Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Âu châu đạt được thỏa thuận về Miến Điện. - 2004-09-06


Liên Hiệp Âu châu đã đạt được một thỏa thuận về Miến Điện để có thể xúc tiến cuộc họp thượng đỉnh với các quốc gia Á châu tại Việt Nam vào tháng tới.

Liên Hiệp Âu châu đã đạt được một thỏa thuận về Miến Điện để có thể xúc tiến cuộc họp thượng đỉnh với các quốc gia Á châu tại Việt Nam vào tháng tới.

Ủy viên thương mại của liên hiệp Âu châu ông Pascal Lamy không cho biết chi tiết, nhưng các giới chức khác nói rằng một thỏa hiệp đang được thảo luận để phía châu Á khỏi mất mặt bằng cách cho phép Miến Điện tham dự nhưng ở cấp bực thấp hơn các nước khác ngõ hầu giải tỏa các mối lo ngại của Anh về thành tích nhân quyền của Miến Điện.

Ông Lamy cho biết các chi tiết của thỏa hiệp đạt được tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao trong liên hiệp ở Hà Lan vào tuần trước sẽ được công bố trong những ngày sắp tới.

Vào lúc kết thúc cuộc họp hồi cuối tuần ở Jakarta giữa các bộ trưởng thương mại của các nước Đông Nam Á và các nước bạn hàng chính, ông Lamy cho biết riêng về hội nghị thuợng đỉnh tại Hà Nội, thì các bộ trưởng ngoại giao thuộc liên hiệp Âu châu đã đồng ý sẽ nhóm tại Hà Nội vào thời điểm mà phía Việt Nam đã đề nghị.

Ông nói thêm rằng các vị bộ trưởng ngoại giao đã tìm ra một phương sách tổ chức cuộc họp thượng đỉnh và thúc đẩy tiến trình này mà không gây phương hại đến chủ trương về Miến Điện.

Tổng thư ký hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên hoan nghênh việc đạt được thỏa hiệp.

Ông Pascal Lamy nói rằng các nước Âu châu vẫn chủ trương thúc đẩy sự thay đổi tại Miến Điện.

Ngoại trưởng Hà Lan ông Bernard Bot cho biết các biện pháp hạn chế mới, trong đó có việc gia tăng thêm sự chế tài, sẽ được áp dụng nếu như Miến Điện không tuân thủ các yêu sách của Liên Hiệp Âu Châu.

Theo bà Debbie Stothard thuộc tổ chức tranh đấu cho nhân quyền Mạng Lưới ASEAN chủ trương tạo sự thay đổi tại Miến Điện, nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện có thể coi thỏa hiệp của Liên Hiệp Âu châu như một thắng lợi.

Bà Stothard cho rằng diễn biến tốt đẹp nhất là Miến Điện bị loại ra khỏi hội nghị, và quả thực đây là lúc mà điều quan trọng nhất là gây áp lực, khi mà nhà cầm quyền không chịu phóng thích bà Aung San Suu Kyi hoặc để cho người dân được hưởng các quyền tự do chính trị.

Theo bà Stothard, nếu liên hiệp Âu châu giữ vững lập trường của mình thì có thể khối ASEAN sẽ từ bỏ yêu sách đòi cho Miến Điện phó hội, bởi lẽ các nhà lãnh đạo ASEAN coi cuộc họp như một diễn đàn để bành trướng mậu dịch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG