Đường dẫn truy cập

BS David Ores: Tấm gương sáng về chăm sóc sức khỏe bệnh nhân


Hàng chục triệu người Mỹ hiện không có bảo hiểm y tế. Sửa đổi tình trạng này là một công việc thiên nan vạn nan và cần đến một quyết tâm và một chương trình vô cùng to lớn của chính phủ thì may ra mới có thể vượt qua được khó khăn này. Bất bình với tình trạng như vậy, một bác sĩ tại thành phố New York đã tự đứng ra chữa trị cho dân chúng trong khu vực mà không qua các hệ thống bảo hiểm y tế, khác với điều mà hầu như tất cả các bác sĩ tại Hoa Kỳ vẫn phải làm. Mời quí vị nghe ý kiến của bác sĩ David Ores trong Câu Chuyện Nước Mỹ do Lan Phương phụ trách.

'Lương y như từ mẫu' một câu nói tự ngàn xưa để ca ngợi lương tâm của người thầy thuốc trong việc chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Cách đây khoảng 50 năm trở về trước, người thầy thuốc tại Hoa Kỳ có mối tương quan mật thiết hơn với bệnh nhân, và không có những hệ thống, những công ty bảo hiểm xen vào giữa. Y phí không tăng vọt đến mức độ khủng khiếp như ngày nay. Vào thời hiện đại ở nước Mỹ, lề lối hành nghề y khoa đã khác xưa rất nhiều.

Ngoài hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính phủ dành cho người nghèo và những người từ 65 tuổi trở lên, những người khác dù chỉ có thu nhập hơn mức nghèo khó chút đỉnh đều phải tự mua bảo hiểm y tế. Nếu trong công ty mà họ làm việc cung cấp bảo hiểm y tế thì còn may, tuy rằng cũng rất đắt, bằng không thì họ phải bỏ tiền ra mua, và với cái giá quá cao, nhiều người đành chịu thua và phó thác cho trời. Nếu chẳng may phải vào bệnh viện chữa trị thì y phí có khi trở thành một món nợ mà người có lợi tức thấp trả cả đời vẫn chưa hết! Còn về phần các bác sĩ, khi làm việc cho các công ty bảo hiểm y tế, họ không có nhiều thời giờ với bệnh nhân và mối liên hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở thành một liên hệ rất máy móc.

Bất bình với tình trạng này, bác sĩ David Ores hành nghề tại thành phố New York, đã đứng ra tự làm một cuộc cách mạng cho chính ông để giúp các bệnh nhân trong khu vực ông sinh sống. Ông đã thành lập một tổ chức nhỏ giúp cho nhân viên các nhà hàng ăn được chăm sóc sức khỏe mỗi khi ốm đau mà không phải trả y phí như khi họ đến một phòng mạch bác sĩ khác.

Tổ chức này có tên là Restaurant Workers’ Health Care Cooperative,Hợp Tác Xã Y Tế của Nhân Viên Nhà Hàng Ăn. Hợp tác xã này trực tiếp theo dõi sức khỏe miễn phí cho nhân viên của 15 nhà hàng ăn trong khu phố, như chích ngừa cúm, thử lao và những thử nghiệm tiêu chuẩn khác của bộ Y tế, ngoài việc chăm sóc sức khỏe căn bản.

Các chủ nhà hàng đóng góp một số tiền hàng tháng dựa trên số ghế mà họ có trong nhà hàng, mỗi ghế dóng 1 đô la. Và khi nhân viên nhà hàng đến chữa bệnh, lệ phí trả cho bác sĩ sẽ được trích ra từ ngân quĩ đó. Còn những ai không có trong hợp tác xã này cần chữa trị thì họ đến và phải trả một phí khoản nào đó, nhưng nếu không có nhiều tiền thì trả theo khả năng của họ, và nếu nghèo quá thì bác sĩ Ores cũng miễn cho luôn.

Bác sĩ Ores nói lên quan điểm của ông: "Xưa kia ngành y là một nghề nhưng rồi nó trở thành một ngành công nghiệp, và một khi nó trở thành một ngành công nghiệp thì nó bị những người muốn kiếm lợi chiếm giữ, và nó đã bị chiếm giữ bởi những công ty kiếm lời. Giờ đây thì ngành này là một công cuộc kinh doanh rất lớn, với ưu tiên là làm sao càng kiếm được nhiều lợi nhuận bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu."

Mục đích của hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia phải là cung cấp chăm sóc y tế, lo cho sức khỏe của dân chúng. Mục đích của các tổ hợp kinh doanh là làm sao kiếm được thật nhiều lợi nhuận. Nếu một công ty bán máy truyền hình, bán video game, bán kẹo hay phim ảnh chẳng hạn, thì nhiệm vụ của họ là phải kiếm lời, và kiếm được nhiều lời là điều tuyệt diệu. Tuy nhiên, trong lãnh vực y tế, tôi tin rằng không được để nó trở thành một ngành kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời không nên để cho trở thành một công cụ trong ngành chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các công ty trong ngành y cần phải là những tổ chức bất vụ lợi, như tổ chức Ân Xá Quốc Tế hay Chữ Thập Đỏ.

Nói đến tương quan giữa thầy thuốc với bệnh nhân, ông cho là bác sĩ phải đích thân tiếp xúc với bệnh nhân từ đầu đến cuối, chứ không qua một thư ký hay y tá như thể thức của các phòng mạch và các tổ chức bảo hiểm y tế hiện nay vẫn áp dụng tại Hoa Kỳ.

Bác sĩ Ores nói: "Theo tôi, ưu tiên cho bệnh nhân trước hết là không được có một rào cản nào trong việc tiếp xúc với bác sĩ. Bệnh nhân phải được gọi điện thoại và nói chuyện thẳng với bác sĩ, hoặc đến phòng mạch để khai bệnh trực tiếp với bác sĩ mà không có ai xen vào giữa như thư ký hay phụ tá bác sĩ chẳng hạn. Gọi điện thoại đến nói chuyện với bác sĩ, khai bệnh, để bác sĩ quyết định xem cần phải làm gì, tỉ như bác sĩ bảo bệnh nhân phải đến ngay phòng mạch, hoặc khuyến nghị bệnh nhân đến phòng cấp cứu, hoặc là bác sĩ sẽ hẹn gặp bệnh nhân trong vòng 2, 3 tuần tới. Theo tôi thì chính bác sĩ là người đưa ra quyết định ấy chứ không phải qua thư ký hay y tá."

Bác sĩ Ores không thuê mướn thư ký hay y tá, thứ nhất, là vì ông muốn đích thân chăm sóc cho bệnh nhân, thứ nhì là để giảm chi phí vì bệnh nhân đến phòng mạch ông trả lệ phí theo khả năng của họ. Bác sĩ David Ores sống trong khu vực gọi là Lower East Side của quận Manhattan, nơi qui tụ giới ngươi làm việc, nghèo, nhiều sắc tộc di dân đến đây, làm việc cật lực để mong khi nào khá hơn sẽ dọn ra ngoại ô sinh sống.

Vì làm việc giúp cho công ích của cộng đồng nên ông được hưởng một giá thuê nhà và phòng mạch rất hạ so với tiêu chuẩn của thành phố New York. Ông không sắm xe hơi, chỉ có 2 chiếc xe gắn máy Harley Davidson. Trong tương lai ông sẽ mời thêm vài bác sĩ khác có cùng ý tưởng như ông cộng tác để có thể mở rộng thêm việc chăm sóc sức khỏe cho những ai cần đến.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG