Đường dẫn truy cập

LHQ: Thương thảo về khí hậu biến đổi có tiến bộ


<!-- IMAGE -->

Bản sơ thảo chính thức của hiệp định tại hội nghị về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen loan báo rằng từ nay đến năm 2050 thế giới cần phải cắt giảm ít nhất là một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bản sơ thảo được công bố trong lúc tuần lễ đầu tiên của hội nghị kết thúc, và trong lúc giới lãnh đạo châu Âu cam kết hơn 10 tỉ đô la giúp cho những nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Từ London, Thông tín viên Selah Hennessy gửi về bài tường trình sau đây:

Lên tiếng tại Copenhagen, ông Yvo de Boer, Bí thư chấp hành bản Công ước khung về Khí hậu biến đổi, nói rằng bản sơ thảo cho thấy các cuộc thương thuyết đang tiến tới.

Ông Boer nói: “Các nhà thương thuyết đang bắt đầu hướng sự chú ý đến một tổng thể rộng lớn hơn và kết quả tối hậu của hội nghị này.”

Ông De Boer mô tả văn kiện này là một khung sườn còn cần phải thêm bớt.

Văn kiện này để ngỏ khoản tài chính cần thiết để giúp các quốc gia đang phát triển thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhưng các quốc gia châu Âu đã loan báo hôm thứ Sáu là họ sẽ đóng góp trên 10 tỉ đô la trong 3 năm tới.

Thủ tướng Anh Gordon Brown nói rằng Liên Hiệp châu Âu quyết tâm cắt giảm một lượng lớn khí thải.

Thủ tướng Anh nói: “Mục tiêu của chúng tôi là qua một thỏa thuận đầy cao vọng, Liên Hiệp châu Âu cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải từ nay đến năm 2020. Thỏa thuận này phải bao gồm một hiệp định khung về tài chính trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nữa.”

Bản sơ thảo hiệp định khung cũng để ngỏ, không đưa ra con số chắc chắn, về việc phải giới hạn tình trạng nóng ấm toàn cầu bao nhiêu độ.

Một số các quần đảo nhỏ và nước nghèo đòi phải giới hạn tình trạng tăng nhiệt ở mức 1,5 độ bách phân mà thôi, thấp hơn con số 2 độ bách phân mà các nền kinh tế lớn đang phát triển chấp thuận vào tháng 7.

Nhưng bản sơ thảo hiệp định đòi các quốc gia đã phát triển cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 25% từ nay đến năm 2020 so với mức năm 1990, và ít nhất 50% tính cho đến năm 2050.

Các loại khí gây hiệu ứng nhà kính là phó sản của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo các khoa học gia thì những loại khí thải này làm tăng nhiệt địa cầu và gây rối loạn cho hệ thống khí hậu toàn cầu.

Khoa học gia Stephan Harrison thuộc đại học Exeter cho hay mục tiêu cắt giảm 50% là một bước tiến đúng hướng, nhưng theo ông, mức cắt giảm như vậy chưa đủ để giữ cho nhiệt độ không tăng ở mức dưới 2 độ bách phân.

Ông Harrison nói: “Người ta đã nói là mức cắt giảm 80% có lẽ là đòi hỏi tối thiểu để giữ cho nhiệt độ không tăng đến 2 độ, vì thế rõ ràng 50% sẽ không đủ.”

Ông nói rằng Hoa Kỳ cần phải giữ vai trò hàng đầu trong việc cắt giảm khí thải.

Ông Harrison nói: “Nước Mỹ có ảnh hưởng lớn, có sức mạnh lớn về mặt chính trị, vì thế những gì mà nước Mỹ quyết định làm chắc chắn sẽ tạo được ảnh hưởng rất mạnh.”

Tính cho đến nay Hoa Kỳ vẫn từ chối không chịu ký vào thỏa thuận có tính cách cưỡng chế về mặt luật pháp để hạ thấp mức khí thải

Lên tiếng từ hội nghị Copenhagen, bà Grace Amuku, cố vấn về tình trạng biến đổi khí hậu cho chính phủ Kenya, nói rằng Hoa Kỳ cần phải làm nhiều hơn nữa để cho thích hợp với mức cam kết của Liên Hiệp châu Âu ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Bà Amuku nói: “Hoa Kỳ cũng cần phải làm như những quốc gia phát triển khác, những nước đã đề nghị các chỉ tiêu và khung thời gian cho việc cắt giảm lượng khí thải. Nếu Hoa Kỳ làm như vậy, Liên Hiệp châu Âu sẽ không cảm thấy bị dồn vào chân tường, bởi vì giờ đây Liên Hiệp châu Âu đang đưa vai gánh vác một mình, và Hoa Kỳ, nước thải khí nhiều nhất, lại đứng ngoài nghị định thư Kyoto.”

Hội nghị Copenhagen sẽ tiếp diễn cho đến ngày 18 tháng 12. Vào đầu tuần tới, các Bộ trưởng sẽ đến thủ đô Đan Mạch để tham gia hội nghị.

Các nguyên thủ quốc gia, kể cả Tổng thống Barack Obama, theo dự kiến sẽ đến tham dự vào cuối tuần.

Mục tiêu là đạt tới một hiệp định toàn cầu để đối phó với tình trạng khí hậu biến đổi. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào năm 2013.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG