Đường dẫn truy cập

DVD của Asia suýt hỏng vì Hồn ma ở Hí viện Quốc gia?


Hí viện Quốc gia ở Thủ đô Washington
Hí viện Quốc gia ở Thủ đô Washington

Kính thưa quí vị, Chủ nhật, 31 tháng 10 là ngày trẻ em tại nước Mỹ và một số nước khác đang trông ngóng để được xúng xính trong những bộ quần áo giả trang ngộ nghĩnh và xách giỏ đi gõ cửa từng nhà xin kẹo, một ngày vui đến với các em mỗi năm một lần. Và theo truyền thuyết thì ngày này cũng là lúc Diêm Vương mở cửa cho các hồn ma trở lên dương trần nên vào khoảng thời gian này những câu chuyện ma thường được mọi người kể cho nhau nghe. Hôm nay cũng trong bối cảnh đó, chúng tôi mời quí vị theo dõi câu chuyện bí ẩn của vụ trục trặc trong buổi trình diễn của công ty Asia khi thực hiện cuốn DVD "Hành Trình 30 Năm" vào năm 2005, tại Hí viện Quốc gia Hoa Kỳ ở thủ đô Washington, một rạp hát nổi tiếng vì tính cách lịch sử và một bí ẩn vẫn được truyền tụng cho tới bây giờ. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương trong Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay.

Bóng ma ở Hí viện quốc gia Hoa Kỳ đã được nhắc tới qua nhiều câu chuyện ly kỳ, được tiến sỹ Donn B. Murphy thu thập và thuật lại.

Tương truyền rằng ông John Edward McCullough, một kịch sỹ nổi tiếng trong những năm của thế kỷ thứ 19, đêm đêm vẫn hiện về quanh quẩn trong rạp hát này, xem xét mọi việc để bảo đảm là buổi trình diễn kế tiếp được chuẩn bị chu đáo.

McCullough là một kịch sỹ nổi tiếng trong những vai tuồng cổ của Shakespeare. Câu chuyện bắt đầu bằng một cuộc cãi vã giữa ông với một diễn viên khác, không nổi tiếng bằng ông, vì muốn chiếm trái tim của một bóng hồng cũng là đào hát trong gánh lưu diễn mà hai người đang cộng tác, vào lúc gánh hát này đang trình diễn ở ngay Hí viện Quốc gia. Nhưng cũng có một câu chuyện khác nói rằng hai diễn viên này cãi cọ vì tranh nhau một vai diễn mà kịch sỹ nào cũng thèm muốn. Chẳng ai hiểu được rõ đầu đuôi ngọn ngành, nhưng cuộc cãi vã cứ thế mà tăng cường độ, từ lời qua tiếng lại rồi đến la hét om sòm và cuối cùng là tiếng súng nổ. John McCullough tắt thở, ngã sóng xoài trên mặt đất trong hầm, ở bên dưới sân khấu, nơi mà trước đó ông từng thủ những vai chính hấp dẫn với giọng nói sang sảng qua các vở kịch lừng danh của Shakespeare.

Không biết vì cố tránh không để cho câu chuyện trở thành một vụ tai tiếng um xùm trong lúc không có người thân ở đó để chôn cất tử tế, hay vì một mưu toan phi tang những chứng cứ của vụ án mạng, người ta được biết rằng thi hài của kịch sỹ McCullough đã được vùi nông một nấm vào ban đêm ngay trong nền đất trong hầm sân khấu. Sang đến thế kỷ thứ 20, căn hầm này được đổ xi măng, bịt chặt, và như thế có lẽ thi hài của ông McCullough đã vĩnh viễn nằm im ở đó.

Chẳng bao lâu sau cái chết của ông, người ta chứng kiến những hiện tượng kỳ lạ. Trong đêm khai trương một vở hát mới, người ta kể rằng bóng ma thầm lặng này được thấy ở nhiều nơi trong rạp hát, như thể đi kiểm soát để bảo đảm rằng trước khi màn nhung kéo lên thì tất cả mọi chuyện đều phải sắp xếp đâu vào đấy rồi. Một số còn kể rằng họ nhìn thấy ông trong trang phục của Hamlet, vai đầu tiên mà ông đảm nhận khi trình diễn tại Washington. Nhiều người khác thì kể rằng họ thấy ông hiện về trong vai Virginius, một viên quan võ La Mã, vai diễn nổi tiếng nhất của ông lúc sinh thời.

Một diễn viên khác, từng quen biết McCullough, đã kể lại rằng một hôm ông sửng sốt thấy hồn ma ông McCullough ngồi yên lặng trong hàng ghế khán giả, gần ban nhạc. Và cho đến hết thế kỷ thứ 19, không biết bao nhiêu câu chuyện về hồn ma này đã được kể lại, từ người gác gian, người giữ cửa đều có những lần gặp gỡ ớn lạnh xương sống với hồn ma ở Nhà hát Quốc gia.

Tờ Washington Post số ra ngày 4 tháng 10 năm 1896 đăng một bài báo kể câu chuyện do ông Frederic Bond thuật lại. Ông Bond là một diễn viên hài nổi tiếng và từng là bạn thân của kịch sỹ McCullough lúc sinh thời. Một đêm ông một mình ở lại rạp hát để dợt tuồng, và chợt thấy tóc gáy dựng đứng với cảm giác như có một người vô hình nào đó đang đứng rất gần ông. Rồi một bóng người kỳ lạ lướt qua sân khấu, cách xa ông chỉ trong gang tấc, nhà danh hài Bond nhận ra ngay Mc Cullough và la lên: "John McCullough! John!"Ngay sau đó bóng ma quay lưng đi, nghiêm trang tiến về phía cánh gà và biến mất.

Lập tức ngay sau đó một bóng người nữa hiển hiện, mà ông Bond nhận ra ngay là Eddie Specht, cậu nhỏ chuyên sắp xếp, bày biện các vật dụng trên sân khấu vừa mới chết; khi còn sống anh chàng này rất ái mộ John McCullough; mỗi khi sân khấu trống vắng ngoài những buổi trình diễn, cậu ta thường bắt chước đóng thử các vai tuồng của McCullough. Sau đó thì bóng ma trẻ này lẳng lặng theo chân bóng ma trước và cũng biến mất ngay nơi cánh gà.

Hí viện Quốc gia những năm 1920
Hí viện Quốc gia những năm 1920

Đến năm 1930 sở cảnh sát tại thủ đô Washignton muốn giải quyết câu chuyện đã xảy ra từ 50 năm trươc, nên đề nghị khai quật nơi chôn cất ông McCullough, điều tra vụ việc và giải quyết một lần cho xong, rồi đem hài cốt mai táng tươm tất ở một nghĩa trang. Nhưng các gánh hát trình diễn ở hí viện rất đoàn kết với nhau. Họ lớn tiếng phản đối việc quấy nhiễu sự yên nghỉ của một bạn đồng nghiệp và lý luận rằng đây chính là nơi mà người quá cố muốn được chôn cất nhất.

Cũng có một tin đồn nói là một diễn viên vô danh đã bị bắn và chôn dưới hầm sân khấu, còn ông McCullough sau đó mắc một chứng bệnh hiểm ngèo ảnh hưởng tới não bộ của ông và người ta phải đưa ông vào một dưỡng trí viện và ông mất vào khoảng năm 1885 tại Philadelphia.

Nhưng rồi khi rạp hát này được tân trang năm 1984, người tra tìm thấy một khẩu súng lục đã rỉ sét, và được quản lý rạp hát trao cho Viện Smithsonian. Và từ đó dư luận lại chú ý đến câu chuyện hồn ma McCullough ở Hí Viện Quốc Gia, tọa lạc chỉ cách Toà Bạch Ốc có ba dãy phố.

Năm 2005, Trung tâm Asia chuẩn bị một buổi trình diễn long trọng với chủ đề "Hành Trình 30 Năm" để kỷ niệm chặng đường 30 năm mà người Việt tỵ nạn đã đi qua. Góp mặt trong buổi trình diễn hôm ấy là các ca nhạc sỹ nổi danh, với 2 người dẫn chương trình, MC Nam Lộc và Dương Nguyệt Ánh.

MC Nam Lộc thuật lại lý do tại sao trung tâm Asia lại chọn hí Viện này để trình diễn và thu DVD:

"Trong một buổi thu hình rất là đặc biệt với chủ đề là: 'Hành trình 30 Năm'. Trung tâm Asia và anh chị em chúng tôi cố tình làm thế nào để thu hình ở một nhà hát lớn, một nhà hát có tầm vóc lịch sử và đặc biệt là ở gần Tòa Bạch Ốc. Nó có tính cách lịch sử là vì 'Hành trình 30 Năm' cũng là một buổi tập họp khá đông đảo của người Việt tại Washington, cũng như một buổi triển lãm của con tàu tỵ nạn đã được kéo lên Washington. Có nhiều yếu tố, và yếu tố quan trọng nhất là chúng tôi muốn cám ơn nước Mỹ đã giúp đỡ cho người tỵ nạn định cư và thành công ở đất nước này. Đồng thời cũng 'khoe' với họ những đóng góp và thành tích lớn lao của người tỵ nạn sau 30 năm. Bên cạnh đó chúng tôi cũng vẫn tiếp tục vận động và tranh đấu cho 2 ngàn người tỵ nạn còn kẹt lại Philippines trong thời gian đó. Đấy là tất cả những lý do khiến chúng tôi chọn Nhà hát Quốc gia ở Washington để thu hình."

Nghệ sỹ Nam Lộc thuật lại rằng với show diễn và thu hình lớn lao như thế, mọi chuyện được chuẩn bị thật kỹ lưỡng, các chuyên viên kỹ thuật đều là những người Mỹ chuyên nghiệp, thiện nghệ. Thế nhưng những trục trặc kỹ thuật vẫn cứ xảy ra:

"Tất cả mọi chuyện đều được sắp đặt đầy đủ hết, không có gì có thể đi sai được chuyện thu hình. Đã có sự phối hợp của đạo diễn, những người quay phim, những người trông coi về ánh sáng, các nghệ sỹ, những người lo về âm thanh và khán thính giả. Những chuyện đó phải diễn ra cùng một lúc. Tất cả các ca nhạc sỹ đều trang phục chuẩn bị ra sân khấu, đèn đuốc ánh sáng tốt đẹp. Nhưng bất thình lình có hai hiện tượng xảy ra. Đầu tiên là máy projector chiếu video background của chúng tôi hoàn toàn bị hư, không thể nào chiếu hình lên được. Họ cũng có máy khác để thay thế, chuẩn bị cho những chuyện không may xảy ra, những máy khác lên cũng đều không sử dụng được, thậm chí họ đi mua cấp tốc một máy khác ngay tại Washington ngày hôm đó, đem về để thay, cũng không sử dụng được."

Chương trình hôm đó của Asia là 2 xuất diễn, bắt đầu lúc 1 giờ và xuất thứ nhì từ 5 giờ. Đã đến giờ phải trình diễn mà máy móc cứ trục trặc, đành phải cho bắt đầu, vì khán giả đã đến chật cả rạp và phần thu hình cho DVD đành coi như không thực hiện được. Tất cả những người trong ban tổ chức lẫn các chuyên viên kỹ thuật lẫn nghệ sỹ muốn đứng tim, và một số nghệ sỹ như Thanh Thúy, Thanh Tuyền nghĩ ngay đến chuyện phải cúng tổ sân khấu. Trong khi đó thì một ca sỹ, anh Lâm Nhật Tiến, cho rằng trong rạp có ma, và hình như lúc vào đến nơi, mọi người không tỏ lòng tôn kính. Nghệ sỹ Nam Lộc thuật lại rằng ca sỹ Lâm Nhật Tiến nổi tiếng là người có giác quan thứ sáu rất bén nhạy, trong trung tâm Asia ai cũng biết, thế là mọi người, cùng với một khoa học gia làm việc cho NASA, bạn của nghệ sỹ Nam Lộc, đã chạy đi mua hoa quả, nhang đèn mang vào rạp cúng. Các nghệ sỹ khấn vái vong hồn của biết bao người tỵ nạn đã thác oan và hương hồn nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng hãy về phù hộ, ngay vào lúc ca sỹ Don Hồ bắt đầu trình diễn bản nhạc "Mười Năm Yêu Em" của cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng, một nhạc sỹ có nhiều gắn bó với trung tâm Asia lúc sinh thời. Cũng ngay vaò lúc bắt đầu bản nhạc, một miếng plastic lớn từ trên trần rơi đánh 'xoảng' xuống sân khấu, ngay sát ca sỹ Don Hồ. Đột nhiên, tất cả máy móc hoạt động trở lại. Kể từ lúc đó trở đi, mọi chuyện diễn tiến thật tốt đẹo và suôn sẻ, máy chiếu phim, máy thu hình hoạt động bình thường trở lại. Không ai có thể giải thích được hiện tượng lạ lùng này. Theo nghệ sỹ Nam Lộc, mọi người cho rằng có lẽ hồn ma tại nhà hát đã được cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng và những người thác oan "thương lượng" để mọi chuyện được hanh thông!

Nghệ sỹ Nam Lộc cho biết thêm:

"Năm nay tôi đã hơn 60 tuổi rồi, có lẽ trong cuộc đời, chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện có ma quỉ trong đời sống hay trong các sinh hoạt mà tôi đã tham dự. Sau này thì tôi cũng không tìm hiểu được nguyên nhân, người thì nói rằng vì lý do kỹ thuật trùng hợp, người thì nói là vấn đề tâm linh. Thành thật mà nói, tôi cộng tác với trung tâm Asia gần 20 năm nay, không bao giờ họ cúng kiếng cả, bởi vì theo công giáo nên không có bàn thờ cúng ở trong sân khấu, nhưng kể từ ngày đó trở đi, luôn luôn trung tâm Asia đi đâu trình diễn cũng đều có một bàn thờ và mọi người rất chân thành cầu nguyện."

Và buổi trình diễn hôm đó đã gặt hái được thành công rực rỡ, thành công còn vượt lên trên cả phạm vi tài chính; đó là lời hứa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đối với 2 ngàn người Việt tỵ nạn vẫn còn kẹt tại Philippines cả 20 năm.

Nghệ sỹ Nam Lộc cho biết:

"Phần làm cho tôi xúc động nhất là lúc chúng tôi giới thiệu ông trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách tỵ nạn và di dân. Chúng tôi vinh danh ông, nói riêng, và Bộ Ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ và nhân dân Hoa Kỳ nói chung về nỗ lực giúp đỡ cho cộng đồng người Việt. Sau đó chúng tôi cũng yêu cầu ông là chỉ còn có 2 ngàn người Việt tỵ nạn cuối cùng ở bên Phi, thì xin ông và bộ Ngoại giao vui lòng chú ý tới và cho chúng tôi một giấc mơ là đem những thuyền nhân vất vưởng ở bên đó gần 20 năm trời sang đây.

Sau khi chúng tôi giới thiệu ông một cách trang trọng và trao một món quà, đoạn sau ông có nói một câu là: 'Công việc chúng ta thật là tốt đẹp trong bao nhiêu năm trời, người định cư và người bảo trợ đều đã làm công việc của mình, nhưng mà chưa hết, chúng ta vẫn còn người tỵ nạn, chúng ta phải mang sang để giúp họ, để hoàn tất chương trình một cách tốt đẹp. Nó như một lời hứa, và sau khi ông nói xong, lần đầu tiên tôi chứng kiến người Việt Nam chúng ta, trong một buổi nhạc hội, họ vỗ tay và tất cả toàn thể tự động đứng dậy, standing ovation.'"


Rồi số phận những người tỵ nạn bị kẹt lại ở Philippines cho tới ngày đó được định đoạt ra sao? Chúng tôi xin mượn lời nghệ sỹ Nam Lộc để thay cho lời kết của câu chuyện Halloween năm nay:

"Thì quả thật sau đó, giấc mơ của anh em chúng tôi đã thành sự thật: hai ngàn người Việt tại Phi đã được Bộ Ngoại giao quyết định đem sang định cư. Chỉ một năm sau đó là họ được sang đến Hoa kỳ và vào khoảng cuối năm nay chúng tôi sẽ có một cuộc họp mặt với toàn bộ những người định cư cách đây năm năm về trước. Đây là những kỷ niệm mà nó gắn liền với câu chuyện huyền thoại (chuyện ma) vừa rồi, nhưng có lẽ là những kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời làm văn nghệ của tôi."

(Chú thích: Nghệ sỹ Nam Lộc giải thích thêm: có 1600 người kẹt ở Philippines được sang Hoa Kỳ định cư, còn 400 người khác đi định cư rải rác trên khắp thế giới)

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG