Đường dẫn truy cập

Ấn Độ công bố lộ trình khôi phục tăng trưởng kinh tế


Bản điện tử thị trường chứng khoán Bombay (BSE) tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 10/7/2014.
Bản điện tử thị trường chứng khoán Bombay (BSE) tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 10/7/2014.

Tân chính phủ Ấn Độ đã công bố một lộ trình nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế sau khi tỷ lệ tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần hai thập kỷ. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Delhi, chính phủ do đảng cánh hữu Bharatiya Janata lãnh đạo, được coi là có thiện chí hơn với giới kinh doanh, cam kết sẽ tạo ra các cơ hội lớn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley nói rằng chính phủ sẽ tìm mọi giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong khi người dân cảm thấy ‘bức xúc’ vì tỷ lệ tăng trưởng đã rớt xuống mức dưới 5% trong hai năm liên tiếp.

Ông Jaitley phát biểu như vậy khi đệ trình ngân sách thường niên, sáu tuần sau khi Đảng Bharatiya Janata lên nắm quyền với các cam kết tạo ra các cơ hội mới cho một triệu người bước vào thị trường lao động mỗi năm.

Ông Jaitley nói: “Các bước tôi sẽ công bố trong ngân sách chỉ là bước khởi đầu trong một hành trình tiến tới tỷ lệ tăng trưởng bền vững ở mức 7 tới 8% trong vòng ba hay bốn năm, với sự ổn định kinh tế vĩ mô gồm tỷ lệ lạm phát thấp hơn, thâm hụt ngân sách thấp hơn và mức thâm hụt tài khoản vãng lai có thể kiềm chế được”.

Thủ tướng Narendra Modi từng kêu gọi thành công các nhà đầu tư tới bang Gujarat nơi ông từng làm lãnh đạo.
Thủ tướng Narendra Modi từng kêu gọi thành công các nhà đầu tư tới bang Gujarat nơi ông từng làm lãnh đạo.

Ngân sách đầu tiên của chính phủ đã được các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài theo dõi chặt chẽ để xem Thủ tướng Narendra Modi có thể khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của nước này hay không, sau khi từng kêu gọi thành công các nhà đầu tư tới bang Gujarat nơi ông từng lãnh đạo.

Chính phủ từng công bố một số cải cách kinh tế nhằm mục đích chứng minh rằng họ có thiện chí với giới kinh doanh.

Chính phủ đã nới lỏng các hạn chế đối với các nhà đầu tư trong hai lĩnh vực chủ chốt là quốc phòng và bảo hiểm, từ mức 26% lên 49%. Ấn Độ là quốc gia mua vũ khí lớn nhất trên thế giới. Chính phủ đã cam kết dành vai trò lớn hơn cho lĩnh vực tư nhân trong khi hiện đại hóa cơ sở hạ tầng xuống cấp. Chính phủ cũng công bố các biện pháp chấn hưng lĩnh vực sản xuất.

Chính phủ nói sẽ có các cải tiến đồng nhất về thuế hàng hóa và dịch vụ, giúp tạo điều kiện dễ dàng cho việc làm ăn kinh doanh hơn ở tất cả 29 bang của nước này.

Bộ trưởng Tài chính Jaitley cũng tìm cách trấn an các nhà đầu tư sau khi họ cảm thấy nản lòng vì chính phủ trước đây đã nâng các khai báo lợi tức để đóng thuế nhiều tỷ đôla đối với một số công ty sau khi thay đổi luật thuế.

Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley tìm cách trấn an nhà đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley tìm cách trấn an nhà đầu tư.

Ông Jaitley cho biết: “Tôi muốn nói với quốc hội và cộng đồng các nhà đầu tư rằng chúng tôi cam kết cung cấp một hệ thống thuế ổn định và dễ dàng nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng”.

Với cam kết cắt giảm chi tiêu chính phủ, ông Jaitley nói rằng ông sẽ khống chế tỷ lệ lạm phát ở mức 4.1%. Đó được coi là một nhiệm vụ khó khăn vì các chương trình trợ giá tốn kém mà chính phủ tiền nhiệm công bố. Chính phủ nói rằng việc trợ giá sẽ đặt trọng tâm hơn kể cả khi cam kết bảo vệ người nghèo.

Khống chế tỷ lệ lạm phát cao được coi là một bước cơ bản tiến tới sự hồi phục kinh tế.

Sau khi giành được thắng lợi vang dội nhất trong vòng 30 năm, chính phủ hiện chịu áp lực phải hiện thực hóa các cam kết đưa nền kinh tế Ấn Độ trở lại mức tăng trưởng cao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG