Đường dẫn truy cập

Cái chết của Sun Danyong và chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ ở TQ


Sun Danyong– một kỹ sư của tập đoàn Foxconn- đã nhảy lầu tự tử hồi cuối tuần trước (16 tháng 7, 2009). Lý do là anh này đã làm mất một sản phẩm mẫu của Iphone 4G- sản phẩm do Apple thiết kế và đặt hàng cho Foxconn sản xuất (Foxconn là một công ty của Trung Quốc). Iphone 4G là đời kế tiếp của dòng điện thoại nổi tiếng Iphone. Sản phẩm này hiện vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và thử nghiệm.

Theo tin của báo chí, Sun có nhiệm vụ đưa 16 máy Iphone 4G tới giao cho Apple. Khi phát hiện bị mất một mẫu vật, Sun đã báo cáo lại cho Foxconn. Ngay sau đó, Sun bị nhân viên của công ty này bắt giữ, tra tấn trong nhiều ngày và cuối cùng đã phải nhảy lầu tự tử.

Đằng sau cái chết của Sun là một bức tranh phức tạp về tình trạng đánh cắp bản quyền vốn rất phổ biến ở Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, nước này luôn nằm trong danh sách các quốc gia có tệ ăn cắp bản quyền và vi phạm sở hữu trí tuệ nghiêm trọng nhất thế giới. Nếu như phải xếp hạng các nước vi phạm bản quyền nhiều nhất thì có lẽ Trung Quốc sẽ đứng đầu.

Lý do là Trung Quốc hiện đang trở thành công xưởng của cả thế giới. Việc các công ty như Apple phải đặt nhà máy ở Trung Quốc hoặc phải ký hợp đồng thuê các hãng của Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm như Iphone đã tạo điều kiện cho người Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm sở hữu trí tuệ này.

Thêm vào đó, mặc dù Trung Quốc có hệ thống luật về sở hữu trí tuệ và cũng có các cơ quan có trách nhiệm sử lý vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson thì các cơ quan này làm việc không hiệu quả và các quan chức chính quyền nhiều khi cũng ủng hộ việc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ vì sự nghiệp chính trị của họ được đánh giá dựa trên kết quả kinh doanh nơi họ quản lý.

Vi phạm sở hữu trí tuệ (violation of intellectual property right) được hiểu là việc tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm có bản quyền (băng, đĩa nhạc, phần mềm máy tính...) hoặc sản xuất ra các sản phẩm dựa trên các công nghệ đã được người khác đăng ký bản quyền. Có sự khác biệt nhất định giữa hai hình thức vi phạm này. Tạm gọi hình thức đầu là đánh cắp sản phẩm số có bản quyền và hình thức sau là đánh cắp công nghệ có bản quyền.

Trong một số trường hợp thì việc đánh cắp sản phẩm số có bản quyền được giải thích bằng lý do giá thành sản phẩm quá tốn kém. Thí dụ nếu giá bán các sản phẩm công nghệ của Mỹ ở Việt Nam hay ở Trung Quốc cũng tương tự giá bán ở Mỹ hay Tây Âu thì phần lớn người dân có thu nhập bình thường ở các nước này không có điều kiện để mua.

Tương tự như vậy, các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển cũng khó có thể gánh được các khoản chi phí lớn phải trả cho các sản phẩm có bản quyền, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cách đây không lâu, một quan chức ngân hàng ở Việt Nam phát biểu trên VTV4 rằng doanh nghiệp không muốn sử dụng các sản phẩm phầm mềm bị đánh cắp nhưng vì lý do chi phí họ vẫn phải làm.

Việc đánh cắp sản phẩm số có bản quyền vì thế ít nhiều cũng có chút lý do chính đáng. Bên cạnh đó thì cũng có một số lý thuyết kinh tế cũng bênh vực hình thức này. Trong một nghiên cứu gần đây, Peitz và Waelbroeck đã nêu ra một số lý do biện minh cho việc đánh cắp sản phẩm có bản quyền. Lý do chính, theo Peitz và Waelbroeck, là phần nhiều những người đánh cắp sản phẩm có bản quyền đằng nào cũng không sử dụng các sản phẩm này nếu như họ buộc phải trả tiền. Vì thế, tổn thất trực tiếp về doanh thu đối với các hãng như Microsoft có thể không lớn.

Trong khi đó thì các hãng này lại được hưởng lợi từ sự phổ cập các sản phẩm của họ thông qua kênh phân phối các sản phẩm bị đánh cắp. Đối với một số sản phẩm như của Microsoft thì sản phẩm càng được phổ cập rộng rãi thì giá trị của sản phẩm càng lớn đối với người tiêu dùng. Các sản phẩm này được gọi là có “hiệu ứng mạng” (network effects). Vì tác dụng của hiệu ứng này, lợi ích từ việc phổ cập sản phẩm có thể còn lớn hơn thiệt hại trực tiếp từ việc suy giảm doanh thu.

Không có biện minh nào cho việc đánh cắp công nghệ có bản quyền. Những người đánh cắp công nghệ có bản quyền thực hiện việc này để sản xuất và bán các sản phẩm nhái với giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm “thứ thiệt”. Với những sản phẩm như Iphone thì giá thành sản xuất ở nhà máy chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong giá bán. Vì thế, một máy điện thoại nhái Iphone bán với giá chỉ bằng một phần ba giá Iphone thứ thiệt nhưng vẫn đem lại siêu lợi nhuận cho những kẻ ăn cắp công nghệ.

Cái chết của Sun Danyong có lẽ liên quan đến vấn đề đánh cắp công nghệ này. Việc lấy được sản phẩm mẫu của Apple trước khi Iphone 4G có mặt trên thị trường sẽ giúp những kẻ ăn cắp có thể sản xuất và chào bán sản phẩm này ngay khi nó được Apple giới thiệu trên thị trường.

Những kẻ cắp này hiện vẫn đang sử dụng các trang bán hàng như Ebay để kiếm lời hàng ngày thông qua việc bán các sản phẩm công nghệ bị đánh cắp. Theo một nghĩa nào đó, bọn này đang kiếm lời trên cái chết của những người như Sun và trên sự mất mát của các công ty trung thực như Apple.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG