Đường dẫn truy cập

OPEC sẽ cắt giảm sản lượng trong cuộc họp sắp tới


Theo dự kiến, Tổ Chức các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu Hỏa, tức Khối OPEC, sẽ loan báo quyết định cắt sản lượng dầu hỏa, ít nhất là 1 triệu thùng một ngày, khi các nước hội viên nhóm họp tại Algeria vào ngày 17 tháng 12. Mục đích là để đẩy giá dầu lên cao hơn, trong bối cảnh giá dầu đã rớt giá đáng kể trong mấy tháng gần đây. Từ London thông tín viên Sonja Pace gửi về đài VOA bài tường trình chi tiết sau đây.

Cách đây không tới 6 tháng, giá dầu tăng đến mức cao kỷ lục, vượt quá 147 đôla một thùng, người ta còn đồn đoán rằng giá dầu có thể còn tăng cao hơn nữa, đến trên dưới 200 đôla. Từ đó đến nay, dầu đã tuột giá, và gây lo ngại cho các nhà sản xuất.

Đây sẽ là lần thứ 3 tính từ tháng 9, tổ chức OPEC dự định giảm sản xuất để hy vọng có thể đẩy giá dầu lên cao.

Nhà phân tích các vấn đề dầu hỏa, ông Mike Ala, thuộc Đại Học Imperial College ở London, nhận định rằng giảm sản xuất cũng là một vấn đề gây quan tâm cho các nhà sản xuất dầu hỏa.

Ông Ala nhận định: “Điều đó có nghĩa là trong trường hợp Iran, nước sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa lớn thứ nhì trong OPEC, phần cắt giảm mà Iran phải thực hiện trong tháng 11 là 200 ngàn thùng mỗi ngày. Riêng Ả Rập Saudi phải giảm 450 ngàn thùng mỗi ngày. Các nước vừa kể không thể cứ tiếp tục giảm sản xuất bởi vì họ cũng cần đến lợi tức do dầu hỏa mang lại để thực hiện các dự án phát triển.

Ông Ala nói dù cho giảm sản lượng dầu có làm tăng giá dầu đi nữa, thì số lượng dầu do các nhà sản xuất bán được cũng sẽ ít hơn, và rốt cuộc họ vẫn mất lợi tức.

Ông Ala lưu ý rằng quyết định giảm sản xuất trong quá khứ đã không đẩy giá dầu lên cao bao nhiêu. Theo ông thì thực tế là giai đoạn giá dầu liên tục tăng vọt nay đã cáo chung.

Hiện có nhiều quan điểm khác biệt về nguyên do vì sao giá dầu hỏa đã tăng lên tới gần 150 đôla một thùng trước đây trong năm. Nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc thường được nêu là lý do chủ yếu đẩy giá dầu lên cao.

Nhà phân tích Mike Ala nói điều đó không nhất thiết là đúng, bởi vì có nhiều yếu tố khác đóng góp vào kết quả đó.

Ông Ala nói:Một yếu tố quan trọng có liên quan tới nhận thức của giới tiêu thụ: nạn khủng bố, tình trạng bất ổn chính trị tại một số quốc gia sản xuất dầu hỏa, như Nigeria và một số nước Nam Mỹ. Ngoài ra còn một yếu tố đóng góp đáng kể, là vấn đề trao đổi giao dịch trên giấy tờ. Sản lượng dầu trên thế giới là vào khoảng 85 triệu thùng dầu một ngày. Thế mà số lượng dầu hỏa trao tay trên giấy tờ cao gấp nhiều lần con số vừa nêu.”

Ông Ala nói rằng sự kiện đó và những hoạt động đầu cơ của các định chế tài chính như các ngân hàng và các quỹ bảo hộ đã đẩy giá dầu lên cao từ 20 đến 30 đôla một thùng.

Sự kiện giá dầu giảm là một dấu hiệu đáng mừng đối với giới tiêu thụ, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và một thế giới đang lún sâu hơn vào tình trạng suy trầm nghiêm trọng.

Nhà kinh tế Waltraud Schelkle của Đại Học Kinh Tế London nói giá dầu rẻ hơn là một yếu tố giúp ổn định nền kinh tế thế giới.

Kinh tế gia Schelkle nói: “Các dự đoán rằng thế giới sẽ dùng năng lượng nhiều hơn khi kinh tế tăng trưởng mạnh, nay đã được điều chỉnh xuống thấp hơn, phản ánh trong giá dầu, và tương tự như giá chứng khoán, giá dầu đã rớt mạnh. Thật ra sự kiện dầu tuột giá đã khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm, vì trên thực tế giá dầu rẻ đã giúp ổn định chu kỳ doanh thương.”

Tại buổi họp OPEC sắp được tổ chức tại Algeria, các nước có chân trong tổ chức này theo dự kiến sẽ đồng ý cắt giảm ít nhất 1 triệu thùng dầu một ngày, có thể hơn thế nữa. Vấn đề tại đây là hành động đó sẽ tác động ra sao đối với giá dầu.

Vào trung tuần tháng 12, giá dầu là vào khoảng 40 đôla một thùng. Nhà phân tích Mike Ala tin rằng giá dầu sẽ tăng, có thể lên đến 70 đôla một thùng, chủ yếu là vì vào mùa đông ở Bắc Bán Cầu, nhu cầu nhiên liệu sẽ gia tăng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG