Đường dẫn truy cập

Bộ Quốc phòng VN dự triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, gặp quan chức không quân Mỹ


Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, dẫn đầu một đoàn đến dự Triển lãm Hàng không Singapore 2024. Photo mod.gov.vn
Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, dẫn đầu một đoàn đến dự Triển lãm Hàng không Singapore 2024. Photo mod.gov.vn

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, dẫn đầu một đoàn đến dự Triển lãm Hàng không Singapore 2024 giữa lúc Hà Nội đang đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí phòng không vốn từ lâu phụ thuộc nhiều vào Nga.

Triển lãm Hàng không Singapore (Singapore Airshow) lần thứ 9 diễn ra từ ngày 20-25/2 do Bộ Quốc phòng Singapore tổ chức, với khoảng 1.000 công ty từ hơn 50 quốc gia tham gia, nổi bật nhất vẫn là những thương hiệu như Airbus của châu Âu, Boeing và Lockheed Martin của Mỹ, nhưng vắng bóng các hãng tên tuổi của Nga do đang bị trừng phạt, hãng tin Reuters và truyền thông Việt Nam cho biết hôm 22/2.

Phái đoàn của Bộ Quốc phòng Việt Nam thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm của một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới; theo dõi các cuộc trình diễn của không quân Singapore, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Australia và một số hãng hàng không dân dụng quốc tế, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm, phái đoàn Việt Nam cũng đã có buổi gặp gỡ với các đối tác để trao đổi về những vấn đề các bên cùng quan tâm và hợp tác song phương.

Họ đã gặp Trợ lý Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Andrew Hunter. Trong cuộc gặp, các đại diện của Hà Nội đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên cơ sở các văn kiện đã ký, “ưu tiên hợp tác trong huấn luyện, cứu hộ, quân y, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam”, theo Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Việt Nam vào đầu năm 2019 được cho là đã đặt mua máy bay trinh sát và huấn luyện quân sự T-6 của Mỹ để tăng cường khả năng phòng thủ. Hồi tháng 12/2022, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, chuẩn tướng không quân Mỹ Sarah Russ cho hay Mỹ dự định chuyển giao cho Việt Nam 12 máy bay T-6 trong giai đoạn 2024-2027, trong đó có 3 chiếc dự kiến được chuyển giao trong quý I năm 2024.

Cũng tại cuộc triển lãm đang diễn ra, trong buổi gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Czech Daniel Blazkovec, Tướng Sơn bày tỏ vui mừng trước những “kết quả hợp tác quốc phòng nổi bật” giữa hai nước thời gian qua và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực như trao đổi đoàn, đào tạo…, theo Cổng thông tin Chính phủ.

Một số hình ảnh do truyền thông Việt Nam đăng tải và cả trên các trang mạng xã hội cho thấy phái đoàn ông Sơn và ông Blazkovec đứng trước gian hàng của Aero Vodochody, hãng sản xuất chiếc máy bay huấn luyện L-39NG mà Việt Nam đặt mua 12 chiếc từ Cộng hòa Czech hồi năm 2021 và dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường chi tiêu quân sự cũng như củng cố sức mạnh cho lực lượng quốc phòng giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên Biển Đông và trong khu vực.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại triển lãm này, hãng hàng không Vietjet của Việt Nam và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký kết thoả thuận nguyên tắc đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900), Vietjet Air và Airbus loan tin hôm 22/2.

Nga vắng mặt

Hôm 22/2, hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia và nguồn tin trong ngành cho rằng việc Nga vắng mặt tại Triển lãm Hàng không Singapore 2024, trong khi các công ty của nước này đang vật lộn với các lệnh trừng phạt vì cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, được xem là cơ hội lớn cho các đối thủ bước vào thị trường châu Á.

Những gã khổng lồ quốc phòng như UAC và Russian Helicopters của Nga trước đây từng hiện diện áp đảo tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, nơi các công ty trưng bày một loạt hệ thống, từ cảm biến và vũ khí nhỏ đến máy bay vận tải cỡ lớn, tên lửa và vệ tinh. Tuy nhiên, năm nay không có công ty Nga nào có tên trong số những doanh nghiệp tham dự - điều mà các đối thủ cạnh tranh cho là dấu hiệu cánh cửa đã mở cho họ ở châu Á, vẫn theo Reuters.

Trước đó, Reuters dẫn lời các nhà quan sát nói rằng cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine được cho là đã đẩy nhanh quyết tâm của Việt Nam nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga, với việc Hà Nội tuyên bố muốn đa dạng các nguồn cung cấp thiết bị quốc phòng.

Từ trước đến nay, Nga vẫn là quốc gia cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam, chiếm từ 70%-80% nguồn cung cho Hà Nội, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Cơ quan này cho hay từ năm 1995 đến năm 2022, tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam đạt 9,1 tỷ USD, trong đó từ Nga chiếm 7,4 tỷ USD (khoảng 81,5%).

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG