Đường dẫn truy cập

TQ mở cuộc trấn áp trước kỷ niệm 60 năm lập nước CHND Trung Hoa


Trong thời gian gần đây một số nhà trí thức Trung Quốc đã đề nghị chính phủ tiến hành một cuộc đại xá cho tù nhân để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc chẳng những sẽ không chấp nhận đề nghị vừa kể mà từ nay tới ngày 1 tháng 10 họ sẽ còn gia tăng trấn áp những người bất đồng chính kiến. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Tường thuật hôm thứ hai (ngày 3 tháng 8), của nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông, cho biết một số trí thức Trung Quốc đã đề nghị chính phủ đại xá cho tù nhân nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa.

Bài viết của biên tập viên Vương Hướng Vĩ nói rằng giới hữu trách nên noi theo truyền thống “phùng giáp đại xá” - tiến hành đại xá cho tù nhân khi nhà vua được 60 tuổi hoặc vương triều thành lập được 60 năm, để hiển thị đức độ của người cầm quyền. Theo ông Vương Hướng Vĩ, đặc xá cho phạm nhân sẽ có ích cho việc xây dựng một xã hội hài hòa mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ra sức cổ xướng và sẽ giúp cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông nói thêm rằng vì giới hữu trách Trung Quốc lâu nay thường dựa vào những luật lệ về tội phạm hình sự để giam cầm những người bất đồng chính kiến nên việc đặc xá cũng là một cơ hội tốt để tiến hành hòa giải dân tộc.

Khi được hỏi về đề nghị này, một nhà luật học nổi tiếng của Trung Quốc, ông Vu Hạo Thành, cho biết ý kiến như sau.

Ông Thành nói: "Tôi nghĩ rằng họ nên làm như vậy. Tuy nhiên tôi không hề mơ tưởng gì về việc này. Đề nghị của ông Vương là đề nghị tốt. Nhưng theo sự quan sát của tôi thì điều đó có lẽ sẽ không được thực hiện. Họ sẽ không làm như vậy. Mà ngược lại, họ sẽ còn đàn áp thêm nữa. Việc họ bắt giam và truy tố nhà văn Lưu Hiểu Ba là bằng chứng của xu thế đàn áp hiện nay."

Ông Lưu Hiểu Ba là người soạn thảo Hiến Chương 08, một tuyên cáo được công bố hồi cuối năm 2008 và có sự tham gia đông đảo của trí thức văn nghệ sĩ Trung Quốc, để thúc giục giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải tiến hành cải cách thể chế chính trị. Ông đang bị giam và chờ ngày ra tòa về tội gọi là “âm mưu lật đổ chính quyền.”

Bà Vương Tống Liên, một nhà nghiên cứu thuộc Mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders), tán đồng nhận xét của giáo sư Vu Hạo Thành.

Bà Liên nói: "Những vụ rối loạn ở Tân Cương có lẽ đã có ảnh hưởng tới mức độ lo lắng của nhà chức trách, trong lúc ngày kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đang tới gần. Và vì vậy mà nhà chức trách mới đây đã có hành động hung hãn hơn đối với những tổ chức này. Chúng tôi e rằng những tổ chức khác – những tổ chức cổ xúy cho nhân quyền và dân quyền, và những nhân vật bảo vệ nhân quyền nói chung sẽ bị bách hại nhiều hơn trong thời gian sắp tới."

Bà Vương Tống Liên cho biết như thế không lâu sau khi một luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc là ông Hứa Chí Vĩnh bị cảnh sát ở Bắc kinh bắt giam hôm 29 tháng 7. Vị tiến sĩ luật học, năm nay 36 tuổi, là người sáng lập tổ chức phi chính phủ có tên là Công Minh (Open Constitution Initiative), chuyên tranh đấu cho quyền lợi của những người nghèo. Ngoài ra ông cũng tham gia việc thành lập một tổ chức có tên Ích Nhân Bình để chống nạn kỳ thị đối với những bệnh nhân viêm gan B. Tổ chức này cũng bị nhà chức trách ra lệnh đóng cửa hồi trung tuần tháng 7.

Khi được hỏi về những diễn tiến này, nhà dân chủ Đằng Báo, người cùng với ông Hứa Chí Vĩnh thành lập tổ chức Công Minh, cho biết như sau.

Ông Ðằng Báo cho biết: "Trong thời gian gần đây nhiều tổ chức, như “Công Minh” và “Ích Nhân Bình”, đã gặp phải sự trấn áp của nhà chức trách. Ngoài ra, nhiều luật sư nhân quyền đã không được phép gia hạn giấy phép hoạt động và nhiều luật sư bị rút giấy phép hành nghề. Tình hình hiện nay nói chung là không lạc quan, và có thể nói là khá căng thẳng."

Ông Đằng Báo cũng khẳng định rằng những gì mà chính phủ ở Bắc kinh đang làm là bách hại chính trị.

Ông Ðằng Báo nói: "Chúng tôi không có cách gì để suy đoán. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng những gì mà chúng tôi làm, những gì mà luật sư Hứa Chí Vĩnh làm, đều là dựa trên pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người dân. Những việc làm này đều là những việc hợp pháp."

Ông Giang Thiên Dũng ở Bắc kinh là một trong những luật sư nhân quyền bị nhà chức trách thu hồi giấy phép hành nghề trong thời gian gần đây. Ông nói rằng những hành động trấn áp của nhà cầm quyền đã bắt đầu từ năm 2009, là năm mà Trung Quốc có nhiều ngày kỷ niệm quan trọng, bao gồm kỷ niệm 20 năm vụ thảm sát Thiên An Môn và 50 năm cuộc khởi nghĩa bất thành ở Tây Tạng.

Luật sư Giang cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA: "Từ đầu năm 09 tới nay, những người hoạt động trong lãnh vực nhân quyền - bất luận là luật sư nhân quyền, tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho nhân quyền, những nhân vật bảo vệ quyền lợi của dân chúng, hay những người thúc đẩy cho Trung Quốc tiến tới một xã hội pháp trị, thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội dân sự, tất cả đều gặp khó khăn."

Đứng trước diễn tiến đáng lo ngại này, những người hoạt động cho việc xây dựng xã hội dân sự ở Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ bất bình. Ông Vương Diên Hải là người sáng lập tổ chức Ái Tri Hành, chuyên bênh vực cho quyền lợi của những người mắc bệnh AIDS. Ông nói rằng các giới chức Đảng Cộng Sản Trung Quốc nên học hỏi tinh thần phục vụ dân chúng của các tổ chức thiện nguyện thay vì đàn áp những tổ chức này.

Ông Hải nói: "Các tổ chức phi chính phủ đã tạo được nhiều ảnh hưởng ở Trung Quốc. Điều này cho thấy xã hội cần tới những tổ chức này, người dân cần tới những tổ chức này, và trào lưu này là không có gì có thể ngăn cản được. Nhưng chính quyền lại có nhiều sự sợ hãi. Họ không muốn thấy xu thế phát triển độc lập của xã hội dân sự. Hiện giờ tôi không rõ là những hành động trấn áp của chính phủ là phát sinh từ một chính sách trường kỳ, hay là một hành động đoản kỳ, hay chỉ là một hành động ngẫu hứng của một số bộ ngành nào đó trong chính phủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chính phủ nên học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ và noi gương phục vụ dân chúng của các tổ chức này."

Thưa quí vị, phát biểu vừa rồi của ông Vương Diên Hải đã kết thúc tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này, đề cập tới việc nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp các nhân vật tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trước kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG