Đường dẫn truy cập

Nghĩ về viết lách: Nạn nhai lại


Trong giới trí thức, có hai thành phần hay nhai lại nhất: các nhà giáo và những người cầm bút.

Các nhà giáo nhai lại, đã đành. Vì nghề mà cũng vì nghiệp: nhiệm vụ của họ là truyền bá những kiến thức phổ thông, làm những cái gạch nối nho nhỏ giữa các thế hệ để bảo đảm tính liên tục của văn hoá.

Còn những người cầm bút, tức những nhà sáng tạo, những kẻ có lúc tự xưng là những thượng đế con con, oái oăm thay, cũng thường xuyên nhai lại. Nhai lại những kiến thức cũ. Nhai lại những cách suy nghĩ và những cách cảm xúc cũ. Nhai lại những sáo ngữ xác xơ của thời đại.

Và, như là một quy luật, bất cứ cái gì bị nhai lại nhiều lần đều bị biến thành cỏ. Một thứ văn-chương-cỏ.

Ở đâu và thời nào cũng có nạn nhai lại và cũng có loại văn-chương-cỏ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, thành thực mà nói, việc nhai lại có phần hơi... phổ biến, lại chưa bao giờ bị phê phán đúng mức, và do đó, văn-chương-cỏ có phần hơi hơi... được mùa. Cỏ non xanh rợn chân trời.

Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do nước chúng ta chậm phát triển, cuộc sống lờ đờ đứng yên, có khi suốt cả hàng mấy chục năm, tức gần cả đời người, không có sự thay đổi gì đáng kể. Sự thay đổi, nếu có, thường gắn liền với ngoại xâm, với chiến tranh, với các biến cố chính trị, nghĩa là với những tai hoạ. Mỗi sự thay đổi mới lại kéo theo một sự bất hạnh mới. Hầu như luôn luôn như thế.

Vì thế, người Việt Nam không những không quen với sự thay đổi mà còn kinh hãi tất cả những sự thay đổi. Ngay cả những sự thay đổi nhỏ nhoi và vô hại như những sự thay đổi trong kiểu cắt tóc, trong kích thước của ống quần hay trong cách viết văn và làm thơ cũng có thể khiến nhiều người hoang mang run sợ hay phẫn nộ như khi đối diện với một cuộc bạo loạn.

Trong khung cảnh tinh thần như thế, những người hô hào hay thực hiện việc đổi mới, dưới mắt xã hội, trở thành những kẻ khả nghi về đức hạnh.

Cũng trong khung cảnh tinh thần như thế, tập thể và truyền thống là chỗ trú ẩn an toàn cho mọi người. Và khi tập thể và truyền thống là chỗ trú ẩn thì tính bầy đàn và thói trọng hương ước sẽ là đặc điểm nổi bật nhất trong đời sống tinh thần, khiến cho câu thơ của Chế Lan Viên, một câu thơ, thoạt đầu, chỉ nhằm minh hoạ cho tinh thần tập thể dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, lại trở thành một sự miêu tả chính xác lạ lùng tâm lý của phần đông giới cầm bút mọi thời: "Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG