Đường dẫn truy cập

Bỏ phiếu trắng ‘bảo vệ nhân quyền’: Chính danh bảo kê xã hội đen


Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng 9, 2015.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 24 tháng 9, 2015.

Chính thể xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa làm nên một công tích trở mặt nhân quyền: bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những người bảo vệ nhân quyền vào ngày 25/11/2015.

‘Hi fi’

Bỏ phiếu trắng - biểu cảm “hi fi” ấy của nhà nước “luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người” - lại xảy đến đồng thời với việc Quốc hội nước này dễ dãi thông qua một đạo luật về chuyển đổi giới tính, gần như thừa nhận chế độ kết hôn cho giới đồng tính trong một quốc gia sinh ra từ lúa nước.

Nếu có thể sơ kết về kết quả thực hiện hơn 200 khuyến nghị của các quốc gia trong Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam tại kỳ họp Kiểm điểm định kỳ phổ quát vào đầu năm 2014, chắc hẳn “tự do cho người đồng tính” là liệu pháp vô thưởng vô phạt lẫn vô hại nhất mà Bộ Chính trị Hà Nội có thể phẩy tay chấp nhận.

Nhưng còn xa mới “tự do cho người bất đồng”. Những hoạt động nhân quyền theo đúng nghĩa của dân chúng vẫn bị chính quyền thẳng tay đàn áp và đánh đập.

Vụ bỏ phiếu trắng “bảo vệ nhân quyền” của nhà nước Việt Nam diễn ra ngay sau hàng loạt vụ đàn áp, đánh đập dã man những người biểu tình phản đối Tập Cận Bình ở Sài Gòn, hai luật sư nhân quyền bị “côn đồ” tấn công hành hung ở Hà Nội và hai nhà hoạt động công đoàn độc lập bị công an Đồng Nai bắt giữ trái phép và đánh đập tàn bạo, kể cả một gia đình nông dân ở Long An đã bị biến thành tù nhân lương tâm bất đắc dĩ vì dám chống lại đoàn cưỡng chế đất đai của địa phương…Tất cả đều xảy ra trong tháng 11/2015.

Đều trở nên những tuyên ngôn mới và sáng láng nhất về việc Nhà nước Việt Nam đã lộn ngược từ trên xuống khi kỷ niệm tròn hai năm ngày được xếp một cái ghế tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc - từ tháng 11/2013.

Nhưng tâm thế nào đã khiến chính thể Việt Nam chỉ dám ngồi nửa mông trên cái ghế được tuyên giáo cho là “hết sức vinh dự” trong Hội đồng nhân quyền?

Đánh đu

Ngày 25/11/2015, bản dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mạnh mẽ lên án bạo lực và đe dọa chống lại người bảo vệ nhân quyền. Đại Hội đồng “mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia kiềm chế các hành vi đe dọa hay trả đũa chống lại những người bảo vệ nhân quyền”. Văn bản này cũng “nhấn mạnh vai trò của mọi tập đoàn doanh nghiệp tôn trọng quyền của những nhà bảo vệ nhân quyền”.

Trong phiên họp về bản dự thảo nghị quyết trên, có 117 quốc gia bỏ phiếu thuận, 14 nước bỏ phiếu chống và 40 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam - theo thông báo của Liên Hiệp Quốc.

14 quốc gia bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết gồm Burundi, Kenya, Nga, Syria, Myanmar, Nigeria, Ả Rập Saudi, Zimbawe, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam Phi, Iran, Pakistan, Sudan. Hầu hết những quốc gia này đều có “thành tích” vi phạm nhân quyền trầm trọng. Còn những quốc gia “xã hội chủ nghĩa” còn lại trên thế giới là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, cũng rất gần gũi chính thể Việt Nam về thân tộc cộng sản, lại đã có cả một chiều dài lịch sử để làm nên trang sử đày đọa nhân dân xuống tận cùng bùn đen.

Tình bạn thủy chung bất diệt của Việt Nam càng được chứng minh bằng quyết tâm trục xuất bất cứ một người Tân Cương hoặc Bắc Triều Tiên nào lọt qua cửa khẩu Móng Cái. Dĩ nhiên thế giới thừa hiểu số phận của những kẻ bị trả về cố quốc sẽ có kết quả ra sao.

Tuy nhiên, điều có thể được xem là “thành tích” hay “tiến bộ” của Nhà nước Việt Nam là vào năm nay, họ đã không dám bỏ phiếu chống nghị quyết nhân quyền như hành vi đã từng xảy ra trong quá khứ tại Liên Hiệp Qquốc.

Cũng không còn là khoảng thời gian cách đây 8 năm khi Việt Nam có tất cả - từ tư cách thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới đến những chuyến thăm Washington của các nguyên thủ giáo điều chuyên đi răn dạy người khác - mà không mất gì. Đây là thời khắc phải trả giá.

Thậm chí trả giá đắt.

Nếu chính quyền chiến thắng tự cho phép mình quay lưng hưởng thụ sau “bốn mươi năm thống nhất đất nước” mà vẫn để cho trẻ em và người nghèo phải đu dây qua những con sông cuồn cuộn lũ, chính quyền đó cũng quá thật xứng đáng để phải bị nhìn xuống ở tư thế “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”.

Chẳng còn gì gọi là giá trị trong một quốc gia cạn kiệt tài nguyên và niềm tin chính thể ở Việt Nam. May ra chỉ còn vay mượn “an toàn hàng hải Biển Đông” để hầu mong phục vụ cho “chiến lược đối ngoại”.

Vào buổi tối trời quay quắt bạc nhược ấy, chiến thuật “bỏ phiếu trắng” cho dự thảo bảo vệ nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc lại càng tô điểm thêm nhan sắc “không rõ giới tính” của Nhà nước Việt Nam trong “cuộc tình” với Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Không liên minh với nước khác để chống lại nước thứ ba” - một chiêu sách đối ngoại cầu an quá thể của giới lãnh đạo Việt Nam. Ai cũng biết đó là thái độ khẩn cầu Bắc Kinh hãy “nhẹ tay” - hậu quả từ Hội nghị Thành đô những năm 1990. Sự thể chỉ vỡ lở khi giàn khoan Hải Dương 981 vỗ mặt Bộ Chính trị Hà Nội vào giữa năm 2014 và mới đây nhất, người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình đã công nhiên vỗ đầu gần 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Song mất Tổ quốc không bằng mất lợi quyền. Còn hơn cả nông nổi, một số lãnh đạo Việt Nam vẫn ôm ấp hy vọng Trung Quốc sẽ “mở lòng” về các vị trí quyền lực lẫn lợi ích kinh tế cho họ và gia đình họ, cho dù nếu xảy ra chuyện Bắc Kinh “dạy cho Việt Nam một bài học” một lần nữa, sau cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979.

Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên cớ sâu xa mà tổng thống Mỹ không muốn đặt chân đến Hà Nội vào năm nay.

Nước Mỹ không thích sự khôn lỏi và lật lọng.

Ngoài ra, còn một nguyên do khác - tất nhiên là nhân quyền.

Chính thể xã hội đen

Không còn dám bắt bớ bừa bãi với số lượng lớn những người bất đồng chính kiến như thời gian từ năm 2012 trở về trước, nhưng vài năm qua chính quyền Việt Nam lại bật đèn xanh cho “quần chúng tự phát”, “côn đồ” và cả công an mặc sắc phục đánh đập dữ dội các nhà hoạt động nhân quyền, trắng trợn vi phạm Công ước chống tra tấn mà nhà nước này đã ký không chút cật vấn lương tâm.

Người bảo vệ nhân quyền thường phải đối mặt với hàng loạt sự xâm phạm và lạm dụng dưới bàn tay của nhà nước và các tổ chức phi nhà nước. Các quốc gia phải công nhận vai trò của người bảo vệ nhân quyền, những nguy cơ đặc thù họ phải đối mặt, và cam kết bảo vệ họ” - một đoạn trong bức thư thỉnh nguyện mà Tổ chức quốc tế chống tra tấn OMCT và Phong trào nhân quyền thế giới FIDH đã gửi đến Liên Hiệp Quốc trước khi phiên họp ngày 25/11/2015 diễn ra, yêu cầu công nhận vai trò của những nhà đầu tranh cho nhân quyền và việc bảo vệ họ.

Cũng chỉ mới giữa năm 2015, hai bộ quan yếu là Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đã cùng tổ chức một hội nghị quốc tế về thực hiện Công ước chống tra tấn. Bề mặt có vẻ ổn. Nhưng ngay sau đó, cú ra đòn trả đũa dưới cả mức hèn mạt của các cấp chính quyền nhằm vào giới bất đồng chính kiến và dân oan chính là lời giải cho “bỏ phiếu trắng” tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cũng là lời thuyết minh thích đáng nhất về thế nào là bản thể chính danh của một chính thể bảo kê cho xã hội đen.

* Blog của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG