Đường dẫn truy cập

APEC cam kết tăng cường thương mại giữa căng thẳng địa chính trị


Các nhà lãnh đạo của khối APEC gồm 21 thành viên ngày thứ Bảy cam kết tăng cường thương mại và làm nhiều hơn nữa để giải quyết các thách thức kinh tế khác, khép lại hội nghị cuối cùng trong ba hội nghị thượng đỉnh ở khu vực diễn ra trong một tuần bị lu mờ bởi cạnh tranh địa chính trị.

Các hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của các nhà lãnh đạo toàn cầu và các cuộc hội đàm thường bị gián đoạn do căng thẳng từ cuộc chiến ở Ukraine cũng như các điểm nóng như Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.

Một hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á có sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã được tổ chức tại Campuchia, trong khi các nền kinh tế lớn của Nhóm 20 hội họp tại đảo Bali của Indonesia.

Khai mạc hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bị gián đoạn vào ngày thứ Sáu khi Phó Tổng thống Kamala Harris, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các đồng minh bên lề để lên án Triều Tiên sau khi nước này bắn thử một phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới nước Mỹ.

Ngày thứ Bảy, Thủ tướng Thái Lan kiêm Chủ tịch APEC Prayuth Chan-ocha tìm cách tập trung trở lại vào các vấn đề kinh tế và cho biết APEC đã đạt được "tiến bộ đáng kể" bằng việc đồng ý một kế hoạch làm việc nhiều năm cho Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC nói nhóm sẽ duy trì và tăng cường hơn nữa hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, nhưng cũng thừa nhận cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết các thách thức như lạm phát gia tăng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và thiên tai.

"Năm nay, chúng ta cũng đã chứng kiến cuộc chiến ở Ukraine tác động xấu hơn nữa đến nền kinh tế toàn cầu," tuyên bố nói. Tuyên bố cũng cho biết rằng hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến.

Tại cuộc họp G20 ở Indonesia, các thành viên nhất trí thông qua một tuyên bố nói hầu hết các thành viên lên án cuộc chiến Ukraine nhưng cũng thừa nhận một số quốc gia nhìn cuộc xung đột theo cách khác.

Các nhà lãnh đạo APEC đưa ra tuyên bố giống với tuyên bố G20 khi họ nhắc đến các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án hành động gây hấn của Nga và yêu cầu nước này rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine, nhưng cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Nga là thành viên của cả G20 và APEC nhưng Tổng thống Vladimir Putin không đến dự các hội nghị thượng đỉnh này. Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov đại diện cho ông tại APEC.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG