Những cộng đồng thiểu số tại Miến Điện cho biết là việc khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đang hủy hoại môi trường và làm gia tăng sự có mặt của quân đội tại khu vực của người sắc tộc. Theo như tường trình của Thông Tín Viên Ron Corben của Đài VOA tại Bangkok, các nhà hoạt động cho rằng sự tham gia đông đảo của quần chúng rất cần thiết cho tiến trình phát triển và đảm bảo lợi ích của cộng đồng.
Tổ chức Bảo vệ Môi trường Miến Điện cho biết là những chính sách phát triển của chính phủ và những nỗ lực để khai thác tài nguyên thiên nhiên đã phá hủy nhà cửa của hàng ngàn người tại vùng biên giới và tạo thêm đói kém cho những nhóm dân thiểu số.
Hôm thứ Năm, tổ chức Môi trường Miến Điện công bố một bản phúc trình cho biết là có nhiều binh sĩ hiện diện tại khu vực của người thiểu số và tình trạng hủy hoại môi trường đang lan rộng.
Tổ chức này gồm có những đại diện của cộng đồng người sắc tộc Kachin, Karen, Lahu và Shan tại Miến Điện. Hầu hết những cộng đồng này sống tại vùng biên giới Miến Điện.
Ông Saw Paul Sein Twa là giám đốc của Mạng lưới Môi trường Karen và Hoạt động Xã hội cho biết là những dự án phát triển đã khiến cho nửa triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì môi trường sinh sống của họ bị hủy diệt. Hàng ngàn người phải chạy sang Thái Lan.
Ông Sein Twa nói: “Do đó đường lối của chính phủ quân nhân là đẩy chúng tôi vào tình cảnh phải đối phó với vấn đề môi trường, dẫn đến khủng hoảng và đặt ra ngoài lề xã hội những người sắc tộc như chúng tôi, phần lớn sống tại khu vực nông thôn. Bạn có thể thấy là nhiều người sắc tộc phải sống tại các trại tị nạn và như tôi đã nói hơn 8000 người trong một vùng đang đối đầu với nạn đói.”
Bản phúc trình cáo buộc quân đội Miến Điện, trong lúc bảo vệ những dự án kinh tế, đã vi phạm nhân quyền của những cộng đồng địa phương gồm cả việc đánh đập, giết chóc, bạo hành về tình dục.
Tổ chức này cũng như các tổ chức nhân quyền khác kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngưng việc đầu tư vào các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi bờ biển Miến Điện và chấm dứt một số dự án xây dựng đập thủy điện.
Ông Saw Paul Sein Twa nói là tổ chức của ông, nói chung, không phản đối những dự án phát triển nhưng công chúng phải được tham khảo về những dự án này trước khi được thực hiện.
Ông nói: “Câu hỏi căn bản là phát triển cho ai. Điều này cần phải được nêu lên. Người dân địa phương phải được hưởng lợi từ bất cứ dự án phát triển nào và điều thứ hai là phải đảm bảo có sự tham dự của người dân vào tiến trình của các dự án phát triển. Trước khi bắt đầu một dự án ảnh hưởng đến môi trường thì cần phải nêu lên những ảnh hưởng này.”
Bản phúc trình cho biết thêm là chừng nào Miến Điện vẫn còn dưới sự cai trị của quân đội và cộng đồng không thể tham dự vào tiến trình đưa ra quyết định thì việc gia tăng các dự án phát triển vùng biên giới sẽ chỉ làm tăng thêm sự hủy hoại môi trường và dẫn đến sự phát triển không bền vững và thiếu cân bằng.