Đường dẫn truy cập

Bầu cử ở Campuchia


Ông Hang Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia đi bỏ phiếu trong tỉnh Konpong Cham, 28/7/13
Ông Hang Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia đi bỏ phiếu trong tỉnh Konpong Cham, 28/7/13
Chính phủ Campuchia đã tuyên bố thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử hôm Chủ nhật, cho thấy ông Hun Sen, thủ tướng đã nắm quyền từ lâu nay, sẽ kéo dài thêm thời gian cầm quyền từ 28 năm qua, mặc dù gặp thách thức mạnh mẽ từ khối đối lập trẻ.

Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết Đảng Nhân dân Campuchia đương quyền của ông Hun Sen chiếm được 68 ghế trong 123 ghế quốc hội – giảm nhiều so với con số 90 ghế đảng này nắm giữ trước đây.

Phát ngôn viên Khieu Kanharith cũng cho biết đảng đối lập chính là Đảng Cứu Quốc Campuchia chiếm được 55 ghế gần gấp đôi con số trong quốc hội sắp mãn nhiệm.

Hiện chưa có sự xác nhận nào từ Ủy ban Bầu cử Quốc gia. Ủy ban đã bắt đầu công bố kết quả kiểm phiếu từng quận trên đài truyền hình nhà nước vào tối Chủ nhật.

Một nhà quan sát độc lập nói với đài VOA rằng cuộc bỏ phiếu này ít công bằng nhất trong các cuộc bầu cử của Campuchia trong những năm gần đây.

Nói chuyện qua điện thoái từ thủ đô Phnom Penh, ông Koul Panha, Giám đốc Ủy ban Bầu cử Công bằng và Tự do cho Campuchia nêu lên nhiều vấn đề, trong đó có việc các cử tri hội đủ điều kiện bỏ phiếu không có trên danh sách, đảng cầm quyền chi phối phương tiện truyền thông, và dùng nguồn lực công để quảng bá cho đảng này, nhân viên an ninh tham gia trong các hoạt động ủng hộ chính phủ, và nhà lãnh đạo đảng đối lập chính bị cấm ra tranh cử.

Ông Koul Panha nói có khoảng 69% cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, thấp hơn cuộc bầu cử năm 2008 khoảng 6%. Ông nói lý do chính khiến tỷ lệ này thấp dường như do cử tri bị cấm bỏ phiếu vì tên của họ trên danh sách cử tri đã bị xóa.

Và dường như cô Sun Kosal nằm trong trường hợp này, cô là một trong những người dân trong thủ đô Phnom Penh tức giận vì bị đuổi ra khỏi phòng đầu phiếu tại chùa Moha Montrei.

Cô nói với đài VOA rằng tên cô và những người trong gia đình cô có trong danh sách cử tri lần bầu cử trước. Cô nói, “Giờ đây khi chúng tôi đi bỏ phiếu năm nay, tên của chúng tôi mất trên danh sách.”

Ông Koul Panha nói hàng trăm ngàn người cũng bị các vấn đề tương tự vào năm 2008, nhưng sẽ phải mất nhiều tuần lễ nhóm của ông mới xác định được mức độ của vấn đề lần này.

Trước cuộc bầu cử, ông Koul Panha cũng đã cảnh báo một khuyết điểm của loại mực được dùng để đánh dấu ngón tay của cử tri, là nó có thể rửa sạch trong vòng vài phút với một chất bán đầy trong các chợ địa phương. Ông nói điều này nêu lên nguy cơ của những người bỏ phiếu hơn một lần.

Ông Sam Rainsy, nhà lãnh đạo đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia, nói tại một cuộc họp báo rằng đảng của ông đang chờ các kết quả chính thức và thông tin từ các nguồn khác để đánh giá cuộc bầu cử. Ông kêu gọi những người ủng hộ ông giữ bình tĩnh.

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật phần lớn diễn ra êm thắm. Cảnh sát Campuchia chặn các con đường xung quanh nơi Thủ tướng Hun Sen ở, như một biện pháp đề phòng.

Trước đó, ông Sam Rainsy nói với đài VOA rằng còn quá sớm để biết phe đối lập sẽ làm gì nếu họ xác định rằng những thiếu sót của cuộc bầu cử là quá mức. Ông nói:

Chúng tôi sẽ phải đánh giá tầm mức của sự gian lận, và phiếu giả.”

Chính phủ đã cấm ông Sam Rainsy ra ứng cử hay bầu cử lần này mặc dù cho ông trở về nước sau thời gian tự ý sống lưu vọng. Các giới chức nói rằng ông Sam Rainsy đăng ký quá trễ.

Ông Sam Rainsy đã sống lưu vong 4 năm, để tránh một vụ xử mà ông bị kết án tù vì các tội danh hình sự mà ông nói rằng mang động lực chính trị. Ông Hun Sen nói rằng ông đã dàn xếp để Quốc vương Campuchia ân xá cho ông Sam Rainsy, một đối thủ chính trị lâu nay, nhằm thúc đẩy hòa giải dân tộc.

Nhà lãnh đạo đối lập đã vận động trước cuộc bầu cử và thu hút được đông đảo người ủng hộ, cho thấy việc ông về nước đã cổ súy cho đảng đối lập. Đảng của ông hình thành do sự sát nhập của các phe đối lập.

Ông Koul Panha hoan nghênh sự tham gia của giới trẻ gia tăng trong cuộc vận động tranh cử, nhất là qua các trang mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook.

Một nhà tư vấn về truyền thông và cũng là một blogger Campuchia nhận định rằng sự tham gia đó là một lợi điểm cho các đảng phái trông chờ sự dấn thân của thành phần cử tri trẻ tuổi hơn. Trước cuộc đầu phiếu ông Keo Kounila nói với đài VOA:

“Khi họ có Facebook mối quan hệ của họ với những người ủng hộ trở thành quan hệ tương tác. Những người ủng hộ đảng có cơ hội để phản hồi về các chính sách của đảng. Và tôi nghĩ bất cứ đảng nào cũng được lợi ích từ sự phản hồi như vậy.”

Ông Hun Sen vẫn là một nhân vật có tiếng tăm ở Campuchia, một trong những nước Đông Nam Á có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Ông đã vận động trên thành tích lãnh đạo phát triển hòa bình nhiều thập niên dài ở nước ông, sau mấy chục năm bất ổn, trong đó có thời gian Campuchia nằm dưới chế độ cai trị độc tài tàn bạo từ 1975 đến 1979 của Khmer Đỏ cộng sản.

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật là lần bầu cử thứ năm của Campuchia kể từ 1993, khi Liên hiệp quốc giúp nước này tiến hành cuộc bầu cử dân chủ đa đảng đầu tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG