Đường dẫn truy cập

Hai mươi năm: từ biến cố 11 tháng 9 đến chủ thuyết Biden


Ánh sáng Tòa Tháp Đôi tại New York, ngày 11 tháng Chín.
Ánh sáng Tòa Tháp Đôi tại New York, ngày 11 tháng Chín.

Tôi còn nhớ, cách đây 20 năm, vào một đêm khuya ngày 11 tháng 9 giờ AEST, một người bạn gọi tôi. Anh không nói gì nhiều, nhưng giọng có vẻ khẩn cấp và sửng sốt. Anh nói nếu tôi còn thức thì hãy mở Tivi ra xem. Có thể lúc đó đã quá 12 giờ đêm, đã qua ngày 12 tháng 9, múi giờ AEST rồi. Tôi nhớ lúc đó chỉ có vài đài truyền hình tại Úc. Bật lên đài nào thì cũng chỉ thấy chiếu toàn hình ảnh của hai tòa nhà của Trung tâm Thương mại Thế giới đang bốc cháy.

Chắc cũng như bao người khác, nhìn hình ảnh của biểu tượng sức mạnh Hoa Kỳ đang bị tấn công, mà lúc đó chưa biết là do nhóm khủng bố al-Qaeda thực hiện, có lẽ không ai tưởng tượng được chuyện đó xảy ra. Câu hỏi thoáng trong đầu rằng kẻ chủ mưu là ai, làm sao có thể làm được những chuyện khủng khiếp như vậy. Nếu họ có vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tay, từ sinh học, hóa học hay hạt nhân, thì họ có lưỡng lự sử dụng không?

Những tin tức, hình ảnh, phim ảnh, bình luận v.v… về biến cố 11 tháng 9 đã tràn ngập truyền thông ở mọi nơi trên thế giới kể từ ngày đó. Qua thời gian, nó dần dần phai đi. Đến những kỳ tưởng niệm 1 năm, 10 năm, rồi 20 năm, như trong một hai ngày tới, chúng ta lại được biết thêm một số chi tiết, dữ kiện.

Những ngày qua, tôi cũng dành chút thời gian xem lại các phim tài liệu về biến cố này. ‘Turning Point: 9/11 and the War on Terror’ trên Netflix thực hiện khá chi tiết và thu hút. Với tôi, điểm đáng chú ý là: một, khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa nhà phía bắc (north tower) vào lúc 8:45 sáng giờ New York, không ai, kể cả giới tình báo Hoa Kỳ, biết đó là cuộc tấn công khủng bố, cho đến khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa nhà phía nam (south tower), xảy ra 18 phút sau, 9:03 sáng. Một tiếng sau, chiếc thứ ba đâm vào trung tâm quyền lực của Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc, làm 125 nhân viên và dân sự của Bộ Quốc Phòng Mỹ bị giết, cộng với 64 người trên chiếc máy bay này. Chiếc thứ tư, không rõ nhắm vào Điện Capitol, Nhà Trắng, Camp David, hay một trong các lò điện nguyên tử của Hoa Kỳ, nhưng đã không thành công nhờ các hành khách người Mỹ can đảm chiến đấu và hy sinh để ngăn chặn mục tiêu của al-Qaeda. Về sau thì người dân mới biết được rằng giới tình báo Hoa Kỳ đã có thông tin cả tháng trước đó rằng al-Qaeda sắp tấn công Hoa Kỳ, có thể bằng không tặc, nhưng không biết chính xác ở đâu, khi nào v.v... Điểm đáng chú ý khác là chi tiết về chương trình theo dõi mọi hoạt động bị tình nghi có liên quan đến khủng bố, trong và ngoài Hoa Kỳ, có tên là Stellar Wind, gây lắm sóng gió và tranh cãi tại Hoa Kỳ. Qua đó cho thấy nước Mỹ thật vĩ đại, không phải vì sức mạnh cứng hay mềm của Mỹ, mà là trong mọi thời điểm, Mỹ luôn có những công dân dám can đảm nói thật với quyền lực, sẵn sàng chấp nhận hậu quả để bảo vệ công lý, luập pháp, để không một ai, kể tổng thống, có thể lạm dụng quyền lực hay vi phạm pháp luật. Nó cũng dẫn đến vụ án Edward Snowden làm mất uy tín Hoa Kỳ và gây nhức nhối cho Nhà Trắng, bất kể ai đang nắm quyền.

Biến cố 11 tháng 9 không chỉ thay đổi Hoa Kỳ, mà còn cả toàn thế giới. Bài này xin tóm gọn trong ba điểm. Thứ nhất là những thay đổi sâu rộng về an toàn công cộng và an ninh quốc gia. Thứ hai là cuộc chiến chống khủng bố đã đưa Hoa Kỳ đi quá sâu, nhưng cũng quá xa, so với mục tiêu chống khủng bố lúc ban đầu. Thứ ba là một chính sách quan hệ quốc tế thực tiễn, chủ thuyết Biden, đã trở lại Hoa Kỳ sau khi Taliban trở lại Afghanistan.

Thay đổi cách nhìn về an toàn và an ninh

Mỗi khi có xảy ra khủng bố, sự thay đổi an ninh quốc gia và an toàn công cộng luôn luôn sâu rộng. Nhưng biến cố 11 tháng 9 thì gần như toàn diện. Ngay cả trong Thế Chiến I, II hay Chiến tranh Lạnh, đối diện với các chế độ Đức Quốc Xã, hay Liên Xô, những lổ hổng của tình báo và an ninh Hoa Kỳ chưa được nhìn thấy hết cho đến khi vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra. Do đó mọi vấn đề liên quan đến an ninh và an toàn công cộng được lật ngược lên để rà xét lại. Kể từ đó, tất cả mọi khía cạnh về thị thực (visas), di chuyển (nhất là phi trường/không vận), xây dựng, an ninh cộng đồng, nhận diện danh tánh (identification) cho đến ngân hàng (banking), đều được xem xét và được cải tổ sâu rộng, bằng luật pháp. Ngoài ra, Hoa Kỳ muốn tất cả các quốc gia phải hợp tác trong cuộc chiến chống lại khủng bố: “Hoặc cùng với Hoa Kỳ, hoặc chống lại Hoa Kỳ” (You are either with us, or against us”, lập trường nổi tiếng của Tổng thống George W Bush (chính sách cứng rắn này đã làm đồng minh Hoa Kỳ khá e ngại, nhất là trong nội bộ chính trị quốc gia của họ). Hoa Kỳ muốn biết mọi nguồn gốc tài chánh để truy đến tận cùng ai là kẻ đang tài trợ, nhất là tài chánh, cho các nhóm khủng bố chống lại Hoa Kỳ. Cách đây vài năm, tôi còn nhớ các lần đi du lịch đến Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân v.v… thì mỗi khi đổi tiền Úc sang tiền nước sở tại, phần lớn các chỗ đổi tiền đều hỏi hộ chiếu của tôi. Tất nhiên cũng có vài nơi sẵn sàng “rửa tiền”, nhưng hiếm. Từ đó những cơ quan quan sát mọi giao dịch tài chánh, như Austrac của Úc, đã tăng cường trách nhiệm về việc theo dõi, kiểm soát, và trừng phạt, nếu có hành vi phạm tội, trong đó có khủng bố, được gọi chung là chương trình Chống Rửa tiền và Chống Tài trợ Khủng bố (Anti-Money Laundering and Counter-Terrorism Financing (AML/CTF)). Đây là kết quả của chiến lược chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố kể từ 11 tháng 9 năm 2001.

Tôi cũng còn nhớ thật rõ hình ảnh phi trường Los Angelos trong chuyến đi đến Mỹ đầu tháng 10 năm 2001, chỉ trong vòng một tháng của biến cố 11 tháng 9. Phi trường gần như vắng tanh. Bình thường trước đó phải xếp hàng chờ bao nhiêu người, thì lần này, chuyến bay của tôi thật vắng, và khi đáp xuống phi trường, cũng chỉ là chuyến bay duy nhất vào lúc đó. Sự chờ đợi và kiểm soát tại phi trường, kể cả các chuyến bay nội địa, cũng trở nên gắt gao hơn nhiều so với trước.

Chiếm, nhưng không thể ở mãi Afghanistan

Sau khi chọn tấn công chế độ Taliban tại Afghanistan vì đã nuôi dưỡng hỗ trợ cho al-Qaeda, TT George Bush, và tổng thống kế nhiệm Barack Obama, quyết định góp phần xây dựng nhà nước tại đây. Ngược giòng thời gian, trong thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Ronald Reagan chủ trương yểm trợ các phiến quân tại Afghanistan để bằng mọi giá chống lại cuộc xâm lăng của Liên Xô cuối năm 1979. Chưa đầy 10 năm sau, dưới sự yểm trợ tài chánh và vũ khí của Hoa Kỳ, Liên Xô quyết định rút quân vào đầu năm 1989 vì không nhìn thấy cơ hội thắng lợi nào tại đây. Hoa Kỳ cũng không hề có ý định ở đây vào lúc đó, nên không nghĩ đến việc yểm trợ và xây dựng một nhà nước vững mạnh và tự cường để quản lý quốc gia. Vì thế mà nạn phiến quân đã đưa đến nội chiến, rốt cuộc Taliban lên nắm quyền từ năm 1996 đến 2001. Rút kinh nghiệm, sau khi lật đổ chế độ Taliban cuối năm 2001, Hoa Kỳ và đồng minh phải nghĩ đến việc xây dựng một chính quyền thân với Tây phương, và đủ mạnh để có khả năng điều hành quốc gia, nhất là tàn dư của Taliban. Nhưng sau 20 năm, Taliban trở lại vào giữa tháng 8 vừa qua.

Bài học về Afghanistan thì rất nhiều chuyên gia và bình luận gia đã nói. Viết cả một quyển sách, hay chục cuốn, cũng chưa chắc nói lên hết mọi khía cạnh phức tạp của việc xây dựng nhà nước, nhất là đối phó với vấn nạn tham nhũng v.v... Vấn đề quan yếu là bài học cho ai, và tại sao, thì góc nhìn và câu trả lời sẽ khác nhau.

Đối diện với sự sụp đổ Taliban, theo James Dobbins, một chuyên gia về ngoại giao và an ninh tại RAND Corporation, cho rằng Afghanistan đã bị mất lâu rồi. Dobbins biện luận rằng, Hoa Kỳ sau khi chiếm Afghanistan cuối năm 2001 có ba chọn lựa: chiếm giữ Afghanistan lâu dài; tái chiếm khi cần; hay giúp xây dựng một chế độ vừa đủ khả năng để tự quản lý quốc gia. Dobbins cho rằng chính quyền Bush đã chọn phương hướng số 3, nhưng vì thiếu cam kết ngay từ ban đầu, trong đó thiếu những nỗ lực quan yếu để xây dựng ngay lập tức lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan, trong khi không đánh giá đúng mức các mối đe họa từ các lãnh chúa, cũng như sự phức tạp của địa chính trị tại đây khi Afghanistan bị bao vây bởi hầu hết các quốc gia hoặc thù ghét hoặc, nhẹ hơn, không ưa thích gì Hoa Kỳ.

Nhiều chuyên gia khác nhận định tham nhũng là một trong các yếu tố chính yếu đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan mà Hoa Kỳ đã nỗ lực xây dựng.

Quả là xây dựng một nhà nước mà không có văn hóa chính trị nền tảng thật là gian nan, thử thách, và mất nhiều thế hệ. Không có nền tảng như truyền thống đối thoại, thương lượng, thỏa thuận với nhau vì lợi ích chung, ngay cả khi có khác biệt hay xung đột, mà lại coi nhau như thù nghịch để rồi loại trừ nhau, tiêu diệt nhau, như các chế độ độc tài, cộng sản, hay quân chủ tuyệt đối thời xưa, thì không ai và không giải pháp nào giúp được một văn hóa chính trị tệ hại như thế được.

Tuy Taliban trở lại Afghanistan 20 năm sau, cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ đã bước sang một gian đoạn mới. Các tàn dư của al-Qaeda, IS hay các nhóm cực đoan Hồi giáo thánh chiến khác, tuy đang hiện hữu khắp nơi trên thế giới, nhưng đang lẩn trốn sự truy lùng gắt gao của Hoa Kỳ. Không có một quốc gia hay chính quyền nào dám công khai hay ngấm ngầm yểm trợ họ nữa, kể cả Taliban.

Chủ thuyết hiện thực Biden?

Hoa Kỳ từ nay về sau chắc luôn thực tiễn hơn nhiều từ bài học Afghanistan và Iraq. Sẽ không còn chiến tranh miên viễn (forever war) nữa. Quyết định rút quân Hoa Kỳ khỏi Afghanistan, do Tổng thống Biden công bố vào tháng Tư, là một quyết định đúng đắn. Sẽ không có một thời điểm nào là toàn hảo cả. Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ nhà nước và quốc gia là của người dân Afghanistan, không phải của Hoa Kỳ.

Trong bài “Ai đã làm mất Afghanistan” ngày 20 tháng 8, tôi có chia sẻ rằng “… biến cố Afghanistan tuần qua sẽ thay đổi sâu sắc lên chính sách ngoại giao và quân sự của Mỹ trong thời gian tới.”

Quả thật, ngày 31 tháng 8 vừa qua, Tổng thống Biden đã chính thức công bố kết thúc “kỷ nguyên của các hoạt động quân sự lớn nhằm tái lập các quốc gia khác”. Chủ thuyết Biden (Biden’s doctrine) ngày càng hình thành rõ nét hơn: nghiêng về hiện thực hơn.

Tờ New York Times, ngày 4 tháng 9, nhận định rằng, Biden đã đưa ra những gì ông tin rằng đó là cách tốt hơn để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn thế giới thông qua kênh ngoại giao, khả năng chống khủng bố sử dụng quân đội có mục tiêu hẳn hoi, và hành động mạnh mẽ khi cần thiết. Chẳng hạn, trừng phạt bọn khủng bố hay nhà nước nào tấn công Hoa Kỳ, bằng biện pháp quân sự khi cần, như ra lệnh tấn công vào phiến quân Shia được Iran hậu thuẫn tại Syria, hay nhóm IS chịu trách nhiệm vụ khủng bố tại phi trường Kabul. Tờ New York Times cũng biện luận rằng chủ thuyết Biden nhìn thấy Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mang tính sống còn của Mỹ, Nga như kẻ phá rối, Iran và Bắc Triều Tiên là kẻ sinh sôi nảy nở hạt nhân, các mối đe dọa an ninh mạng thì biến hóa không ngừng, và khủng bố thì lan rộng ra ngoài Afghanistan.

Phó giáo sư quan hệ quốc tế Joshua Shifrinson, và chuyên gia Stephen Wertheim, trong bài viết “Biden Người Hiện thực” (Biden the Realist), trên tạp chí Foreign Affairs ngày 9 tháng 9, nhận định rằng những gì chúng ta hiểu về Biden chưa hẳn đã đúng, hay đầy đủ. Shifrinson và Wertheim cho rằng Biden đã phủ định lập trường mà người ta từng hiểu về chủ nghĩa quốc tế cấp tiến (liberal internationalist), một trường phái quan hệ/chính trị quốc tế chính của Hoa Kỳ, ngoài hiện thực (realism/realist). Tổng thống Barack Obama phần lớn thực hiện chủ trương này. Trường phái liberal internationalism tin vào việc xây dựng nhà nước Afghanistan dân chủ để chuyển hóa chính trị vùng và phát huy các giá trị quốc tế, như nhân quyền. Biden cũng tin tưởng mạnh mẽ về dân chủ và nhân quyền, nhưng hành động của ông gần đây cho thấy ông nghiêng về trường phái hiện thực hơn. Shifrinson và Wertheim biện luận rằng trong suốt sự nghiệp của mình, Biden đã theo đuổi chủ nghĩa thực dụng về an ninh quốc gia trên chính sách đối ngoại chính thống. Qua kinh nghiệm thực tiễn, sự tính toán đã khiến Biden trở thành một người ngờ vực về các cuộc chiến thay đổi chế độ và những nỗ lực khác để thực hiện các giá trị của Hoa Kỳ bằng lực lượng quân sự.

20 năm sau cuộc khủng bố 11 tháng 9, Hoa Kỳ và thế giới, và cả các nhóm khủng bố Hồi giáo, đã thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Nhưng những ưu tiên của Hoa Kỳ không còn như trước đây, vì khủng bố không còn là mối đe dọa sống còn như xưa. Mối đe dọa lớn hơn, hệ thống hơn, hùng mạnh hơn, đến từ các chế độ độc tài cộng sản và chủ nghĩa xét lại. Rõ ràng sự giao tranh quyền lực giữa các cường quốc trên thế giới, như Hoa Kỳ và Trung Quốc, ngày một gia tăng v.v…

Trước các thử thách về an ninh quốc gia, mọi lãnh đạo đều nghiêng về chiến lược hiện thực đối với đối thủ của mình, nhưng vẫn tiếp tục chủ trương quốc tế cấp tiến với đồng minh, và nhân đạo với những nước nghèo không đe dọa đến mình. Tổng thống Biden cũng vậy.

Nhưng chủ thuyết hiện thực Biden có phải là giải pháp cho chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ trong thời gian tới, hay cho xu hướng dân chủ và nhân quyền một cách thực tiễn không, thì cần thời gian mới biết được. Tôi sẽ trở lại tìm hiểu đề tài này sâu hơn vào dịp khác.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG