Đường dẫn truy cập

ADB: Kinh tế VN có thể giảm xuống mức 5%, 6% trong năm 2009


Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Tân Hoa Xã được phổ biến hôm thứ Sáu, ông Ayumi Konishi, giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tại Việt Nam, cho hay tỷ lệ phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 có thể rớt xuống mức từ 5% tới 6% giữa lúc tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái.

Đề cập tới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đối với Việt Nam, ông Konishi cho biết lãnh vực tài chính của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều vì ít giao tiếp với các thị trường tài chính thế giới.

Theo ông, trái ngược với Hoa Kỳ và Âu Châu là những nơi vấn đề phát xuất từ lãnh vực tài chính rồi lan sang nền kinh tế thực sự, tại Á Châu, và đặc biệt tại Việt Nam, người ta nhìn thấy ảnh hưởng đi vào nền kinh tế thực sự trước, qua những khó khăn về xuất khẩu, du lịch, nguồn vốn, về công ăn việc làm.

Ông Konishi nói rằng Việt Nam lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu cho công cuộc phát triển kinh tế, và vì thế, trước nền kinh tế thế giới suy thoái, các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong những năm tới. Tuy nhiên, theo ông Konishi, ảnh hưởng này cũng có thể khác nhau, tùy thuộc loại sản phẩm xuất khẩu.

Về lãnh vực du lịch, ông Konishi cho rằng vì kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam sẽ có thể không đón nhận được nhiều du khách nước ngoài như trong vài năm qua. Ông Konishi cũng bầy tỏ sự lo ngại về nguồn vốn từ bên ngoài đưa vào Việt Nam, dựa vào sự kiện trong những năm qua Việt Nam nhận được những khoản tiền lớn do người Việt hải ngoại gửi về.

Theo ông, người Việt hải ngoại trước nay thường gửi tiền về Việt Nam, nhưng nay những người này có thể không có nhiều tiền như trước để gửi về nữa, và sự kiện này có thể gây phương hại tới vấn đề hối xuất, tới mức tiêu thụ và xây cất trong nước trong những năm tới.

Ông Konishi còn cho rằng Việt Nam có thể không chỉ nhìn thấy sự suy giảm trong mức kiều hối, mà con trong cả vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Theo ông, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có thể gặp khó khăn trong chuyện huy động vốn để đầu tư vì số lượng tiền bạc hạn chế trong thị trường tài chính toàn cầu. Một số công ty khác có thể bị ảnh hưởng của tình trạng kinh tế hiện nay.

Một số công ty khác nữa đã đầu tư vào Việt Nam giờ đây cảm thấy không khẩn thiết phải mở mang thêm cơ sở sản xuất. Theo ông Konishi của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, kế hoạch kích động kinh tế trị giá 6 tỷ đô la vừa được chính phủ Việt Nam loan báo có thể giúp duy trì sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm tới.

Tin nói rằng số tiền vừa kể sẽ được mang ra chi tiêu trong lãnh vực đầu tư, nhất là trong những dụ án hạ tầng cơ sở. Trong 10 năm qua, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 7, 5%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Quốc Hội Việt Nam mới đây đặt chỉ tiêu cho mức tăng trưởng của năm 2009 là 6,5%, tương đương với mức tăng trưởng của năm nay. Tuy nhiên, theo ông Konishi, tỷ lệ tăng trưởng 6,5% này có vẻ quá lạc quan trước tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái hiện nay.

Ông Konishi cho rằng chính phủ Việt Nam cần phải thận trọng về chuyện một kế hoạch kích động thái quá có thể khiến Việt Nam gặp khó khăn nhiều hơn trong công cuộc ngoại thương.

Theo ông Konishi, tỷ lệ phát triển 5% hoặc 6% dù sao cũng là một tỷ lệ tốt đẹp trước cuộc khủng hoảng tài chính của toàn cầu hiện nay. Ông Konishi xác nhận là cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh mẽ tin tưởng vào triển vọng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam. Theo ông, nói một cách tổng quát, mọi người tin tưởng là Việt Nam sẽ đi đúng hướng.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG