Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh trở thành ứng cử viên sáng giá tranh đăng cai Olympic 2022


Bắc Kinh, thành phố đăng cai Olympic mùa hè 2008, đang mong muốn trở thành thành phố đầu tiên tên thế giới làm chủ nhà của cả hai Olympic mùa hè và mùa đông.
Bắc Kinh, thành phố đăng cai Olympic mùa hè 2008, đang mong muốn trở thành thành phố đầu tiên tên thế giới làm chủ nhà của cả hai Olympic mùa hè và mùa đông.

Ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua tranh quyền đăng cai thế vận hội mùa đông 2022 không có một truyền thống thể thao mùa đông lâu dài đáng kể. Vấn đề lo ngại kế tiếp là lượng tuyết ở đây quá ít. Vùng núi non gần thủ đô Bắc Kinh, nơi các nhà tổ chức dự định xây dựng cơ sở tranh tài cho Olympic, chỉ có được chưa tới ba mét tuyết mỗi mùa đông.

Nhưng trở ngại đang ngày càng lớn trong chuyện đăng cai Olympic mùa đông hiện nay là tiền. Trung Quốc thì lại có thừa tiền, cộng với sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ lẫn của công chúng. Do đó Bắc Kinh có vẻ như đang trở thành ứng cử viên mạnh nhất cho Olympic này trong lúc có ít thành phố nào khác muốn dự tranh.

Trước đây một năm, Bắc Kinh được xem khó có thể tranh được quyền đăng cai thế vận hội năm 2022, nhất là hai nước Á châu láng giềng khác đã làm chủ hai kỳ Olympic liên tiếp ngay trước đó – Olympic mùa đông 2018 sẽ diễn ra ở Pyeongchang, Nam Triều Tiên, và Olympic mùa hè 2020 sẽ diễn ra ở Tokyo của Nhật Bản.

Nhưng việc bị công chúng phản đối, và những lo ngại về phí tổn quá lớn đã khiến các thành phố có ý muốn tranh đăng cai ở Âu châu lần lượt rút lui. Cuối cùng chỉ còn lại hai ứng cử viên là Bắc Kinh của Trung Quốc và Almaty của Kazakhstan. Đại hội của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tại Kuala Lumpur vào tháng 7 năm tới sẽ quyết định trao quyền đăng cai cho thành phố nào.

Bắc Kinh, thành phố đăng cai Olympic mùa hè 2008, đang mong muốn trở thành thành phố đầu tiên tên thế giới làm chủ nhà của cả hai Olympic mùa hè và mùa đông.

Cuộc vận động đã bắt đầu. Thứ sáu tuần trước, ủy ban tranh đăng cai của Bắc Kinh ra mắt một trang Facebook và một trang Twitter, phổ biến hình ảnh các vận động viên Trung Quốc giành được chiến thắng ở các Olympic mùa đông trước, và phim hoạt hình chiếu cảnh đường xe lửa cao tốc nối các địa điểm trong thành phố Bắc Kinh với các trung tâm thi đấu thể thao mùa đông trên núi.

Công chúng tại các thành phố Âu châu phản đối kế hoạch tranh đăng cai Olympic mùa đông sau khi Olympic Sochi đội giá lên trên 51 tỉ đôla. Phí vận hành Olympic Sochi không khác nhiều với các Olympic trước, nhưng Nga phải xây dựng cơ sở hạ tầng từ đầu cho thế vận hội ở đó.

Ủy ban tranh đăng của Bắc Kinh nói trên trang web của họ: “Chúng tôi không gặp phải những khó khăn đó. Chúng tôi được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ, kinh tế của chúng tôi đang tăng mạnh, và hàng trăm triệu người dân ủng hộ kế hoạch này, cùng với tình hình xã hội và chính trị ổn định vững vàng. Đó chính xác là những gì mà một thành phố đăng cai Olympic mùa đông cần phải hội đủ.”

Olympic mùa đông còn nhất thiết phải có thật nhiều tuyết nữa. Đây là một thách thức lớn đối với khu vực núi non ở đông bắc thủ đô Bắc Kinh, nơi các cuộc thi môn trượt tuyết Alpine có thể được tranh tài, và ở khu vực núi non gần thành phố Trương Gia Khẩu, nơi được dự định để thi môn trượt tuyết Nordic.

“Mùa đông ở đây lạnh cực kỳ và khô cực kỳ,” ông Fabio Ries, đồng sáng lập người Ý của trung tâm giải trí trượt tuyết Núi Duolemeidi, mở ra gần thành phố Trương Gia Khẩu từ năm 2006. “Khi tuyết xuống, cả vùng trắng xóa, nhưng độ dày của tuyết phủ trên mặt đất thì rất ít.”

Ông Ries nói rằng tất cả các trung tâm trượt tuyết trong khu vực này đều phải dùng tuyết nhân tạo, do máy phun ra, nhưng đây cũng là một trở ngại nữa vì miền bắc của Trung Quốc bị thiếu nước, và các trung tâm trượt tuyết bị quy trách là hút đi quá nhiều nước. Một tổ chức phi chính phủ có tên là Thân thiện với Môi trường ước tính 17 trung tâm trượt tuyết ở đây tiêu thụ ít nhất một triệu tấn nước mỗi năm, tương đương với 8.300 hộ gia đình. “Bắc Kinh đã thiếu nước trong mấy năm qua, các trung tâm trượt tuyết đã hút đi quá nhiều nước từ nguồn nước ngầm,” tổ chức này nói. “Thật là một sự phí phạm.”

Một lo ngại nữa là không khí bị ô nhiễm nặng tại Bắc Kinh. Mặc dù chính phủ nước này đã thành công trong việc làm sạch lại bầu không khí trước Olympic 2008 bằng cách ra lệnh đóng cửa các nhà máy thổi khói bụi vào không khí, và hạn chế xe cộ, ô nhiễm vẫn trở thành vấn đề lo ngại lớn đối với các sự kiện thể thao ở đây trong mấy năm qua.

Trong cuộc đua xe đạp ở Bắc Kinh mới đây, một trong các chặng leo núi phải thu ngắn lại so với kế hoạch ban đầu do ảnh hưởng của không khí ô nhiễm. Trước trận đấu bóng đá giao hữu giữa Brazil và Argentina mới đây, các cầu thủ Brazil được lệnh phải ở trong khách sạn, trừ giờ tập luyện. Khói mù đã tệ hại đến mức một số vận động viên đánh gôn phải đeo khẩu trang khi thi đấu tại một giải LPGA.

Ủy ban tranh đăng cai của Bắc Kinh tìm cách hạ giảm những lo ngại này. Họ chỉ trích người nước ngoài thổi phồng vấn đề lên, nhất là nhiều người còn gọi thành phố của họ là “Bắc Kinh màu xám” đầy ý xấu.

Các vận động viên Trung Quốc tại kỳ thế vận hội mùa đông mới đây đã chứng tỏ có khả năng ở các môn trượt băng nghệ thuật, trượt băng cự ly ngắn, trượt băng nước rút và trượt tuyết tự do. Nhưng ở phần lớn các môn thể thao mùa đông còn lại, thì Trung Quốc còn kém rất xa. Tại Sochi, chỉ có hai vận động viên Trung Quốc đạt chuẩn vào thi môn trượt tuyết Alpine, và thành tích cao nhất là Xia Lina về đích kế cuối ở môn trượt tuyết đường chữ chi lớn.

Mặc dù sự có mặt trong các môn thi trượt tuyết Alpine hay khúc côn cầu của Trung Quốc tại các đại hội thể thao mùa đông còn hạn chế nhiều so với các nước, các môn thể thao mùa đông đang phát triển rất nhanh ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này. Theo số liệu của Hiệp hội Trượt tuyết Trung Quốc, năm 1996 có chưa tới 10.000 người chơi các môn trượt tuyết ở nước này; ước tính hiện nay con số này là hơn 5 triệu.

XS
SM
MD
LG