Đường dẫn truy cập

Nghị Hội Âu Châu đòi tạo áp lực buộc VN tôn trọng nhân quyền


Trong một nghị quyết liên quan tới mối quan hệ giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam, Nghị Hội Âu Châu đòi tạo áp lực, buộc Việt Nam tôn trọng nhân quyền và một số quyền chính yếu khác trước khi một hiệp định mới về hợp tác và đối tác giữa Việt Nam và Liên Hiệp Âu Châu được đúc kết.

Với 470 phiếu thuận và 21 phiếu chống, nghị quyết này cho hay các quyền tự do hội họp, tự do báo chí và tự do sử dụng internet đã bị giới hạn chặt chẽ tại Việt Nam trong khi các tổ chức tôn giáo như Công Giáo, Phật Giáo, và các nhóm dân tộc thiểu số như người Thượng, người gốc Khmer, bị đối xử bất công và ngược đãi.

Nghị hội Âu Châu đòi hỏi cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên Hiệp Âu Châu và Việt Nam phải dẫn đến những cải thiện tại Việt Nam. Nghị Hội cũng yêu cầu Hội Đồng và Ủy Hội Âu Châu duyệt xét lại chính sách hợp tác với Việt Nam, và phải ghi nhớ rằng điều khoản 1 trong hiệp định hợp tác năm 1995 ghi rõ là sự hợp tác phải được dựa trên việc tôn trọng những nguyên tắc dân chủ và những quyền căn bản.

Nghị Hội Âu Châu kêu gọi Ủy Hội và Hội Đồng Âu Châu, trong các cuộc thương thảo hiện nay về một hiệp định mới về hợp tác và đối tác, phải nêu ra với phía Việt Nam về nhu cầu ngưng ngay những vụ vi phạm có hệ thống đối với những quyền tự do và dân chủ trước khi đúc kết hiệp định này.

Ngoài ra, Nghị Hội, cơ quan có trách vụ tham vấn trong việc đúc kết bản hiệp định mới, cũng yêu cầu đòi hỏi Việt Nam hợp tác với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đặc trách vấn đề nhân quyền qua việc mời các chuyên viên đặc biệt về tôn giáo qua viếng thăm Việt Nam, trả tự do cho những người bị giam giữ hoặc cầm giữ chỉ vì bầy tỏ quan điểm chính trị hoặc tôn giáo bằng đường lối ôn hòa, cho phép mọi tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tổ chức các hoạt động tôn giáo mà không bị chính phủ can thiệp, loại bỏ những điều khoản trong bộ luật hình của Việt Nam đã sai lầm coi những hoạt động bất đồng chính kiến và một số hoạt động tôn giáo như những tội liên quan tới an ninh quốc gia, và chấm dứt các hành động kiểm duyệt và kiểm soát của chính phủ đối với các cơ quan truyền thông trong nước.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG