Đường dẫn truy cập

ASEAN kêu gọi tự chế trong tranh chấp Biển Đông


Các vị ngoại trưởng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Naypyitaw, Myanmar, thứ Bảy 10/5/2014
Các vị ngoại trưởng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Naypyitaw, Myanmar, thứ Bảy 10/5/2014
Các vị ngoại trưởng của 10 nước hội viên ASEAN đã bày tỏ quan tâm về căng thẳng leo thang ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp với hai nước hội viên ASEAN là Việt Nam và Philippines.

Các giới chức này đã họp với nhau ngày hôm nay tại thủ đô Napyidaw của Miến Điện để chuẩn bị cho chương trình nghị sự của Thượng đỉnh ASEAN vào ngày mai.

Các giới chức cho biết tổ chức khu vực này hôm nay đưa ra một thông cáo chung để kêu gọi tự chế trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin hôm nay kêu gọi Trung Quốc và các nước liên hệ giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông bằng phương thức hòa bình.

Sau cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh, cho báo chí biết rằng ASEAN có thể có vai trò rất quan trọng cho việc giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ.

Ông Vinh nói thêm rằng mọi người cảm thấy hài lòng về việc ASEAN có thể nắm giữ một vai trò trọng yếu và đã có được một lập trường chung về vấn đề này, nhưng các nước không vui khi thấy những vụ việc xảy ra ngoài Biển Đông.

Hôm qua, Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh, cho biết tranh chấp Biển Đông sẽ ở vị trí hàng đầu của chương trình nghị sự. Ông cũng nói rằng ASEAN đang chuẩn bị để hình thành Cộng đồng Kinh tế vào tháng 12 năm tới.

Hồi đầu tuần này, Manila đã bắt 11 ngư phủ Trung Quốc về tội đánh bắt trái phép trong vùng biển gần bãi Trăng Khuyết thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Cảnh sát Philippines đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đòi họ trả tự do cho các ngư phủ này.

Trong khi đó, các tàu bè của Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm với nhau trong vài ngày qua gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc mới đưa một giàn khoan dầu khổng lồ đến hoạt động trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Đòi hỏi của họ trùng lắp với những yêu sách chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG