Đường dẫn truy cập

Bộ Thương mại Mỹ đề xuất áp thuế nặng lên thép, nhôm từ Việt Nam


Công nhân kiểm tra chất lượng thép tại nhà máy thép Hòa Phát ở tỉnh Hải Dương, ngày 14 tháng 6, 2016.
Công nhân kiểm tra chất lượng thép tại nhà máy thép Hòa Phát ở tỉnh Hải Dương, ngày 14 tháng 6, 2016.

Việt Nam nằm trong số các nước mà Bộ Thương mại Mỹ đề xuất áp mức thuế quan nặng lên các sản phẩm thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ, theo các báo cáo công bố hôm thứ Sáu của bộ.

Biện pháp này là một trong ba biện pháp khắc phục mà Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross nêu ra trong khuyến nghị trình lên Tổng thống Donald Trump để đối phó với tình trạng dư thừa thép và nhôm nhập khẩu, sau khi Bộ Thương mại tiến hành các cuộc điều tra về tác động của việc nhập khẩu thép và nhôm đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump chỉ định tiến hành các cuộc điều tra này theo một luật thương mại năm 1962 vốn chưa được dẫn ra làm căn cứ pháp lý kể từ năm 2001. Ông Trump có hạn chót là ngày 11 tháng 4 để loan báo quyết định của mình về các hạn chế đối với thép nhập khẩu và ngày 20 tháng 4 để quyết định về các hạn chế đối với nhôm.

Bộ Thương mại khuyến nghị mức thuế quan ít nhất là 53 phần trăm áp lên tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam và 11 nước khác, bao gồm Ai Cập, Ấn Độ, Brazil, Costa Rica, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Nga, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Việt Nam cũng bị đề nghị mức thuế quan 23,6 phần trăm đối với tất cả các sản phẩm nhôm, cùng chung nhóm với Hong Kong, Nga, Trung Quốc và Venezuela.

Một lựa chọn khác được đề nghị là mức thuế quan toàn cầu ít nhất là 24 phần trăm cho thép nhập khẩu, và 7,7 phần trăm cho nhôm nhập khẩu, từ tất cả các nước.

Lựa chọn thứ ba kêu gọi ông Trump áp đặt hạn ngạch toàn cầu dựa trên 63 phần trăm thép xuất khẩu, và 87 phần trăm nhôm xuất khẩu, của mỗi nước đưa tới Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ công bố khuyến nghị sau khi họ tiến hành điều tra về tác động của các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu đối với an ninh quốc gia.
Bộ Thương mại Mỹ công bố khuyến nghị sau khi họ tiến hành điều tra về tác động của các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu đối với an ninh quốc gia.

Việt Nam đứng thứ 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, theo thống kê mà Bộ Thương mại Mỹ dẫn ra trong báo cáo. Việt Nam đứng thứ ba sau Canada và Mexico về sản lượng nhôm thuộc hạng mục thanh, que và hình xuất khẩu sang Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ tháng 12 năm ngoái đã áp thuế nhập khẩu mức cao lên các sản phẩm thép của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc sau khi kết luận các sản phẩm này đã lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.

Mặc dù sản phẩm này được xử lý ở Việt Nam để làm thành thép tôn mạ và thép cán nguội dùng trong xe hơi và thiết bị gia dụng, Bộ Thương mại đồng ý với nhận định của các nhà sản xuất Mỹ rằng tới 90 phần trăm giá trị sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bộ Công thương Việt Nam bác bỏ lập luận này, nói rằng dù thép cán nóng sản xuất tại Trung Quốc nhưng nó đã được Việt Nam xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ nên do đó được coi là một sự “chuyển đổi đáng kể” - một định nghĩa theo quy tắc xuất xứ của WTO mà Việt Nam nói mình đã thỏa mãn.

Trước khi đề xuất mới nhất của Bộ thương mại Mỹ được công bố, Hiệp hội Thép Việt Nam hồi tháng 1 nói rằng họ sẽ kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét khởi kiện Mỹ ra WTO nếu Mỹ không thay đổi quan điểm trong kết luận cuối cùng, theo trang tin VietnamFinance.

VOA Express

XS
SM
MD
LG