Đường dẫn truy cập

Pakistan tưởng niệm 1 năm ngày bà Bhutto bị ám sát


Theo dự kiến, thì trong ngày hôm nay, thứ Bảy 27 tháng 12, hàng trăm ngàn người Pakistan sẽ đổ về mộ phần bà Benazir Bhutto, để đánh dấu đúng một năm, từ ngày bà bị ám sát trong một cuộc tấn công tự sát. Pakistan công bố một ngày quốc lễ để 160 triệu người dân nước này tưởng niệm người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo quốc gia Hồi Giáo này, người mà vụ ám sát hồi năm ngoái tại một cuộc vận động tranh cử đã làm rúng động thế giới. Thông tín viên Ravi Khanna của VOA có bài tường trình đặc biệt đánh dấu ngày giỗ đầu tiên của bà Bhutto sau đây.

Cách đây đúng một năm, bà Benazir Bhutto, nhà lãnh đạo có sức thu hút quần chúng đã 2 lần nắm chức Thủ tướng Pakistan, bị bắn chết khi vừa rời một địa điểm vận động tranh cử gần Islamabad. Nhà cầm quyền Pakistan quy trách nhiệm về vụ ám sát bà cho một thủ lãnh Taliban gốc Pakistan tên là Baitullah Mehsud, nhưng ông này bác bỏ lời tố cáo đó.

Bà Bhutto, lúc ấy 54 tuổi, đang vận động để một lần nữa lên nắm quyền trở lại, 2 tháng sau khi trở về nước sau một thời gian sống lưu vong.

Vụ ám sát bà Bhutto đã đẩy Pakistan, nước Hồi giáo duy nhất có vũ khí hạt nhân, vào tình trạng náo loạn. Cuộc khủng hoảng chính trị tiếp tục kéo dài tại nước này và chỉ chấm dứt hồi tháng 9 năm nay, khi chồng bà Bhutto, ông Asif Ali Zardari, đoạt được chiếc ghế Tổng Thống.

Đầu tháng này, Liên Hiệp Quốc vinh danh bà Bhutto khi truy tặng một giải thưởng về nhân quyền cho bà, người đại diện lên nhận giải là ông Bilawal, con trai bà Bhutto.

Ông Bilawal nói: “Nền dân chủ tại Pakistan không những chỉ quan trọng đối với người dân trong nước mà còn quan trọng đối với cả thế giới. Trong thời đại này, khi mà tôn giáo mà tôi yêu quý bị khai thác và diễn giải theo một quan điểm cực đoan, chúng ta cần phải luôn luôn ghi nhớ rằng những chính quyền dân chủ không bao giờ tiếp sức, bao che hay chứa chấp khủng bố.”

Bà Benazir Bhutto đã cam kết sẽ quét sạch các phần tử khủng bố đã dùng lãnh thổ Pakistan để tấn công Afghanistan và Ấn Độ, bà hứa sẽ xây dựng Pakistan thành một quốc gia ôn hòa và tân tiến.

Tuy nhiên tình hình Pakistan đã trở nên nghiêm trọng hơn trong 12 tháng qua với các cuộc tấn công tự sát giết hại thường dân, trong bối cảnh chính phủ nước này phải đối mặt với những khó khăn kinh tế, giá cả thực phẩm gia tăng, các vụ cúp điện thường xuyên.

Bà Lisa Curtis, một chuyên gia về vấn đề Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Heritage, tin rằng phương thức tốt nhất để vinh danh Bà Benazir Bhutto là hành động để thực hiện ước nguyện của bà.

Chuyên gia Curtis nói: “Tôi nghĩ rằng Pakistan phải tự mình quyết định phải tiến lên để trở thành một quốc gia thịnh vượng, ổn định và tiến bộ, đó là những điều mà bà Benazir Bhutto mong ước.”

Ông Stephen Cohen thuộc Viện Nghiên Cứu Brookings ở Washington cho rằng chồng bà Bhutto, Tổng Thống Asif Ali Zardari, đang nỗ lực theo đuổi chính sách của bà Bhutto.

Ông Cohen nói: “Ổn định trong nước, tăng trưởng kinh tế, bình thường hóa bang giao với Ấn Độ, quan hệ chặt chẽ nhưng không lệ thuộc vào Hoa Kỳ.”

Tuy nhiên tại Islamabad, ông Riffat Hussain, một nhà phân tích người Pakistan thuộc đại học Qaid-e-Azam cho biết là hình như người dân Pakistan không đồng tình với lối cai trị của Tổng Thống Zardari mà theo nhận xét của ông, là ngả theo khuynh hướng độc tài và không có viễn kiến.

Ông Marvin Weinbaum thuộc Viện Trung Đông tại Washington đồng ý với nhận định này và cho rằng bà Benazir Bhutto có tầm nhìn xa hơn chồng bà và tình hình đã khác biệt nếu bà còn sống và lên nắm quyền.

Ông Weinbaum nói: “Pakistan đang mong mỏi có người lãnh đạo quốc gia có tài, không chỉ đơn giản tập họp được một liên minh, mà còn có khả năng gây hứng khởi cho người khác đưa ra những ý kiến mới để đưa Pakistan đi lên“

Một nhà phân tích khác, là ông Haider Mullick, cho rằng bà Benazir Bhutto có lập trường cứng rắn hơn đối với khủng bố, nhất là đối với các phần tử bài Ấn Độ tại Pakistan.

Ông Mullick nói rằng nếu còn sống, có lẽ bà Bhutto đã truy đuổi các phần tử đó một cách quyết liệt hơn phu quân, ông Zardari, vì bà được sự hậu thuẫn mạnh mẽ hơn về mặt chính trị.

Ông Mullick nói các cuộc tấn công khủng bố đã leo thang kể từ khi bà Benazir Bhutto bị ám sát, và mặc dù chồng bà đang nắm quyền nhưng cuộc điều tra xoay quanh vụ ám sát đó đã không tiến triển được bao nhiêu.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG