của Viện Việt Học trong phần nói về tác phẩm Việt Nam Thời Lập Quốc của Phạm Trần Anh cho rằng ông bị rơi vào một mê hồn trận vì tính cách phức tạp của vấn đề. Sau khi trình bày những bước khổng lồ trong sử học Việt Nam 100 năm qua, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đặt nghi vấn về sự thành công của nhà biên khảo Phạm Trần Anh trong việc tìm một kết luận dứt khoát về nguồn gốc dân tộc Việt Nam:

“Theo tôi hiểu thì tham vọng của anh là đi từ sử Việt, tìm cách đúc kết hết cả những tri thức của nhân loại về tiền sử để đi đến một kết luận dứt khoát về nguồn gốc của dân tộc ta. Anh có thành công không? Tôi e rằng trong nỗ lực này có lẽ anh quá tham nên dù anh đã dẫn chứng rất nhiều tài liệu và những lời chứng của các sử gia hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 20 để ủng hộ cho quan điểm của anh, tôi sợ rằng anh vẫn chưa chứng minh được một cách thỏa đáng tại sao Bách Việt có lúc đã vùng vẫy gần như khắp cả Trung nguyên, ngày nay lại bị thu hẹp còn có độc nhất một dân tộc Việt, 90 triệu trên mãnh đất chữ S, đứng trước một tiền đồ thật mong manh, chênh vênh không đảm bảo!”

Nhà biên khảo Phạm Trần Anh ký tặng sách
Nhà biên khảo Phạm Trần Anh ký tặng sách
Tác giả Phạm Trần Anh trong phần trình bày sơ lược về tập "Việt Nam Thời Lập Quốc" đã cho biết phương pháp áp dụng để viết tác phẩm này:

“Vấn đề là phải lần mò trong rừng thư tịch, đối chiếu văn hóa khảo cổ, huyết học, chỉ số sọ, DNA rồi mới chứng minh được nguồn gốc của dân tộc mình.”

Căn cứ vào những tài liệu còn lưu truyền của các nhà nghiên cứu nổi tiếng về các lãnh vực lịch sử và khảo cổ, ông Phạm Trần Anh cho rằng:

“Lần biển tiến gần đây nhất cách đây 8.500 năm, người Hòa Bình tức là người Tiền Việt (Protoviets) phải di tản lên miền cao, đi xuôi lên Vân Nam, Quý Châu, Ba Thục, lên đến cao nguyên Malaya. Cách đây hơn 6.000 năm khi nước biển rút, ông cha ta lại đi từ đó xuống Trung Nguyên và xuống Bắc Việt Nam. Và một điều quan trọng nữa là lập quốc không phải ở Bắc Việt. Người Tiền Việt ở đó nhưng lịch sử lập quốc từ trên cao nguyên Malaya xuống Ba Thục thì lập quốc ở Ba Thục, khác với một số sử gia Mác-Xít là lập quốc ở vùng Việt Trì. Đến thời Hùng Vương thứ 16 mới dời đô đến Phong Châu và địa danh Phong Châu là triều Đường cai trị đặt tên vào năm 621. Làm gì có chuyện lập quốc ở Phong Châu vì lúc đó là biển mênh mông.”

Ông kết luận:

“Chúng ta có quyền tin tưởng mãnh liệt rằng cuối thiên niên kỷ thứ hai, sang đầu thiên niên kỷ thứ ba phục hồi được sự thật khách quan và trả lại những gì của lịch sử cho lịch sử và câu chuyện này sẽ còn rất nhiều người và tôi chỉ là người đầu tiên liều, dám đặt vấn đề và sẽ được chứng minh, mọi người khác sẽ chứng minh.”

Nhà thơ Vũ Lang (trái)
Nhà thơ Vũ Lang (trái)
Trong phần giới thiệu nhà thơ Vũ Lang, bà Minh Nguyệt, chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyệt San Hoài Hương cho biết nhà thơ Vũ Lang là cựu giáo sư trường Trung học Nguyễn Trãi ở Sài Gòn. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông vẫn tiếp tục dạy học, nhưng sau vài năm ông xin nghỉ để chờ giấy tờ đoàn tụ với gia đình theo chương trình ra đi có trật tự ODP. Tuy nhiên ông phải chờ 8 năm sau khi nộp đơn mới đến được Hoa Kỳ. Nhà thơ Vũ Lang định cư đầu tiên tại bang Virginia vào năm 1989. Vào năm 2001 ông sang California và thường xuyên cộng tác với báo hoặc đặc san như Văn Hữu, Khởi Hành, Hồn Việt, Saigon Times, Phát triển Kinh tế...

Ông đã xuất bản hai tập thơ, Thơ Hạnh Ngộ vào năm 1997 và Thơ Nhị Thập Bát Tự vào năm 2004.

Tại California, nhà thơ Vũ Lang tham gia sinh hoạt trong Hội Cựu Giáo chức Việt Nam Hải ngoại, Hội Văn Bút Quốc tế Việt Nam Hải ngoại. Hiện ông là chủ tịch Câu lạc bộ Thi văn Tao đàn Hải ngoại.

Trong phần tự giới thiệu tập thơ Nhị Thập Bát Tự, nhà thơ Vũ Lang cho biết:

“Nhị Thập Bát Tự là thể thơ 28 chữ nhưng trong đó có mười chữ giống nhau làm chủ đề. Lời thơ châm biếm, hài hước, bình dị, mô tả những đau xót, sung sướng của tâm hồn, những lục dục thất tình. Đặc biệt thể thơ này tôi làm từ A đến Y. Trong thể thơ này có hơn 200 bài.”

Trong tập thơ Nhị Thập Bát Tự, nhà thơ Vũ Lang còn làm thêm những thể thơ khác nữa như thơ Thủ Vĩ Đồng Từ, thơ Khoán Thủ, thơ Đường Luật, thơ 12 con Giáp, thơ Song Điệp, thơ Xướng Họa, thơ Yết Hậu, thơ Tứ Tuyệt. v...v...

Một người tham dự buổi ra mắt sách của nhà văn Phạm Trần Anh và nhà thơ Vũ Lang, sau khi tặng hoa cho hai tác giả đã nói lên cảm tưởng của cô:

“Người lính xông pha ngoài chiến trận dùng lòng can đảm để giữ quê nhà thì hai anh đã dùng ngòi bút của mình để nói lên lòng yêu nước nên em mong rằng mỗi gia đình của chúng ta nên có một cuốn sách của hai anh để thế hệ con cháu của chúng ta tiếp tục đọc và tìm hiểu lịch sử Việt Nam.”

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG