Đường dẫn truy cập

'Mỹ không nên nới lỏng các biện pháp chế tài Miến Ðiện'


Một người phát ngôn cho chính phủ lưu vong Miến Điện đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chớ nên vội vã nới lỏng các biện pháp chế tài đối với chính phủ quân nhân Miến Điện. Chính phủ lưu vong và các tổ chức nhân quyền ủng hộ việc Hoa Kỳ giao tiếp với Miến Điện, nhưng họ cũng muốn đòi làm áp lực để Miến Điện phải thay đổi. Từ Bangkok, thông tín viên đài VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Một người phát ngôn của Chính phủ Liên minh toàn quốc Đoàn kết Miến Điện, ông Zin Linn, nói rằng các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ phải tiếp tục cho đến khi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được phóng thích và giới cầm quyền Miến Điện đồng ý đàm phán với phe đối lập.

Ông Linn nói: “Tất cả các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu sẽ gây thiệt hại cho tập đoàn quân nhân cầm quyền, các tướng lãnh và đồng bọn của họ thôi, chứ không có hại cho người dân bình thường, bởi vì tất cả công cuộc kinh doanh kinh tế, tất cả các công nghiệp lớn đều nằm trong tay các tướng lãnh và thân nhân của họ. Không có ai, không có người dân thường nào có cơ hội hay quyền được tham gia vào các khu vực kinh tế.”

Ông Zin Linn đáp lại lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Jim Webb đề nghị giảm bớt các biện pháp chế tài và giao tiếp nhiều hơn với giới cầm quyền ở Miến Điện.

Trong một bài xã luận đăng tải tuần này trên báo New York Times, ông Webb nói rằng các biện pháp chế tài chỉ làm cho các tướng lãnh Miến Điện siết chặt quyền lực hơn và cô lập đất nước.

Ông Benjamin Zawacki, một nhà nghiên cứu về Miến Điện của Hội Ân xá Quốc tế, nói rằng cô lập hóa một chính phủ quân nhân quá sẵn sàng tự cô lập là phản tác dụng. Ông nói rằng việc giao tiếp với khu vực này là phương sách duy nhất có thể đem lại thay đổi.

Ông Zawaki nhận xét: “Giao tiếp nhiều hơn và làm áp lực nhiều hơn không phải là các chính sách hay chiến thuật đặc biệt hỗ tương. Và vì thế cần phải có thêm cả hai.”

Ông Zin Linn nói ông đồng ý rằng các biện pháp chế tài đã không đem lại thay đổi. Nhưng ông cho rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục làm áp lực với giới cầm quyền Miến Điện phải phóng thích bà Aung San Suu Kyi và các nhân vật chính trị quan trọng khác nếu họ muốn thấy có dân chủ trong nước.

Trước đây trong tháng này, Thượng nghị sĩ Webb đã trở thành chính trị gia cấp cao nhất đến thăm Miến Điện từ một thập niên.

Ông đã gặp người đứng đầu quân đội thường ẩn mặt là ông Than Shwe, và lãnh tụ đối lập, bà Aung San Suu Kyi. Ông Webb cũng đã vận động việc phóng thích người đàn ông Mỹ là ông John Yettaw đã bị kết án 7 năm lao cải vì đã đến thăm bà Aung San Suu Kyi mà không được phép.

Chính phủ quân nhân Miến Điện đã gia hạn lệnh quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi thêm18 tháng về tội cho phép vị khách không mời này ở lại nhà bà trong 2 ngày.

Quân đội đã quản thúc bà Aung San Suu Kyi 14 năm trong thời gian 20 năm qua, khơi ra lời lên án của nhiều người trong cộng đồng quốc tế, kể cả Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ mà bà Aung San Suu Kyi là người lãnh đạo, đã thắng trong cuộc bầu cử kỳ trước ở Miến Điện vào năm 1990, nhưng không hề được phép lên nắm quyền. Nhiều người được bầu lên đã buộc phải trốn khỏi nước và họ đã thành lập một chính phủ lưu vong.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG