Trong một nỗ lực cải thiện các tiện nghi của thành phố Seoul để dễ dàng và tiện dụng hơn cho phụ nữ, chính quyền thành phố này đã thiết lập hàng nghìn bãi đỗ xe dành riêng cho họ. Nhưng một số người phản đối cho rằng dự án này chỉ mang lại những sự thay đổi giả tạo và không thực sự biến thành phố này trở nên an toàn hay tiện lợi hơn với bất kỳ ai. Từ Seoul, thông tín viên Jason Strother ghi nhận trong bài phóng sự sau.
Giống như phần lớn các thành phố hiện đại khác, giao thông ở trung tâm Seoul luôn đông đúc trong khi khu đậu xe thì hiếm hoi. Và đó là lý do Seo Yoon Jung nói cô không muốn lái xe ở đây.
Cô cho biết: "Tôi chưa khi nào lái xe tới khu vực Tòa thị chính ở trung tâm thành phố. Chưa khi nào vì ở đó không có bãi đỗ xe."
Thành phố Seoul đang nỗ lực giải quyết vấn đề đó cho Seo và những người phụ nữ khác.
Chính quyền thành phố đã thiết lập hàng chục nghìn nơi gọi là điểm đỗ xe màu hồng dành riêng cho phụ nữ. Những điểm đỗ này thường nằm ở gần cổng của hầu hết các khu công viên công cộng và các tòa nhà.
Tại cửa khu đỗ xe gần Tòa thị chính, Seo nhận vé từ một máy tự động, rồi sau đó xe của cô được phép đi vào. Ngay lập tức cô nhìn thấy một biển hiệu.
Cô Seo nói: "Ồ, biển hiệu nói rằng Yeoseo Im bu, tức phụ nữ đỗ xe trước."
Ngay sau đó cô tìm thấy một điểm đỗ có đường kẻ màu hồng, và một hình người khẳng khiu mặc váy vẽ trên hè đường. Cô Seo tiến xe vào.
Luật không cho phép nam giới đỗ ở những khu vực như thế này. Không giống với những nơi dành riêng cho những người lái xe khuyết tật, những người lái xe nam giới có thể đỗ tại những nơi này nếu không còn chỗ đậu xe.
Nhưng ở Nam Triều Tiên, có một cảm giác rằng phụ nữ không phải là những người lái xe giỏi. Và họ cần phải hỗ trợ thêm khi đỗ xe.
Cô Seo nói tiếp: "Thực tế, tôi nghĩ rằng điểm đỗ này rộng hơn. Nếu chỉ nhìn không thì không thấy gì, nhưng khi thực sự đỗ xe tại đây, xét về khoảng cách giữa hai xe, tôi nghĩ điểm đỗ này rộng hơn và dễ dàng hơn."
Các điểm đỗ màu hồng không phải là những thay đổi duy nhất mà Seoul đang thực hiện vì phụ nữ.
Khắp nơi trên thành phố, những lối đi cũ kỹ và không bằng phẳng được thay thế bằng gạch lát phẳng để giúp phụ nữ đi giầy cao gót di chuyển dễ dàng hơn. Và tại các ga tàu điện ngầm, các nhà vệ sinh dành cho nữ giới đang được xây dựng gần các đồn cảnh sát hơn. Tất cả là một phần của chương trình có tên gọi Thành phố Thân thiện với Phụ nữ của Seoul, bắt đầu năm nay.
Cho Eun Hee là trợ lý thị trưởng phụ trách về các vấn đề phụ nữ và gia đình.
Cô nói: “Seoul tiến hành những sự thay đổi đối với các lối đi và nhà vệ sinh dành cho phụ nữ vì thành phố quan tâm tới sự thoải mái của phụ nữ ở đây. Những dự án đó đang cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ và giúp biển đổi thành phố trở nên thuận tiện hơn. Nhưng các điểm đỗ xe màu hồng nhận được nhiều sự chú ý nhất. Seoul cũng thiết lập thêm các trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày cho các bà mẹ phải làm việc và đưa thêm các nữ tài xế taxi làm việc muộn ban đêm hơn.”
Nhưng những người chỉ trích nói rằng chương trình Thành phố Thân thiện với Phụ nữ chỉ càng củng cố những hình ảnh khuôn mẫu của phụ nữ.
Kim Eun Shil giảng dạy môn nghiên cứu phụ nữ tại Đại học Phụ nữ Ewha ở Seoul.
Bà Kim cho biết: "Nhiều phụ nữ không thể đi giầy cao gót tại nơi làm việc. Tôi nghĩ chương trình này nên mở rộng phạm vi hình ảnh của phụ nữ hay nới rộng khuôn mẫu phụ nữ, nhưng họ thực sự đang phối hợp hình ảnh truyền thống hoặc thương mại của người phụ nữ."
Bà Kim nói rằng cho dù đã có nhiều sự tiến bộ về sự công bằng đối với phụ nữ trong những năm gần đây, vẫn còn có những quan ngại chưa được chính phủ giải quyết một cách hiệu quả.
Bà nói tiếp: "Nhưng thực sự ngày nay, tình trạng bạo lực tình dục, hay bản thân bạo lực không được nghiêm túc xem xét về mặt chính trị. Kinh tế đã lấn át tất cả các vấn đề xã hội ở Nam Triều Tiên. Ai ai cũng nói rằng có một việc làm quan trọng hơn là lo lắng chuyện bạo lực."
Bà Kim nói rằng chương trình Thành phố Thân thiện với Phụ nữ của Seoul, cho dù có mục tiêu tốt đẹp, sẽ không thể tiến xa để giải quyết những vấn đề như vậy.