Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh đòi Myanmar thả những người TQ can tội đốn gỗ trái phép


Gỗ được chất đống tại xưởng ở Ruili, gần biên giới Myanmar - Trung Quốc. Đây là khu vực nổi tiếng với các hoạt động buôn lậu.
Gỗ được chất đống tại xưởng ở Ruili, gần biên giới Myanmar - Trung Quốc. Đây là khu vực nổi tiếng với các hoạt động buôn lậu.

Trung Quốc hôm nay chỉ trích Myanmar về việc tuyên những án tù rất nặng cho hơn 150 công dân Trung Quốc can tội khai thác gỗ bất hợp pháp. Từ Văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật do sau đây.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay phổ biến một thông cáo yêu cầu Myanmar đối xử một cách “hợp pháp, hợp tình, hợp lý” với những người Trung Quốc bị giam và hối thúc Myanmar trả những người này về Trung Quốc “càng sớm càng tốt”.

Tổng cộng 156 người Trung Quốc bị bắt hồi tháng Giêng vì những hoạt động phạm pháp tại những cánh rừng ở tiểu bang Kachin, nằm dọc theo biên giới Myanmar - Trung Quốc.

Hôm thứ Tư, 153 người trong số này đã bị tuyên án tù chung thân. Các nhà quan sát ở Myanmar cho biết các tù nhân thường phải ngồi tù 20 năm cho những bản án như vậy.

Thẩm phán Myint Swe đã lên tiếng biện minh cho những án tù nghiêm khắc một cách bất thường trong vụ trấn áp được xem là kịch liệt nhất đối với những vụ đốn gỗ và mua bán gỗ trái phép ở Myanmar.

Vị thẩm phán này nói rằng các án tù được quyết định như vậy bởi vì mức độ của sự phá hoại có thể có đối với môi trường và sự thiệt hại của rừng xét theo số người liên can và số máy móc được sử dụng.

Khi xảy ra những vụ bắt giữ, giới hữu trách nói rằng họ đã tịch thu 436 chiếc xe tải chở gỗ, 14 chiếc pickup trên đó có chất gỗ, thuốc lắc, thuốc phiện và tiền Trung Quốc.

Các nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường lâu nay vẫn không ngớt tố cáo chính quyền Myanmar và chính quyền Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ trước những đường dây mua bán lậu các loại đá quý, ma túy và những tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt dọc theo đường biên giới chung.

Ông Julian Newman, giám đốc chiến dịch của Cơ quan Tình báo Môi trường, một tổ chức bất vụ lợi ở Anh, nhận định như sau về những bản án mà Myanmar tuyên cho những người Trung Quốc.

"Lẽ dĩ nhiên là chúng tôi hoan nghênh việc chấp hành pháp luật. Và chúng tôi nghĩ rằng những bản án này là quá nặng và trên thực tế thì hầu hết những người bị bắt là những người có thể nói là chỉ có một vai trò thứ yếu".

Ông Newman nói rằng những thỏa thuận với các thương gia Trung Quốc về việc khai thác gỗ trái phép đã được thương lượng ở cấp rất cao của các nhóm sắc tộc thiểu số hoặc của quân đội Myanmar.

"Do đó, nếu chúng ta không bắt đầu lần theo đường dây để trừng trị những kẻ chủ mưu của những hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp, thay vì những người ở cấp thấp nhất của đường dây, thì vấn đề sẽ tiếp tục tồn tại, bởi vì thông thường thì những người đốn gỗ và những người lái xe là những người không thể thiếu".

Ông Maung Zarni, một nhà tranh đấu dân chủ Myanmar đang sống lưu vong, nói rằng những bản án khắc nghiệt này có phần chắc là để trả đũa cho việc Trung Quốc mới đây đã “trải thảm đỏ” để đón tiếp bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập Myanmar, khi bà tới thăm Bắc Kinh.

"Chính quyền quân nhân Myanmar trước đây chưa hề nhích một ngón tay để chống lại các thương gia Trung Quốc, bất kể là hợp pháp hay không hợp pháp. Cho nên việc này trên cơ bản là một hành động “ăn miếng trả miếng” mà các nhân vật lãnh đạo quân đội Myanmar vẫn thường làm từ trước tới nay".

Ông Maung Zarni tiên đoán là Myanmar rốt cuộc sẽ khuất phục trước áp lực của Trung Quốc và những người bị giam sẽ được phóng thích sớm và được trả về Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG