Đường dẫn truy cập

Xa Cách


Chúng ta có từ “chia ly” nhưng cũng có từ “kết hợp”.

Thế cho nên có sao đâu nếu chúng ta biết yêu nhau với tất cả tấm lòng, như một người ở cách xa một người mà vẫn thương vẫn nhớ nhau…

Lịch sử của chúng ta bắt đầu bằng một huyền thoại.

Huyền thoại bắt đầu bằng một cuộc chia lìa:

Năm mươi con theo mẹ lên núi.
Năm mươi con theo cha xuống biển.


Rồi hình ảnh nàng Tô Thị ôm con đứng đợi chồng, hóa đá trên đầu non, không chỉ tượng trưng cho lòng chung thủy của một người đàn bà “mang mệnh biệt ly”, mà hình như, còn là tin báo cho người sau biết rằng, nếu có phải tiếp tục cuộc đợi chờ thì cũng chỉ là quay lại lúc ban đầu.

Định mệnh của chúng ta là như vậy.

Một ngày rời xa tháng năm
Xa ta bằng một ngày xanh
(Nguyễn Đình Toàn)

Vâng đúng như vậy! Một ngày qua trong đời chẳng có bao nhiêu ý nghĩa đối với chúng ta, nhưng nếu nghĩ rằng: chúng ta vừa mất thêm đi một ngày xanh quả là điều vừa đáng tiếc và đáng sợ nữa.

Ta còn lại bao nhiêu ngày được gọi là ngày xanh nữa đây? Và, dù có tiếc đến đâu chăng nữa, làm sao chúng ta có thể giữ lại được dù chỉ có một ngày trong số những ngày sắp mất hết đó?

Một nhà thơ đã gọi thân xác là “bình thịt xương để chứa đựng linh hồn”. Người khác còn thấy sự xa cách giữa hai người, giữa hai người tình, giữa hai người yêu nhau, còn dễ sợ hơn nữa :

Dẫu tin tưởng chung một đời, một mộng
Em là em, anh vẫn cứ là anh
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật


Như thế thì… có vẻ như con người sinh ra đời đã mang sẵn sự chia ly giữa người này và người khác.

Thịt xương là biên giới.

Điều ấy là sự thật hay là người ta đã bi thảm hóa cuộc đời?

Bởi vì cũng có nhiều người nhìn sự việc một cách khác hẳn.

Có thể không còn đi chung một con đường...
Có thể không còn bên nhau sẻ chia bất cứ lúc nào...
Có thể không còn tựa vai nhau khi buồn...
Có thể không còn siết chặt tay nhau trên đường đời...
Có thể không còn chung một tương lai, mơ về một mái ấm...
Nhưng điều ấy không có nghĩa là, Không:
Lo lắng cho nhau
Quan tâm nhau
Giúp đỡ nhau


Người ta đã tìm ra trong sự xa cách những ý nghĩa khác hẳn. Chẳng hạn như: chính vì đứng cách xa nhau mà những cây cột đã chống đỡ được ngôi đền. Như: chính vì ở cách xa nhau mà những giây đàn đã làm nên hợp âm.

Chúng ta có từ “chia ly” nhưng cũng có từ “kết hợp”.

Thế cho nên có sao đâu nếu chúng ta biết yêu nhau với tất cả tấm lòng, như một người ở cách xa một người mà vẫn thương vẫn nhớ nhau...

Ngọn lửa nhỏ bé yếu ớt có thể dễ dàng bị gió dập tắt, nhưng nếu đó là ngọn lửa đủ sức mạnh thì gió sẽ thổi bùng lên, làm cho nó thêm rực cháy, nồng nhiệt hơn dù hai người ở cách xa nhau...

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG