Đường dẫn truy cập

Bom 'gây sát thương tối đa' trong vụ tấn công Manchester


Một phụ nữ và một bé gái, khán giả của đại nhạc hội của ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande, nói chuyện với cảnh sát gần Manchester Area sau vụ đánh bom, ngày 23/5/2017
Một phụ nữ và một bé gái, khán giả của đại nhạc hội của ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande, nói chuyện với cảnh sát gần Manchester Area sau vụ đánh bom, ngày 23/5/2017

Cảnh sát nói kẻ đánh bom đại nhạc hội của ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande ở bắc thành phố Manchester của Anh tối thứ Hai 22/5 đã âm mưu gây sát thương tối đa nhắm vào đám đông khán giả trong đó có nhiều thanh thiếu niên lẫn trẻ em. Ít nhất 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương trong vụ tấn công.

Quả bom miểng kim loại nổ khi buổi trình diễn vừa tan, lúc khán giả bắt đầu rời Manchester Arena, một trong những khu biểu diễn trong nhà lớn nhất châu Âu.

Những người chứng kiến gần đó nói quanh chỗ bom nổ đầy miểng đinh ốc. Các nhân viên cấp cứu y tế tại hiện trường mô tả cảnh tượng thật hãi hùng khi họ chữa cho các nạn nhân với những vết thương bị miểng kim loại sắc cắt .

Các nhà phân tích nói hộp đêm, nhà hàng, quán bar, bãi biển nghỉ mát và tụ điểm ca nhạc luôn là những mục tiêu tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở phương Tây, hoặc là trực tiếp hoặc là bị nhóm Nhà nước Hồi giáo khuyến dụ.

Cách chuyên gia chống khủng bố nói rằng những mục tiêu đó một phần là do dễ tiếp cận. Chẳng hạn như các nhà ga, các đại nhạc hội và hộp đêm thì việc canh phòng an ninh không quá chặt chẽ mà lại có đông người, do đó càng có nhiều cơ hội tốt cho bọn khủng bố gây sát thương tối đa như trong vụ tấn công tối thứ Hai ở Manchester Arena, hay như trong vụ tấn công hồi tháng 11 năm 2015 tại nhà hát Bataclan chật kín người ở thủ đô Paris của Pháp, giết chết hơn một trăm người.

Các nhà phân tích nói những kẻ vạch chiến lược và những tên tuyên truyền Hồi giáo cực đoan thích gây kinh hoàng khi tấn công các đại nhạc hội. Những tên tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố rõ rằng bọn chúng đã “chọn chính xác” buổi trình diễn ca nhạc của nhóm the Eagles of Death Metal để làm mục tiêu cho ba kẻ đánh bom tự sát tấn công bởi vì đó là văn hóa đồi trụy.

Nhà nước Hồi giáo tuyên bố sau vụ tấn công ở Paris rằng: “Các mục tiêu tấn công, trong đó có nhà hát Bataclan là một điển hình, nơi hàng trăm kẻ dị giáo tụ tập xem lối ca nhạc đĩ điếm và những thứ đồi bại.”

Ông Olivier Guitta, giám đốc công ty tư vấn rủi ro địa chính trị và an ninh GlobalStrat, nói: “Manchester Arena hôm tối thứ Hai là một ‘mục tiêu lý tưởng’ của những kẻ thánh chiến Hồi giáo. Ở đó vừa có ca nhạc, cái thứ mà các phần tử cực đoan căm ghét, vừa có một ca sĩ Mỹ, vừ có thanh thiếu niên và trẻ em.”

Ông Guitta lưu ý rằng trong khoảng một năm rưỡi qua, các tụ điểm ca nhạc và các hộp đêm đã bị các phần tử Hồi giáo cực đoan nhắm tấn công bốn lần – “Nhà hát Bataclan, hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida, rồi hộp đêm Reina ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và bây giờ là Manchester Arena.”

Có thể đã có thêm những vụ tấn công khác nếu các cơ quan an ninh phương Tây không kịp thời phá vỡ hoặc ngăn chặn. Hồi tháng 2 năm 2016, một nhóm những kẻ đi theo Nhà nước Hồi giáo bị bắt ở Pháp khi đang âm mưu tấn công các hộp đêm.

Chưa có kẻ hoặc phe nhóm nào đứng ra chính thức nhận đã thực hiện vụ tấn công ở Manchester, kể cả nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng những kẻ ủng hộ Nhà nước Hồi giáo đã nhanh chóng ăn mừng trên các mạng xã hội ngay sau vụ tấn công ở Manchester. Bọn chúng nói rằng đây là một chiến thắng trong cuộc chiến chống những kẻ “thập tự chinh” phương Tây.

Các hoạt động mừng vui của IS cũng xuất hiện trên Telegram, một ứng dụng nhắn tin trên mạng xã hội. Ông Michael Smith, một nhà phân tích chống khủng bố nhận định rằng đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy vụ tấn công này có dính líu đến Nhà nước Hồi giáo. IS thường tuyên bố đã thực hiện các vụ tấn công trên các kênh truyền thông không chính thức, thường là không ngay tức khắc, mà khoảng trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Các nhà hát là những mục tiêu trong danh sách dài được Nhà nước Hồi giáo khuyến khích trong tạp chí Rumiyah phát hành hồi gần đây.

Đây là vụ tấn công khủng bố khủng khiếp nhất tại Anh trong hơn một thập niên. Ngày 7/7/2015, bốn kẻ đánh bom tự sát đã giết chết 52 người khi bọn chúng tấn công hệ thống giao thông công cộng ở London. Sau vụ tấn công đó, chính phủ Anh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc mua bán các chất liệu có thể dùng để tự chế chất nổ.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd lưu ý rằng hành động dã man của vụ đánh bom “cố tình nhắm vào một trong những chỗ dễ tấn công nhất trong xã hội của chúng ta, đó là một đại nhạc hội có nhiều thanh thiếu niên và trẻ em tụ tập.” Bà nói tiếp rằng “Tôi xin chia buồn và hiệp lời cầu nguyện cùng các gia đình nạn nhân.”

Oliver Jones, 17 tuổi, đi xem trình diễn ca nhạc với chị gái 19 tuổi của em, nói với nhật báo Guardian: “Tiếng nổ làm rung chuyển hội trường và mọi người chạy tán loạn.”

Erin McDougle, 20 tuổi, người Newcastle, nói: “Có một tiếng nổ lớn khi đại nhạc hội tan. Đèn trong hội trường đã bật sáng, do đó chúng tôi biết đó không phải là âm thanh của buổi trình diễn. Ban đầu chúng tôi nghĩ đó là tiếng bom. Khói bốc lên mù mịt. Mọi người bắt bắt đầu chạy tán loạn. Khi chúng tôi ra được bên ngoài thì thấy nhiều xe cảnh sát và xe cứu thương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG