Đường dẫn truy cập

Bất bình với Mỹ, Đức-Pháp rời các cuộc thảo luận về cải tổ WHO


Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạị Geneva, Thụy Sĩ, ngày 25/6/2020.
Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạị Geneva, Thụy Sĩ, ngày 25/6/2020.

Đức và Pháp rút lui khỏi các cuộc thảo luận bàn về cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì bất bình với những nỗ lực của Mỹ muốn dẫn đầu các cuộc thương thuyết dù là Mỹ đã quyết định rời WHO, ba giới chức nói với Reuters.

Động thái này bất lợi cho Tổng thống Donald Trump vào lúc Washington, hiện là chủ tịch luân phiên của khối G7, hy vọng công bố một lộ trình chung cải cách sâu rộng WHO vào tháng 9, hai tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Hoa Kỳ vào tháng 7 báo trước cho WHO một năm để rời khỏi cơ quan Liên hiệp quốc-vốn được thành lập để cải thiện y tế toàn cầu- sau khi ông Trump cáo buộc WHO quá thân với Trung Quốc và xử lý sai lầm đại dịch virus corona.

WHO bác bỏ những cáo buộc này. Các chính phủ Châu Âu cũng chỉ trích WHO nhưng không đi xa như Mỹ. Quyết định của Paris và Berlin rời bàn thương thuyết diễn ra sau những căng thẳng về việc mà các nước này cho rằng nỗ lực của Washington muốn ‘thống lĩnh’ các cuộc đàm phán.

“Không ai muốn bị lôi kéo vào một tiến trình cải tổ để có một phác họa cải tổ từ một nước mà chính bản thân đã rời bỏ WHO,” một giới chức cao cấp Châu Âu có liên hệ đến những cuộc thảo luận nói.

Bộ Y tế Đức và Pháp xác nhận với Reuters là hai nước chống lại việc Mỹ hướng dẫn các cuộc thảo luận sau khi loan báo ý định rút lui.

Một phát ngôn viên Bộ Y tế Ý nói việc soạn thảo tài liệu cải tổ đang được tiến hành, tuy nhiên ông nói thêm là lập trường của Ý phù hợp với Paris và Berlin.

Được hỏi về lập trường của Pháp và Đức, một giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nói: “Tất cả các thành viên G7 đều công khai ủng hộ cốt lõi những sáng kiến cải tổ WHO.”

“Dù sao, thật đáng tiếc là Đức và Pháp cuối cùng quyết định không tham gia ủng hộ lộ trình này,” ông nói.

Các cuộc thảo luận về việc cải tổ WHO bắt đầu cách đây 4 tháng. Đã có gần 20 cuộc họp trực tuyến giữa các Bộ trưởng Y tế nhóm 7 nước công nghiệp G7, cùng hàng chục cuộc họp của các nhà ngoại giao và những giới chức khác.

Các giới chức Mỹ không cho biết các cải cách Washington mưu tìm là gì. Tuy nhiên, một lịch trình cải tổ sơ khởi do Washing đề nghị được nhiều đồng minh Mỹ xem là quá khắt khe, với một giới chức Châu Âu liên hệ đến những cuộc thương thuyết mô tả là “thô bạo”.

Dù có những thay đổi trong văn bản nguyên thủy, nhưng thúc đẩy của Washington vẫn không chấp nhận được, chính yếu là đối với Đức, các nguồn tin thân cận với những cuộc thương thuyết nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG