Đường dẫn truy cập

Australia xin lỗi về vụ hải quân xâm phạm lãnh hải Indonesia


Một chiếc tàu của Hải quân Úc (trái) chạy gần một chiếc tàu chở người tị nạn
Một chiếc tàu của Hải quân Úc (trái) chạy gần một chiếc tàu chở người tị nạn
Chính phủ Australia đã thừa nhận rằng hải quân Úc đã vi phạm chủ quyền lãnh hải Indonesia trong khuôn khổ chính sách gây tranh cãi nhằm ngăn chận các tàu chở người xin tị nạn. Thông tín viên VOA Phil Mercer tường thuật từ Sydney rằng Bộ trưởng di trú Scott Morrison nói những vụ xâm phạm là “không cố ý” nhưng có thể gây căng thẳng thêm với Indonesia.

Australia đã xin lỗi nước láng giềng phía bắc sau khi hải quân Úc tiến vào lãnh hải Indonesia nhiều lần mà không xin phép. Canberra không muốn nói tàu của họ làm gì, nhưng trước đây đã nhấn mạnh rằng tàu thuyền chở người xin tị nạn từ Indonesia sẽ bị quân đội buộc phải quay trở lại.

Tin tức cho hay một số tàu thuyền đã bị buộc quay về, mặc dầu không có sự xác nhận từ phía các giới chức Úc. Chính sách buộc tàu quay đầu về đã khiến Jakarta tức giận, vì tin rằng điều đó vi phạm chủ quyền Indonesia.

Bộ trưởng Di trú Australia Scott Morrison đã hạ giảm tầm quan trọng của ý kiến cho rằng vụ việc này sẽ gây phương hại thêm cho bang giao song phương vốn đã căng thẳng vì một vụ tai tiếng gián điệp hồi năm ngoái. Ông nói:

“Có được một mối quan hệ cởi mở và trung thực, và một mối quan hệ tốt đẹp là một mối quan hệ trong đó ta có thể nêu ra các vấn đề loại này khi chúng xảy ra và làm như thế một cách thẳng thắn và thông báo cho mọi người biết, và đấy chính xác là những gì chúng tôi đã làm.”

Và nhiều khi đã có những lúc khó khăn trong các mối quan hệ và theo tôi trong những tháng vừa qua, đã có một trường hợp như vậy. Nhưng đó là cách thức tiến hành mối quan hệ trong những lúc khó khăn mà tôi cho là điều quan trọng.”

Giới chỉ trích lên án Canberra là coi thường các nước láng giềng khi theo đuổi một chính sách cứng rắn về tị nạn.

Chính phủ bảo thủ của Australia đã cam kết ngăn chặn một luồng liên tục những người không được phép đến nơi vào lãnh hải của họ từ các điểm trung chuyển ở Indonesia. Nhiều người đã trả tiền cho các tay buôn người để thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm trong những chiếc tàu không an toàn sau khi chạy trốn những vụ xung đột ở các nơi như Afghanistan, Darfur, Pakistan, Somalia và Syria.

Thượng nghị sĩ thuộc Ðảng Xanh Sarah Hanson-Young nói những vụ vi phạm liên tục và rắc rối chủ quyền của Indonesia chứng tỏ chính sách đuổi tàu quay về sẽ không có tác dụng. Bà nói:

“Ông bộ trưởng đưa ra lời xin lỗi trong khi vẫn tiếp tục điều luôn luôn dẫn tới thảm họa thuộc loại này.”

Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng Australia có thể vi phạm luật quốc tế nếu ép buộc tàu thuyền quay trở lại Indonesia mà không tôn trọng thỏa đáng sự an toàn của hành khách.

Australia cấp thị thực cho khoảng 20.000 người tị nạn mỗi năm theo nhiều hiệp ước quốc tế khác nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG