Đường dẫn truy cập

Biển Đông: Bắc Kinh sẽ phóng 4 vệ tinh để giám sát ‘tàu địch’


Tư liệu: Tên lửa đẩy Trường Chinh 5 Y-4 mang theo tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 rời bệ phóng ở khu vực ven biển đảo Hải Nam, Trung Quốc, ngày 23-7-2020 - Ảnh: AFP.
Tư liệu: Tên lửa đẩy Trường Chinh 5 Y-4 mang theo tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 rời bệ phóng ở khu vực ven biển đảo Hải Nam, Trung Quốc, ngày 23-7-2020 - Ảnh: AFP.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tỉnh Hải Nam sẽ phóng 4 vệ tinh vào cuối năm nay nhằm mục đích “giám sát sự di chuyển của tàu địch” trên Biển Đông.

Báo China Daily của nhà nước Trung Quốc đưa tin, hệ thống Vệ tinh Viễn thám Hải Nam-1 sẽ là “mạng lưới trên không gian” đầu tiên của đảo Hải Nam. Hai vệ tinh nữa - Sanya 1 (Tam Á) và Sansha 1 (Tam Sa) - sẽ gia nhập hệ thống này trong vòng 2-3 năm tới.

Dự kiến vụ phóng sẽ được thực hiện từ đảo Hải Nam, trên Biển Đông. Hòn đảo này cũng là nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh quan sát các hoạt động và trực tiếp tiếp cận ra biển một cách không hạn chế.

“Bốn vệ tinh quan sát Trái đất Hải Nam 1 đã được lắp ráp và theo kế hoạch sẽ được phóng vào quỹ đạo trên chuyến bay thứ hai của tên lửa đẩy Trường Chinh 8 từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Văn Xương ở đông bắc Hải Nam”, tờ China Daily dẫn lời ông Yang Tianliang, nhà thiết kế chính của Hệ thống Chòm sao Vệ tinh Quan sát Trái đất Hải Nam, cho biết.

Vệ tinh Hải Nam 1-01 được trang bị camera góc rộng, độ nét cao, giúp xác định và giám sát các vật thể di động trên biển, đặc biệt là tàu. Vệ tinh sẽ được sử dụng để kiểm tra các cảng, đảo và tàu.

Hệ thống nhận dạng tự động của nó có thể nhận được các tín hiệu bao gồm dữ liệu về vị trí, hướng đi, tốc độ của một con tàu đang di chuyển, và cùng lúc theo dõi các điều kiện hàng hải.

Trong khi ông Yang khẳng định mục tiêu quan trọng của chương trình này là đảm bảo sự hợp tác nhằm mục đích dần dần hình thành ngành công nghiệp vũ trụ thương mại, ông nói rằng “một chòm sao gồm 10 vệ tinh sẽ có khả năng giám sát toàn bộ Biển Đông trong thời gian thực, giúp Trung Quốc bảo vệ chủ quyền tốt hơn, phát triển khu vực và đối phó với những tình huống bất ngờ ”.

Cùng lúc, Benar News hôm 9/4 đưa tin Trung Quốc đang nâng cấp hai tàu tiếp tế dân sự ở Biển Đông với thiết bị giám sát công nghệ cao nhằm mục đích theo dõi các tàu nước ngoài trong khu vực.

Theo nguồn tin này, hai tàu tiếp tế, Tam Sa 1 và Tam Sa 2, chủ yếu tiếp tế cho Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, đã được trang bị “hệ thống giám sát quang điện tử đường dài DLS-16T”.

Nhà phân tích Zachary Haver nói đây là hành động mới nhất của Trung Quốc, dùng các tàu dân sự để theo đuổi các lợi ích an ninh của họ trên Biển Đông, theo ‘chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự’ của Trung Quốc.

Và như vậy, Biển Đông lại dậy sóng với sự hiện diện của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc, sự có mặt của tàu chiến nhiều nước, đa số là đồng minh của Mỹ. Ngay cả Việt Nam cũng điều động tàu hộ vệ có tên lửa dẫn đường Quang Trung ra tập trận ở quần đảo Trường Sa trong bối cảnh có tới 200 tàu Trung Quốc neo đậu ở đá Ba Đầu thuộc Khu Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa, hòn đảo Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của mình.

Những bản tin quốc tế cập nhật liên tục tình hình Biển Đông hồi gần đây, đề cập tới thái độ và các hành động hung hăng, hiếu chiến hơn của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông, đặc biệt quanh đảo Đá Ba đầu, quần đảo Trường Sa, cộng thêm tình hình căng thẳng tại eo biển Đài Loan khi Trung Quốc hàng ngày xâm nhập vùng cấm bay của đảo quốc tự trị này, thì nguy cơ xảy ra xung đột do tính toán sai lầm là điều có khả năng xảy ra, với hậu quả khó lường.

VOA Express

XS
SM
MD
LG