Đường dẫn truy cập

2010: Năm trọng yếu trong chiến lược về Afghanistan của TT Obama


2010: Năm trọng yếu trong chiến lược về Afghanistan của TT Obama
2010: Năm trọng yếu trong chiến lược về Afghanistan của TT Obama
<!-- IMAGE -->

Năm 2009 được nhớ đến như là năm mà những ưu tiên về quân sự của Hoa Kỳ chuyển từ Iraq sang Afghanistan. Và năm 2010 sẽ là năm dồn nỗ lực mạnh cho Afghanistan, thời điểm mà những cố gắng của Tổng thống Barack Obama nhắm mang lại những tiến bộ phi thường trong đoản kỳ, giống như cựu Tổng thống George W. Bush đã làm tại Iraq trong 2 năm 2007 và 2008. Thông tín viên tại Ngũ Giác Đài của đài VOA Al Pessin có bài tổng kết cuối năm như sau.

Thật là một quyết định khó khăn đối với Tổng thống Obama. Ông phải mất 3 tháng mới hoàn tất được. Cuối cùng vào ngày 1 tháng 12 vừa qua, Tổng thống Obama loan báo kế hoạch của ông.

Tổng thống nói: "Việc duyệt xét này bây giờ hoàn tất. Và trong tư cách Tổng tư lệnh tối cao của quân đội, tôi quyết định vì lợi ích quan yếu của quốc gia, gởi thêm 30,000 quân Mỹ đến Afghanistan."

Tổng thống Obama cho biết mục tiêu của ông là "dành lấy quyền chủ động" từ tay Taliban và bắt đầu đưa binh sỹ Mỹ về nước trong 18 tháng.

Quyết định này đã làm khởi động một nỗ lực lớn lao để chuyển vận binh sĩ và trang bị sang Afghanistan trong khi quân đội Hoa Kỳ chuẩn bị rút hơn 60.000 quân hiện trú đóng tại Iraq.

Đây là một thách đố lớn lao về tiếp vận. Tuy nhiên ý nghĩa chiến lược của chuyện này lại càng quan trọng hơn.

Trong chuyến viếng thăm Afghanistan vào tháng 12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates nói là việc tăng quân, và thêm ít nhất là 7000 quân từ các quốc gia khác, chứng tỏ quyết tâm không lay chuyển của Hoa Kỳ để giúp Afghanistan trong dài hạn.

Bộ trưởng Gates tuyên bố: "Hoa Kỳ và nhiều bạn bè, đồng minh trên toàn thế giới quyết tâm đánh bại những phần tử ngăn cản chúng ta tiến đến một tương lai hòa bình và thịnh vượng. Cùng nhau, chúng ta sẽ thành công và sự hợp tác giữa chúng ta sẽ tiếp tục nẩy nở trong những thập niên tới."

Tuy nhiên bước đầu tiên, tức là đánh bại những phần tử nổi dậy, sẽ là một bước khó khăn nhất.

Bà Kim Kagan, Sáng lập viên và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến tranh có nhận xét: "Điều chúng ta sẽ thấy trong năm 2010, khi các lực lượng đổ dồn vào cuộc chiến, là mức bạo động cũng như thiệt hại sẽ tăng cao khi kẻ thù cũng quyết tâm gia nhập đấu trường."

Bà Kagan nói thêm là trong những tháng tới, Hoa Kỳ cũng như các lực lượng quốc tế và Afghanistan cần phải bảo đảm an ninh cho các thành thị Afghanistan, chiến đấu chống lại những phần tử nổi dậy ngoan cố và thuyết phục binh sĩ Taliban quay về với chính phủ.

Bà nói: "Chúng ta đã chứng kiến thành công tại Iraq. Điều chúng ta cần làm tại Afghanistan là áp dụng lại một cách thích nghi một chiến dịch chống nổi dậy có thể thực sự thu hút sự ủng hộ của quần chúng hay ít ra là họ sẽ từ bỏ phe nổi dậy."

Bà Kagan nói thêm là đồng thời, các lực lượng Hoa Kỳ phải xây dựng lực lượng Afghanistan và điều phối hợp các nỗ lực quốc tế để chống lại tham nhũng và kiến tạo năng lực của chính phủ Afghanistan. Bà tin là kế hoạch như vậy có thể đảo ngược được tình thế tại Afghanistan.

Tuy nhiên không phải tất cả các chuyên gia đều đồng ý. Đại tá lục quân hồi hưu Andrew Bacevich, hiện là giáo sư về Sử học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Boston có nhận xét là việc gây dựng an ninh và xây dựng một chính phủ có trách nhiệm tại Afghanistan có thể là chuyện bất khả thi và không cần thiết cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Ông Bacevich nói: "Tôi sợ rằng 3 năm nữa tính từ bây giờ, Tổng thống không thể nào đạt kết quả mà ông mong muốn và vào lúc đó, ông sẽ phải đối diện với một quyết định hoặc là kéo dài sứ mạng này và phải trả với một gía đắt hơn hoặc là ông phải công nhận thất bại với cái giá là đã tiêu tốn vài trăm tỉ đôla và chắc chắn là làm thiệt hại thêm hàng trăm sinh mạng của binh sỹ Mỹ nữa."

Cựu tư lệnh lực lượng quốc tế tại miền nam Afghanistan, Trung tướng Mart de Kruif người Hà Lan không đồng ý.

Ông cho biết: "Điều chúng ta làm tại miền nam Afghanistan chứng tỏ quan niệm này là đúng. Nếu chúng ta điều động thêm quân như chúng ta đã làm vào tháng 7 và tháng 8, chúng ta sẽ thấy kết quả mong muốn."

Ý của Tướng De Kruif là nhắc đến những tiến bộ đạt được tại nhiều nơi ở miền nam Afghanistan khi Tổng thống Obama tăng thêm quân vào đầu năm nay.

Năm 2010 sẽ xác định quan điểm nào là đúng. Tổng thống Obama dự trù duyệt lại chiến lược vào tháng 12 sang năm và các tư lệnh sẽ phải chứng tỏ với ông là họ có thể theo đúng kế hoạch rút quân vào tháng 7 năm 2011 là thời hạn chót như quy định.

Ngay cả người ủng hộ việc tăng quân như bà Kim Kagan cũng công nhận là kết quả của việc tăng quân không đảm bảo.

Bà nói: "Chúng ta cần phải nhớ là chiến tranh là một chuyện nhiều rủi ro và không có gì chắc chắn là một mức quân số nào đó có thể đảm bảo được thắng lợi."

Và các chuyên gia nhấn mạnh là ngay cả nếu chiến lược của Tổng thống chứng tỏ có kết quả trong năm 2010 thì vẫn phải cần đến trợ giúp quân sự của quốc tế trong nhiều năm nữa và sau đó phải mất nhiều năm hỗ trợ về tài chánh và viện trợ dân sự thì mới có thể hoàn toàn ổn định tình hình cho Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG