Thông điệp đầu năm của Tổng thống Obama gửi đến nhân dân Iran qua video, đã gây tiếng vang trong giới người dân thường Iran Phản ứng tại nước này đối với thông điệp của Tổng thống Mỹ được đánh giá là tích cực về phần lớn. Thông tín viên Edward Yeranian của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình từ Cairo về vấn đề này như sau.
Thông điệp của Tổng thống Obama gửi đến nhân dân Iran kêu gọi cải thiện quan hệ Mỹ-Iran, là đề tài được dân chúng Iran bàn tán, và đã trở thành đề tài được chú ý nhất trong ngày nhân dân Iran đón mừng Năm Mới theo truyền thống nước họ.
Để mừng năm mới, Đài Truyền hình Nhà nước Iran đã trình chiếu bài diễn văn chúc mừng truyền thống của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad, ông nói đây là một ngày mà ‘tình yêu, tình hữu nghị, và nguyện vọng được tái sinh’, tuy nhiên chính thông điệp của Tổng thống Obama đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân Iran.
Ông Ali-Akbar Javanfekr, cố vấn báo chí của Tổng thống Iran nói Iran ‘hoan nghênh’ lời kêu gọi cải thiện quan hệ của Tổng thống Obama, tuy nhiên ông chỉ trích các chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran trong quá khứ, và kêu gọi Tổng Thống Obama hãy đưa ra những hành động ‘cụ thể.’
Ông Javanfekr nói: “Ông Obama nói tới thay đổi, nhưng ông chưa thực hiện bất cứ biện pháp thực tiễn nào để sửa lại những lỗi lầm đã phạm tại Iran trong quá khứ. Nếu ông Obama hành động cụ thể và thực hiện những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, kể cả chính sách đối với Iran, thì chính phủ cũng như nhân dân Iran sẽ không quay lưng lại với ông. Ông Obama đề cập tới những điểm khác biệt giữa Iran với Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng những khác biệt ấy bắt nguồn từ các chính sách thù nghịch của Washington đối với Iran. Những thay đổi vụn vặt sẽ không xóa được những khác biệt đó.”
Giới trẻ Iran lớn lên sau cuộc Cách Mạng Hồi giáo vẫn sinh hoạt trong một môi trường thù nghịch với Hoa Kỳ, nước mà chính phủ Iran thường đề cập đến qua tên gọi ‘Đại Quỉ Satan.’
Ông Nima Abasi, một doanh gia tại Tehran nói ông cảm thấy được khích lệ về triển vọng cải thiện bang giao với Hoa Kỳ, và cho rằng đây là một sự kiện tích cực.
Ông Abasi lập luận rằng, nếu 2 người muốn nói chuyện với nhau về một điều gì đó, không cần qua trung gian và có thái độ hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, thì đó là điều tốt.
Giáo sư Pirouz Mojtahed-zadeh, dạy môn Địa dư tại Trường Đại học Tarbiat Modarres ở Tehran, nói ông rất lạc quan về triển vọng cải thiện quan hệ bang giao Mỹ-Iran.
Giáo sư Mojtahed-zadeh nói: “Chúng ta cần hiểu vị thế của ông Obama. Ông đã khởi sự một tiến trình đổi mới, không chỉ liên quan đến Iran, mà cả chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, trên nền tảng các chính sách hiếu chiến của các chính phủ tiền nhiệm. Lối nhìn đó có hơi lạc quan, nhưng chúng ta đâu có chọn lựa nào khác? Với sự lạc quan, chúng ta có thể giúp ông Obama hoàn thành những cam kết của ông.”
Lên tiếng tại Brussels, người đặc trách chính sách đối ngoại của Liên Hiệp châu Âu, ông Javier Solana, cũng bày tỏ lạc quan về hành động thiện chí của Tổng thống Hoa Kỳ, giữa lúc cuộc tranh chấp liên quan tới các hoạt động hạt nhân của Tehran, vẫn trong tình trạng bế tắc:
Ông Solana nói: “Tôi rất hài lòng sau khi lắng nghe thông điệp đó. Tôi nghĩ thông điệp ấy có tính cách xây dựng. Tôi mong người Iran sẽ chú ý tâm lắng nghe những gì mà Tổng thống Obama muốn nói. Tôi hy vọng rằng thông điệp ấy sẽ mở ra một chương mới trong các quan hệ với Tehran.”
Lời kêu gọi của Tổng thống Obama đi xa hơn so với những phát biểu ông đã đưa ra trong một cuộc họp báo hồi tháng Giêng, khi ông kêu gọi Tehran và các nước thù nghịch khác với Hoa Kỳ, hãy nới lỏng nắm đấm của họ. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran vốn vẫn căng thẳng trong quá khứ, trong những năm gần đây lại trở nên tệ hại hơn nữa sau khi các nước phương tây đặt nhiều nghi vấn về chương trình hạt nhân của Tehran, và chỉ trích sự hậu thuẫn mà Iran dành cho các nhóm chủ chiến Hồi giáo như Hezbollah và Hamas.
Đọc nhiều nhất
1