Hôm nay, ngày 20 tháng giêng, ông Obama trở thành vị Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Ông sẽ tiếp nối truyền thống chuyển giao quyền lực một cách êm thắm từ Tổng Thống này sang Tổng Thống khác, một truyền thống đã có từ khi Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington nhậm chức vào năm 1789. Thông Tín Viên Jim Malone có câu chuyện về lịch sử những cuộc nhậm chức Tổng Thống và cho thấy tại sao sự kiện này là biểu tượng quan trọng của chế độ dân chủ Hoa Kỳ.
Các buổi lễ nhận chức của Tổng Thống Hoa Kỳ trong mấy chục năm gần đây là những sự kiện quan trọng, được tổ chức công phu, có sự tham dự của hàng trăm ngàn người theo dõi trước trụ sở Quốc Hội ở Washington, và sau buổi lễ là màn diễn hành và buổi tối là các buổi khiêu vũ thường được gọi là dạ vũ nhậm chức.
Truyền thống tổ chức lễ nhận chức có nguồn gốc khiêm nhường. Ông George Washington, Tổng Thống đầu tiên, tuyên thệ trên một bao lơn ở thành phố New York năm 1789, lúc bấy giờ New York là thủ đô đầu tiên của nước Mỹ.
Lễ nhậm chức là chuyện bắt buộc được ghi trong hiến pháp, và theo truyền thống chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đứng chủ tọa lễ tuyên thệ. Khi tuyên thệ, tân Tổng Thống cam kết sẽ trung thành chấp hành chức vụ của mình cũng như sẽ bảo tồn, bảo vệ và bênh vực bản Hiến pháp.
Tục truyền rằng Tổng Thống George Washington đã thêm vào cuối lời thề cụm từ ‘xin Thượng Đế phù trợ cho tôi’, nhưng nhiều sử gia không tin đây là những lời của ông Washington. Dù vậy, hầu như Tổng Thống nào cũng nói câu như vậy vào lúc tuyên thệ nhậm chức.
Các lễ nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ đã trở thành những biểu tượng đậm nét của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Ông Marvin Kranz trước đây phục vụ tại Thư viện Quốc Hội nay đã nghỉ hưu. Ông được xem là chuyên viên về các buổi lễ nhậm chức Tổng Thống.
Ông Kranz nói: “Tôi có thể nói rằng đây là một trong những sự kiện lớn, theo cái nghĩa chúng ta có thể gọi đó là một hình thức tôn giáo của đời thường tại nước Mỹ. Mặc dù hầu như Tổng Thống nào cũng nói rằng mình nhậm chức dưới sự che chở của đấng Thượng Đế Toàn Năng, nhưng về mặt cơ bản, đây là một buổi lễ có tính cách thế tục, và là một sự kiện diễn ra mỗi 4 năm, dù trong thời chiến hay thời bình, bất kể chuyện gì đi chăng nữa.”
Một trong những phần quan trọng của buổi lễ là bài diễn văn nhậm chức, qua đó tân Tổng Thống nói về đường hướng mà ông muốn đưa nước Mỹ đi về đâu trong 4 năm sắp tới.
Tương đối rất ít bài diễn văn nhận chức được người ta nhắc nhở trong một thời gian lâu dài, còn những bài được nhắc nhở lâu dài thường là những bài đọc trong lúc nước Mỹ trải qua một cuộc khủng hoảng.
Ông Stephen Hess, chuyên viên về chính trị tại viện nghiên cứu Brookings ở Washington nhận định về các bài diễn văn của các Tổng thống.
Ông Hess nói: “Chúng ta có thể kể đến cả hai bài diễn văn của Tổng Thống Abraham Lincoln. Bài đầu, ông đọc vào lúc sắp sửa có nội chiến, ông cố gắng kêu gọi sự đoàn kết quốc gia. Bài sau, ông đọc vào lúc chấm dứt nội chiến để nói về ý nghĩa của hòa bình. Ngoài ra cũng phải kể đến bài diễn văn của Tổng Thống Franklin Roosevelt vào giai đoạn Đại Khủng Hoảng Kinh tế năm 1933. Chỉ có một bài diễn văn thật hay được đọc vào lúc nước Mỹ không có biến cố nào quan trọng, nhưng nó hay vì người đọc bài đó thật là người có tài hùng biện. Đó là bài diễn văn của Tổng Thống John Kennedy năm 1961."
Bài diễn văn của ông Franklin Roosevelt năm 1933 được nhớ tới là vì ông cố trấn an nhân dân rằng mọi chuyện sẽ yên, mặc dù có suy thoái kinh tế. Câu nói nổi danh trong bài này là: chúng ta không có gì phải sợ, ngoại trừ chính sự sợ hãi. Theo ông, sự sợ hãi làm ý chí của chúng ta bị tê liệt, ý chí đó có thể biến thất bại thành thắng lợi.
Tổng ghống Roosevelt nói: “Quốc gia vĩ đại này sẽ tồn tại giống như đã từng tồn tại. Chúng ta sẽ hồi sinh và chúng ta sẽ giàu mạnh.”
Các lễ tuyên thệ nhậm chức thường tượng trưng cho thay đổi chính trị và đôi khi thay đổi thế hệ lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Tổng Thống John Kennedy đưa nước Mỹ vào một kỷ nguyên chính trị mới, qua bài diễn văn nhậm chức năm 1961.
Tổng thống Kennedy nói: “Hãy để cho bạn hữu cũng như kẻ thù biết rằng, kể từ nay và tại địa điểm này, ngọn đuốc lãnh đạo đã chuyển sang cho thế hệ mới của người Mỹ. Thế hệ đó sinh trưởng trong thế kỷ này, đã từng tôi luyện trong chiến tranh, và ý thức rõ thế nào là một nền hòa bình cay đắng và khó khăn.
Hai mươi năm sau đó, giữa lúc nước Mỹ gặp khó khăn kinh tế, Tổng Thống Ronald Reagan cũng mở đầu cho một thay đổi chính trị tại Washington. Ông Reagan có một câu rất nổi tiếng, đó là ‘Chính quyền không phải là giải pháp cho vấn đề. Chính quyền chính là nguyên nhân gây ra vấn đề.’
Tổng thống Reagan nói: “Đã đến lúc duyệt xét lại và tinh giản guồng máy chính quyền, vì guồng máy này có những dấu hiệu là đã lớn quá mức chấp nhận của những người mà guồng máy đó cai trị.”
Tổng Thống William Henry Harrison chiếm kỷ lục về bài diễn văn dài nhất. Ông nói hơn một tiếng rưỡi giữa trời tuyết và lạnh của năm 1841. Sau đó ông bị viêm phổi và một tháng sau thì qua đời. Ông chiếm một kỷ lục khác, người giữ chức Tổng Thống ngắn ngày nhất của nước Mỹ.
Mặc dù có rất nhiều bài diễn văn nhậm chức Tổng Thống bị người đời quên lãng, buổi lễ nhận chức vẫn còn là một lễ hội quan trọng, nói lên chế độ dân chủ và sự chuyển giao quyền lực êm thắm của Hoa Kỳ.
Chuyên viên Marvin Kranz nói rằng cảnh tượng của một Tổng Thống xuất nhiệm và một Tổng Thống lãnh nhiệm cùng đứng chung với nhau trên một khán đài, sẽ giúp nước Mỹ đoàn kết lại, sau một thời gian tranh cử sôi động và có vẻ mất đoàn kết.
Chuyên viên Kranz nói: “Việc này cứ liên tiếp diễn từ thời tổng thống này sang đời tổng thống khác. Kể từ sau năm 1789, cứ mỗi 4 năm chuyện đó lại tái diễn. Không hề có một cuộc cách mạng, không hề có một cuộc nổi dậy vũ trang. Sự kiện đó diễn ra một cách bình thường, đơn giản. Chúng ta chấp nhận như thế. Nhưng không phải ai cũng thích. Lấy ví dụ như khi Tổng Thống Thomas Jefferson nhận chức năm 1801. Ông John Adams, vị Tổng Thống tiền nhiệm đã bị đánh bại sau một nhiệm kỳ, đã đi khỏi Washington, không thấy xuất hiện trên khán đài. Vào thời bây giờ, mặc dù người mới và người cũ không ưa nhau, nhưng khi có thay đổi, vị cựu Tổng Thống sẽ đi cùng với tân Tổng Thống từ Tòa Bạch Ốc đến khán đài nhận chức.”
Lần này, Tổng Thống tân cử Barack Obama cảm thấy ông có mối liên hệ đặc biệt với Tổng Thống Abraham Lincoln, một người được nhiều người Mỹ da đen xem là người hùng, nhờ tài lãnh đạo của ông trong cuộc nội chiến.
Vào ngày lễ tuyên thệ, Ông Obama sẽ vinh danh ông Lincoln bằng cách đặt tay trên cùng quyển Kinh Thánh mà ông Lincoln đã dùng trong lần nhận chức đầu tiên của ông vào năm 1861.