Đường dẫn truy cập

Các nhân vật Nobel kêu gọi TQ trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba


Trung Quốc đã lên tiếng bênh vực cách xử lý trường hợp nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, bị bắt giữ hơn 2 tuần lễ mà không hề bị buộc tội. Trường hợp này đã khơi dậy quan tâm của công chúng và của các quan chức Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho gửi về đài VOA bài tường thuật chi tiết sau đây.

Lời kêu gọi mới nhất yêu cầu Trung Quốc lập tức trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đến từ hơn 150 học giả, nhà văn và các nhà hoạt động tích cực bênh vực cho nhân quyền.

Danh sách này gồm nhiều tác giả đã đoạt Giải Nobel Văn Chương, kể cả tiểu thuyết gia Nadine Gordimer của Nam Phi, thi sĩ Seamus Heany của Ireland, và nhà văn Wole Soyinka của Nigeria. Một số nhà văn khác được nhiều người biết tiếng có cả các ông Salman Rushdie và Umberto Eco.

Họ kêu gọi Bắc Kinh hãy lập tức trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, trong một thư ngỏ gửi đến Chủ Tịch Nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Tại một buổi họp báo thường lệ ở Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Tần Cương, đã bị chất vấn không ngớt về trường hợp nhà bất đồng chính kiến họ Lưu.

Ông Tần Cương nói mặc dù ông không biết chi tiết về trường hợp này, Trung Quốc sẽ xử lý trường hợp ông Lưu theo đúng tinh thần pháp luật Trung Quốc.

Về vấn đề những phát biểu bày tỏ quan tâm của cộng đồng quốc tế về số phận ông Lưu Hiểu Ba, Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao tuyên bố Bắc Kinh mạnh mẽ chống đối bất cứ hành động can thiệp nào vào nội tình của Trung Quốc.

Ông Lưu Hiểu Ba, năm nay 53 tuổi, là một nhân vật công khai cổ võ cho cải cách và thay đổi. Mới đây, ông Lưu đã phát tán trên internet nhiều bài báo, hậu thuẫn cho những lời kêu gọi của ông, đòi phải có cải cách.

Ông Lưu Hiểu Ba bị nhà chức trách Trung Quốc sách nhiễu liên tục, và bị bắt giữ vì những lời chỉ trích của ông, tuy nhiên cho tới nay ông vẫn chưa bị truy tố về bất cứ hình tội nào.

Vụ bắt giữ mới nhất, khởi sự từ đầu tháng 12, xảy ra một ngày trước khi Hiến Chương 08 được công bố, đây là một tuyên ngôn kêu gọi Trung Quốc tôn trọng pháp quyền, và tăng cường bảo vệ các quyền làm người ở trong nước.

Ông Lưu là một trong hơn 300 luật sư, nhà văn, học giả và nghệ sĩ đã ký tên vào Hiến Chương 08. Bản tuyên ngôn này đã được công bố để đánh dấu ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12 vừa qua.

Khoảng 30 người khác cũng đặt bút ký vào Hiến Chương 08 đã bị công an Trung Quốc chất vấn, hoặc theo dõi, từ khi bản tuyên ngôn này được công bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG