Đường dẫn truy cập

Kinh tế thế giới năm 2008


Năm 2008 được coi như là một năm tồi tệ nhất của nền kinh tế thế giới trong nhiều thập niên qua. Khởi đầu từ một sự suy giảm nhẹ của nền kinh tế Mỹ rồi gia tốc thành một cuộc khủng hoảng tín dụng và tài chánh lan rộng trên toàn thế giới. Phái viên Michael Bowman của đài VOA tường trình từ Washington về vấn đề này như sau.

Năm 2008 bắt đầu bằng dấu hiệu là nền kinh tế Hoa Kỳ chậm lại nhưng không có một dấu hiệu cảnh báo nào về một sư tan rã của nền tài chánh sẽ đến. Vào tháng 2 năm nay, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một số biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bằng những ngân phiếu trả lại bớt tiền thuế cho dân để giảm bớt ảnh hưởng của điều mà các kinh tế gia cho là sự đi xuống không đáng kể của nền kinh tế Mỹ.

Nhưng đến tháng Ba thì người ta bắt đầu chứng kiến một chuỗi sự sụp đổ hoặc bị mua lại của các Công ty đầu tư địa ốc lớn nhất nước Mỹ, các định chế tài chánh, các công ty cho vay, các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Tất cả những công ty này đã có liên hệ đến chuyện đầu tư vào ngành tín dụng địa ốc từng có lúc đã phát đạt tột bực. Các khoản đầu tư kinh doanh này đã xuống dốc khi giá nhà bắt đầu hạ giảm và khi con số người vay tiền mua nhà không trả nổi nợ cho ngân hàng tăng vọt . Giá dầu thô trên thế giới cao đến mức kỷ lục cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng kinh tế.

Kinh tế gia Jeffrey Kling thuộc viện Brookings có trụ sở tại Washington so sánh nền kinh tế Mỹ với con bệnh đang nằm trong phòng cấp cứu.

Ông Kling nói: “Vào tháng 10 có một biến cố được gọi là tim ngừng đập khi việc lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế bị đóng băng. Đó là thời điểm mà các ngân hàng sợ không dám cho nhau vay nữa. Và có nhiều dấu hiệu cho thấy dân chúng Hoa Kỳ hoảng loạn, điều chưa từng thấy xảy ra tại Mỹ kể từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế của những năm 1930“

Tín dụng bị thắt chặt và ảnh hưởng xấu của nó lan tràn nhanh chóng sang châu Âu, châu Á và các nơi khác. Ngân hàng Trung Ương các nước vội vã bơm tiền vào hệ thống tài chánh và cứu nguy các công ty tài chánh đang trên đà sụp đổ.

Thủ Tướng Đức Angela Merkel là một trong những nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ lo ngại.

Thủ tướng Merkel nói: “Tình hình tín dụng hoàn toàn không tốt đẹp, chính phủ đã phải can thiệp nhưng chúng ta còn phải thuyết phục để các ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ của họ là cung cấp tín dụng”

Tại Trung Quốc, ông Zhang Ping, người đứng đầu Ủy ban Phát triển quốc gia của chính phủ mới đây tuyên bố là ông tiên đoán kinh tế sẽ còn suy sụp hơn nữa.

Ông Zhang Ping nói: “Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu và ảnh hưởng của nó chưa được cảm nhận đầy đủ. Cuộc khủng hoảng này lan tràn trên toàn thế giới và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Trung Quốc càng ngày càng thêm sâu rộng”

Vào tháng 10, Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận một ngân khoản 700 tỉ đô la để cứu các định chế tài chánh Mỹ. Giám sát số tiền này là Bộ Trưởng Tài chính Henry Paulson. Ông Paulson đã thấõy được tính cách trầm trọng của tình hình kinh tế tài chánh hiện nay khi đề cập đến các giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Paulson nói: “Chúng ta tiếp tục hành động trong hoàn cảnh một cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng. Trong khi chúng ta đạt được tiến bộ thì con đường phía trước là một con đường đầy dẫy khó khăn”

Nền kinh tế tồi tệ đã ảnh hưởng nhiều đến người dân Mỹ cũng như dân chúng toàn thế giới nhưng chuyện xấu nhất vẫn chưa tới vì các kinh tế gia tiên đoán là sẽ có một cuộc suy thoái lâu dài trên toàn cầu với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn nữa. Công nghệ ôtô của Mỹ có nguy cơ bị sụp đổ

Một số các quan sát viên đã so sánh tình hình kinh tế hiện tại với cuộc đại suy thoái những năm 1930. Tuy nhiên kinh tế gia Jeffrey King cho rằng sự so sánh như vậy là quá sớm.

Kinh tế gia King nói: “Hiện nay tại Hoa Kỳ, tỉ lệ thất nghiệp là 6.5%, không xấu bằng năm 1981 và cũng không đến nỗi tồi tệ như những năm 1930“

Tổng Thống tân cử Barrack Obama hứa sẽ có một chương trình tạo việc làm một cách tích cực để thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ. Kế hoạch này có thể tăng thêm hàng trăm tỉ đô la vào số nợ chống chất hiện nay của nước Mỹ. Điều trớ trêu ở đây là, cũng chính các món nợ dưới dạng các khoản tiền vay mua nhà đã làm cho thị trường địa ốc Hoa Kỳ sụp đổ, bị người ta cho là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG