Đường dẫn truy cập

Người dân kêu ca về nạn giao thông ùn tắc tại các đô thị Trung Quốc


Một cuộc nghiên cứu mới đây thấy rằng trung bình các cư dân Bắc Kinh mất đến 52 phút để đến cơ quan
Một cuộc nghiên cứu mới đây thấy rằng trung bình các cư dân Bắc Kinh mất đến 52 phút để đến cơ quan

Tại Trung Quốc, niềm đam mê mới đối với xe ô-tô đã khiến cho nhiều thành phố lâm vào tình trạng giao thông ùn tắc, và kéo dài thời gian đi lại từ nhà tới nơi làm việc. Một cuộc nghiên cứu mới đây thấy rằng các công nhân viên tại thủ đô Bắc Kinh là những người phải mất nhiều thời giờ nhất để lui tới nơi làm việc, so với người dân trên khắp nước.

Trung Quốc một thời được biết đến như là một “Vương quốc của Xe Đạp”.

Tuy nhiên những tiếng chuông và tiếng cọt kẹt của các bánh xe đạp đang phai mờ dần trong thế kỷ 21.

Trung Quốc - tên gọi của một nước tự coi mình ở trung tâm vũ trụ - trong thập niên qua, đã dành hết sự đam mê cho một sản phẩm mới: chiếc xe hơi.

Nhưng thay vì tạo điều kiện để đi lại được dễ dàng hơn, trên thực tế, xe hơi lại kéo dài thời gian lui tới nơi làm việc.

Một cuộc nghiên cứu mới đây thấy rằng trung bình các cư dân Bắc Kinh mất đến 52 phút để đến cơ quan.

Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc đã nghiên cứu 50 thành phố và phát hiện ra rằng một công nhân viên bây giờ trung bình phải bỏ ra thêm hơn 30 phút để đi làm.

Thời gian đi lại đó đang có khuynh hướng tăng thêm, trong bối cảnh nhiều người Trung Quốc hơn bị cám dỗ đến các thành phố để tìm kiếm những việc làm tốt hơn.

Phúc trình này cho thấy các nhà quy hoạch đô thị ở Trung Quốc đang chật vật phấn đấu để đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng, và số người sở hữu xe tăng mạnh đang làm cho việc quản lý giao thông hữu hiệu trở nên hầu như bất khả.

Xe hơi được coi như dấu hiệu chủ yếu cho thấy sự thành đạt trong vị thế xã hội của một người, và chính phủ Trung Quốc không có lòng dạ nào để ra lệnh cho người dân hãy ngừng lái xe.

Ông Yun Da Jun, quản trị viên của một công ty địa ốc, là một cư dân thành phố tiêu biểu.
Ông di chuyển bằng xe tới văn phòng làm việc ở trung tâm Bắc Kinh, mất 40 phút. Ông bị buộc phải thay đổi giờ làm việc để tránh những giờ cao điểm.

Ông thích lái xe hơn là dùng xe buýt và xe điện ngầm, vì theo lời ông, các phương tiện ấy thường đông nghẹt, dù các phương tiện di chuyển công cộng có thể cắt ngắn thời gian đi lại của ông.

Ông Yun nói ông tin rằng nếu các phương tiện giao thông công tốt đẹp, thì ít người hơn sử dụng xe hơi riêng. Ông cũng tin rằng trong tương lai, chính quyền nên đầu tư nhiều hơn vào giao thông công cộng, vì lý do môi sinh. Như thế, số người lái xe có thể giảm, và thay vào đó họ sẽ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Ông Yao Jie đã sinh sống ở Bắc Kinh suốt đời mình. Ông lái xe môtô đi làm, và thường mất khoảng 50 phút lách ra lách vào dòng xe cộ để đến nơi làm việc.

Ông nói cuộc hành trình này bây giờ nguy hiểm vì số lượng xe cộ và xe tải, cũng như số các tài xế lái xe tồi gia tăng.

Ông Yao nói trong suốt 30 năm lái xe máy đi làm tại Bắc Kinh, chưa bao giờ ông cảm thấy sợ hãi bằng bây giờ.

Ông quy lỗi cho khoảng 4 triệu tài xế xe hơi đang làm cho các đường phố trở nên mất an toàn.

Ông tin rằng chính quyền không thể xây dựng đường sá nhanh đủ bắt kịp với nhu cầu, vì thói quen di chuyển của người dân đang thay đổi nhanh chóng.

Tuy vậy, chính quyền thành phố đã chi ra hàng tỉ đôla vào lĩnh vực giao thông.

Nhiều đường sá và đường dây điện ngầm mới đang được xây cất, thêm vào hệ thống giao thông công đã được xây dựng cho Thế vận hội Olympic 2008.

Nhưng với khoảng 1.500 xe hơi mới được tung vào luồng giao thông mỗi ngày trong thành phố, đuổi kịp với vấn đề giao thông là một việc đầy khó khăn.

Giáo sư James Wang thuộc phân khoa Địa Lý của Đại học Hong Kong nói:

”Bắc Kinh lẽ ra nên khởi sự đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng sớm trong tiến trình phát triển. Nếu không đặt giao thông công vào hạng ưu tiên trong ít nhất một thập niên, thì ta sẽ thấy những gì đang chứng kiến tại Bắc Kinh ngày nay: có quá nhiều người sử dụng xe hơi.”

Giáo sư Wang đề nghị các công ty nên áp dụng giờ giấc làm việc linh động, hoặc dời trụ sở văn phòng về các khu ngoại ô.

Ông nói chính phủ nên dẫn đầu làm gương, và tìm cách tạo ra một thành phố đa trung tâm. Ông giải thích thêm:

”Nếu ta dời các công việc văn phòng đến các vùng ngoại ô hoặc các thành phố thứ yếu kế cận, thì luồng giao thông về trung tâm thành phố vào những giờ cao điểm sẽ giảm thiểu. Các tòa nhà chính phủ là một trường hợp tốt để thực hiện việc này. Nhưng một khi kiếm được một miếng đất giữa thành phố, thì họ không bao giờ muốn nhả nó ra. Nhưng nếu tất cả mọi công ăn việc làm đều tập trung tại khu vực thành phố, và tất cả mọi người đều phải lui tới nơi làm việc từ nhà tại các khu ngoại ô, thì tình trạng này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề.”

Hệ thống cấu trúc hạ tầng tồi tệ đang có tác động đến nền kinh tế. Những cuộc hành trình ngắn ngủi mà cách đây chỉ vài năm tốn có 20 phút, giờ đây có thể kéo dài đến một giờ đồng hồ hay hơn.

Xe buýt là một trong những nạn nhân của tình trạng giao thông ùn tắc, chậm chạp. Vận chuyển hàng hóa và thư từ cũng tốn thời giờ nhiều hơn xưa, và giờ làm việc tại các văn phòng bị gián đoạn.

Ông Cao Yaoliang là một tài xế taxi cư ngụ ở một thị trấn ngoại ô cách Bắc Kinh khoảng 1 giờ lái xe.

Ông nói giao thông tại các vùng ngoại ô rất ít xe, nhưng một khi tiến gần hơn đến trung tâm thành phố, thì cơn ác mộng hằng ngày lại bắt đầu.

Ông nói giao thông mỗi ngày một tệ hơn, và tình trạng này ảnh hưởng tới việc làm ăn của ông.

Mất nhiều thời gian đi lại khiến cho ông chở được ít khách hơn.

Bị kẹt trong các nút giao thông là điều mà các cư dân đô thị phải chịu đựng hàng ngày, nhưng ông Cao nói cần phải làm một điều gì đó để cải thiện tình trạng này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG