Đường dẫn truy cập

Cựu binh Mỹ tới Việt Nam 'hàn gắn vết thương chiến tranh'


Cựu binh Mỹ tới Việt Nam 'hàn gắn vết thương chiến tranh'
Cựu binh Mỹ tới Việt Nam 'hàn gắn vết thương chiến tranh'

Một đoàn cựu chiến binh Mỹ cùng người thân sẽ tới Việt Nam vì mục đích nhân đạo vào tuần tới. Một số người lần đầu tiên quay trở lại nơi họ từng tham chiến hơn 30 năm về trước. Trong chuyến thăm tới cả ba miền của Việt Nam lần này, các cựu chiến binh sẽ dừng chân ở Quảng Trị để chứng kiến những thay đổi tích cực mà một dự án giải quyết hậu quả chiến tranh Mỹ đang mang lại cho người dân địa phương. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị cùng Nguyễn Trung tìm hiểu về chuyến đi được cho là để ‘hàn gắn vết thương chiến tranh’.

<!-- IMAGE -->

Đây là lần thứ 11, cựu chiến binh Jan Scruggs trở lại Việt Nam kể từ lần đầu tiên năm 1999. Người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Quỹ Tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam (VVMF) cho biết ông ngạc nhiên về những thay đổi do chính sách mở cửa mang lại ở Việt Nam trong thời gian qua, và chuyến đi do cơ quan ông tổ chức lần này sẽ giúp các cựu binh cảm nhận điều đó.

Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Scruggs cho biết đoàn cựu chiến binh tới từ các bang khác nhau của Mỹ sẽ tham gia nhiều hoạt động tại cả ba miền của Việt Nam, và họ sẽ gặp gỡ ‘nhiều giới chức địa phương’. Vị Chủ tịch VVMF cho hay, ông muốn các thành viên trong đoàn ‘chứng kiến sự đa dạng văn hóa, và truyền thống cũng như sự nồng hậu của người Việt Nam’.

Ông Scruggs nói: 'Từng dẫn nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam, tôi nhận thấy họ trân trọng người Việt Nam vì sau những gì trải qua, người Việt Nam không tức giận hay thù nghịch, mà vẫn chào đón các cựu chiến binh cũng như các khách du lịch Mỹ. Người dân Việt Nam đều rất thân thiện, nên tôi có cảm giác mọi người đang cùng hàn gắn vết thương sau cuộc chiến thảm khốc. Chiến tranh Việt Nam vẫn còn là chủ đề bàn cãi ở Mỹ, và có lẽ sẽ luôn như vậy'.

<!-- IMAGE -->

Ông nói thêm: 'Nhưng cuộc chiến đã chấm dứt. Các cựu chiến binh Mỹ vẫn tiếp tục sống. Một số cựu binh Mỹ đã thành công và thực sự giàu có như Chủ tịch công ty FedEx, và có hai người thậm chí còn chạy đua vào chức tổng thống. Chúng tôi tự hào đã phụng sự tổ quốc và chiến đấu ở Việt Nam. Chúng tôi tất nhiên không cảm thấy hối lỗi về chuyện đó. Nhưng đó là một khoảng thời gian buồn trong đời chúng tôi, nên trở lại đó là điều tốt đối với mọi người'.

Tin cho hay, đoàn cựu chiến binh cũng sẽ dừng chân ở Quảng Trị, nơi Quỹ VVMF đang triển khai dự án giải quyết hậu quả Chiến tranh Việt Nam, trong đó có rà phá bom mìn và hỗ trợ các nạn nhân có tên gọi Project RENEW.

Về dự án này, ông Scruggs cho hay: 'Những cựu binh Mỹ chúng tôi mong muốn làm một điều gì đó tốt đẹp, nhất là giúp cứu mạng những người dân địa phương vẫn bị đe dọa bởi bom, mìn còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam. Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ cũng ủng hộ Project RENEW ở Quảng Trị. Dự án này không những giúp địa phương dọn sạch bom mìn, mà còn mở các khóa học giúp nâng cao nhận thức của người dân về hiểm họa của các thiết bị nổ từ thời chiến'.

Theo Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, hơn 100.000 người Việt Nam tử vong hoặc bị thương do bom, mìn và nhiều loại vật nổ khác sót lại sau chiến tranh.

Riêng ở Quảng Trị, hơn bảy nghìn người đã trở thành nạn nhân của các vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến.

Ông Đỗ Thiên Đăng từ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, dẫm phải mìn sát thương khi đang cắt cỏ trên đồi gần nhà hồi năm 1980. Tai nạn này đã làm ông mất cả hai chân, khiến ông trở thành người tàn phế.

Tuy nhiên, nông dân 50 tuổi này cho VOA Việt Ngữ biết rằng cuộc sống của ông đã cải thiện nhiều kể từ năm 2003, sau khi nhận được hỗ trợ từ Project RENEW. Giờ ông đủ khả năng trang trải cuộc sống của gia đình cũng như cho con cái ăn học.

Ông Đăng cho hay: 'Dự án đã hỗ trợ vốn ban đầu (khoảng gần hai triệu tiền mặt) và nhà ủ nấm cho gia đình tôi. Chúng tôi nuôi nấm và đến mùa thì bán. Cũng nhờ nuôi nấm đó mà con cái có tiền ăn học. Một đứa đã học xong lớp 12, một đứa đang học lớp 10 và một đứa khác đang học lớp bảy'.

Quỹ Tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam được lập ra năm 1979 nhằm mục đích duy trì và bảo tồn Đài tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam (hay còn gọi là Bức tường Việt Nam) ở thủ đô Washington. Quỹ này cũng thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức về hậu quả của Chiến tranh Việt Nam, cũng như tổ chức các chuyến đi mang tính hàn gắn tới đất nước ở khu vực Đông Nam Á này.

Khi được hỏi cảm nhận về mối quan hệ Việt – Mỹ thời gian qua, ông Scruggs cho biết ông thấy mối quan hệ này ‘đang ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, dù vẫn còn những bất đồng trong quan điểm giữa hai quốc gia’.

Chủ tịch VVMF nhận định: 'Tình hình nhân quyền và bất đồng chính kiến ở Việt Nam vẫn chưa làm hài lòng các cơ quan theo dõi độc lập của quốc tế. Vẫn còn nhiều trở ngại và di sản liên quan tới Chiến tranh Việt Nam từ vấn đề chất da cam cho tới các bom mìn sót lại. Đó là những vấn đề khó giải quyết và chính phủ Mỹ sẽ phải quyết định xem sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào cho những gì xảy ra tại Việt Nam'.

Ông nói tiếp: 'Điều đáng nói là trên chính trường thế giới, về cơ bản, Việt Nam không gây ra bất kỳ vấn đề lớn nào, không sản xuất vũ khí hạt nhân như Bắc Triều Tiên hay đe dọa xâm chiếm nước khác. Việt Nam cũng luôn mong muốn hòa bình. Vì thế, tôi nghĩ nước này sẽ trở thành một điểm đến an lành và tuyệt vời cho du khách. Chúng tôi hy vọng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển tích cực'.

Tin cho hay, trong khi dừng chân ở Hà Nội, một trong các cựu chiến binh Mỹ, tướng bốn sao đã hồi hưu Barry McCaffrey, người từng phụ trách cơ quan kiểm soát ma túy dưới thời Tổng thống Bill Clinton, sẽ trình bày trước các giới chức và sinh viên Việt Nam một tham luận có tên gọi ‘Những thách thức chiến lược đối với cộng đồng toàn cầu’.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG