Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Mỹ phác họa bức tranh u ám về tự do tôn giáo toàn cầu


Một phụ nữ thuộc bộ tộc Yazidi thiểu số, chạy trốn bạo lực ở thành phố Sinjar, Iraq, cầu nguyện tại đền thánh của họ ở Lalish, Shikhan, ngày 20/9/2014.
Một phụ nữ thuộc bộ tộc Yazidi thiểu số, chạy trốn bạo lực ở thành phố Sinjar, Iraq, cầu nguyện tại đền thánh của họ ở Lalish, Shikhan, ngày 20/9/2014.

Hoa Kỳ vẽ ra một bức tranh toàn cảnh u ám về tình hình tự do tôn giáo trên khắp thế giới, đặc biệt lên án các xã hội Hồi giáo áp dụng các luật trừng phạt khắc nghiệt đối với tội báng bổ tôn giáo và tội bỏ hay cải đạo.

Trong phúc trình thường niên về các quyền tự do tôn giáo toàn cầu, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư nói rằng: “Các luật ấy xung khắc và phương hại tới các quyền làm người được cả thế giới công nhận. Người dân sinh sống ở các nước nơi mà luật lệ và quy cách xã hội cổ vũ cho hình phạt tử hình đối với tội báng bổ tôn giáo, rất dễ trở thành mục tiêu bị nhắm tới … Điều này đặc biệt chính xác đối với những thành phần thấp cổ bé miệng, dễ bị tấn công trong các xã hội đó như phụ nữ, các nhóm thiểu số tôn giáo và người nghèo.”

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “những tố cáo sai sự thực, thường nhằm mục đích trả thù cá nhân hoặc trục lợi cho người tố cáo, không phải là điều hiếm xảy ra. Bạo lực dưới tay các đám đông hỗn loạn vì hậu quả của những lời tố cáo ấy xảy ra thường xuyên một cách đáng lo ngại.”

Vẫn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, “trên khắp thế giới, các chính quyền tiếp tục siết chặt các quy định gắt gao hạn chế các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các thiểu số tôn giáo và các tôn giáo bị coi là không truyền thống ở một quốc gia nhất định nào đó.”

Phúc trình này nêu đích danh nhiều nước, cáo buộc các chính quyền là nhắm tấn công người dân của họ về một loạt tội, kể cả viết bài tải lên mạng hoặc phát biểu công khai để gọi là “bôi nhọ” Nhà Tiên tri Mohammad, hoặc theo cách nào đó, “xúc phạm Kinh Koran thiêng liêng” của Hồi giáo.

Phúc trình này nói tại Pakistan, 40 người đang chờ bị hành quyết về tội báng bổ tôn giáo, rất nhiều người trong số này là thuộc các thiểu số tôn giáo.

Người dân Pakistan tụ tập để ủng hộ ông Mumtaz Qadri người bị kết án và tử hình vì tội báng bổ một cựu thủ hiến ở Lahore, Pakistan, 29/2/2016.
Người dân Pakistan tụ tập để ủng hộ ông Mumtaz Qadri người bị kết án và tử hình vì tội báng bổ một cựu thủ hiến ở Lahore, Pakistan, 29/2/2016.

Theo phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ, Sudan đã bắt giữ 27 tín đồ Hồi giáo hồi tháng 11 năm ngoái, tất cả những người này bị cáo buộc là “theo một hình thức Hồi giáo có chủ trương cho rằng Kinh Koran là thẩm quyền tôn giáo duy nhất”, và “bác bỏ tính thiêng liêng của những lời giáo huấn, thực hành và phương thức sống của nhà tiên tri Muhammad, đi ngược lại với quan điểm chính thức về Hồi giáo của chính phủ.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Mauritania đã bỏ tù ông Mohammad Cheikh Ould Mohammad, được biết nhiều hơn dưới tên "MKheytir", sau khi ông này bị cáo buộc đã chỉ trích nhà tiên tri Mohammad và “gián tiếp quy lỗi cho các chức sắc tôn giáo Mauritania về số phận của giai cấp thợ rèn ở nước này, vốn trong quá khứ là thành phần thường bị kỳ thị.”

Những người biểu tình ở trong nước kêu gọi hãy phạt tử hình một nhà hoạt động bênh vực nhân quyền đã lên tiếng bảo vệ ông MKheytir.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo trên thế giới còn cho hay là hồi năm ngoái, 2 tác nhân không phải là nhà nước, là nhóm Nhà Nước Hồi giáo và Nhóm Hồi giáo Boko Haram “tiếp tục đứng đầu trong danh sách những thành phần vi phạm quyền tự do tôn giáo khét tiếng nhất thế giới.”

Phúc trình nói rằng những kẻ gọi là “thánh chiến Hồi giáo” đã "phạm tội diệt chủng chống lại người Yezidis, người theo đạo Ky tô cũng như các tín đồ Hồi giáo Shia và nhiều nhóm dễ bị hãm hại trong các vùng lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của họ," theo lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Phúc trình còn nói rằng những kẻ thánh chiến Hồi giáo phải chịu trách nhiệm về “những hành động dã man, kể cả giết chóc, tra tấn, buôn người, bắt làm nô lệ, hãm hiếp và các hành động ngược đãi khác đối với các nhóm tôn giáo và thiểu số sắc tộc, và người Hồi giáo Sunni trong các khu vực do họ kiểm soát.”

Bộ Ngoại giao Mỹ nói nhóm Boko Haram tại Châu Phi “tiếp tục phát động các cuộc tấn công bạo động, bừa bãi nhắm vào cả các tín đồ Ky tô lẫn tín đồ Hồi giáo nào dám chỉ trích hoặc chống đối ý thức hệ bạo lực của chúng.”

Phúc trình lưu ý rằng Nhóm Boko Haram đã nhận trách nhiệm về hàng chục cuộc tấn công nhắm vào các nhà thờ và đền thờ, đồng thời thường xuyên giết hại các tín đồ đến dự thánh lễ hoặc lễ tôn giáo, hoặc ngay sau các buổi cầu nguyện như thế.

Phúc trình này còn lên án Iran, nơi mà theo phúc trình, chính quyền đã hành quyết 20 người “về tội gọi là có thái độ hoặc hành động chống đối hay thù nghịch đối với thượng đế”, trong số đó có một số người Kurd theo Hồi giáo Sunni.

Vẫn theo phúc trình thì một số tù nhân khác, trong đó có một số nhà thuyết giáo phái Sunni vẫn đang ở trong tù trong khi chờ quyết định của chính phủ liệu có xúc tiến án tử hình đối với họ hay không.

Một giáo dân đang dùng xi măng để dựng lại cây thánh giá bị nhân viên chính phủ Trung Quốc cưỡng ép tháo xuống tại nhà thờ Protestant ở làng Taitou, phía đông Trung Quốc, ngày 29/7/2015.
Một giáo dân đang dùng xi măng để dựng lại cây thánh giá bị nhân viên chính phủ Trung Quốc cưỡng ép tháo xuống tại nhà thờ Protestant ở làng Taitou, phía đông Trung Quốc, ngày 29/7/2015.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn chỉ trích Trung Quốc về tình hình tự do tôn giáo ở nước này, nói rằng Bắc Kinh đã hạ lệnh “phá huỷ nhiều nhà thờ Công giáo và Tin Lành, gỡ bỏ hơn 1.500 thập tự giá trong một chiến dịch tấn công nhắm vào điều mà họ miêu tả là “các cấu trúc bất hợp pháp”.

Quay sang Nga, phúc trình tự do tôn giáo của Mỹ nói Nga “tiếp tục áp dụng những chính sách ưu đãi đối với Nhà thờ Chính thống giáo Nga trong khi không áp dụng những sự ưu đãi đó với các nhóm thiểu số tôn giáo như “Nhân chứng Jehovah”, “phái Ngũ Tuần” - Pentecostals, và những người theo “Khoa Luận giáo” - Scientologists.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói tự do tôn giáo đang dần được cải thiện ở Việt Nam và ca ngợi Liên hiệp Âu châu đã bổ nhiệm 2 giới chức tới giám sát chủ nghĩa bài Do thái giáo và đấu tranh chống hận thù đối với các tín đồ Hồi giáo.

Và sau cùng, phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ ca ngợi các tín đồ Hồi giáo Kenya đã đứng lên bảo vệ những hành khách đạo Ky tô, khi các phần tử chủ chiến al-Shabaab tấn công vào chiếc xe buýt đang chở họ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG