Đường dẫn truy cập

Hậu quả của bão Ike đối với kinh tế Mỹ


Tuần trước, chúng tôi đã trình bày một số trường hợp của các cư dân Texas ngay sau trận bão Ike tàn phá bang này. Lá thư Mỹ Quốc tuần này sẽ tường trình cùng quí vị những hậu quả của thiên tai này đối với nền kinh tế của bang Texas nói riêng và nước Mỹ, nói chung, qua bài tường trình của thông tín viên đài VOA Greg Flakus. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương.

Đã hơn 2 tuần kể từ khi trận bão Ike thổi tới vùng duyên hải phía nam Hoa Kỳ, vẫn còn nhiều nơi tại khu vực đông dân ở Houston vẫn chưa có điện trở lại và có thể phải mất nhiều tuần lễ nữa mới tái lập được những sinh hoạt bình thường ở những vùng bị thiệt hại nặng nhất, như thành phố Galveston chẳng hạn.

Trận bão Ike thổi qua phần lớn vùng duyên hải bang Texas hôm 12 tháng 9 gây thiệt hại ước tính đến 20 tỉ đô la nhưng thiệt hại nhân mạng chỉ có 26, phần lớn nhờ cuộc di tản dân cư đã được thực hiện từ 2 ngày trước khi bão tới.

Thống đốc Rick Perry đã cảnh báo rằng thiên tai giáng vào một trong những khu thị tứ đông dân nhất của Hoa Kỳ sẽ gây hệ quả cho toàn quốc.

Tương lai của nước Mỹ tùy thuộc vào tốc độ trở lại với sinh hoạt bình thường của một bang như Texas và một thành phố như Houston. Chúng ta cũng có phúc hiểu theo nghĩa là trận bão không gây thiệt hại quá nặng cho ngành công nghệ lọc dầu nhưng nó gây thiệt hại vô cùng to lớn ở khắp khu vực này và chúng ta sẽ phải mất một thời gian mới tái lập lại cuộc sống.

Những cơ sở lọc dầu gần Houston cung cấp hơn 20% xăng dầu chạy xe sử dụng trên toàn nước Mỹ. Nhiều hoạt động trong ngành này đã bị đình chỉ khi có dự báo là bão sẽ tới, gây hậu quả là giá xăng tăng vọt tại nhiều nơi trong nước. Nhưng các cơ xưởng lọc dầu giờ đây hầu như hoàn toàn hồi phục và giá nhiên liệu sẽ phải hạ giảm.

Nhưng theo đồng giám đốc của Phòng Nghiên Cứu Thương Mại thuộc đại học Texas tại Austin, ông Bruce Kellison, thì xăng dầu chỉ là một phần trong nền kinh tế của Houston.

Ông Kellison nói: "Nền kinh tế của Houston hết sức đa dạng và nó thực sự thể hiện tính đa dạng của nền kinh tế Texas ở đây năm 2008. Texas không phải chỉ có xăng dầu, nó còn có vô số các hoạt động công nghệ cao, sản xuất chế biến, khảo cứu và phát triển được tiến hành tại Houston."

Theo lời ông Kellison, một khu vực thị tứ quan trọng như vậy đã bị đóng cửa trong thời gian vài tuần chắc chắn là có tác động đến nền kinh tế chung của toàn quốc, nhưng tác động này đã được giảm nhẹ nhờ sự đáp ứng nhanh chóng. Ông cho rằng hồi phục nhanh chóng là nhờ sự trợ giúp ào ạt từ bên ngoài bang và thái độ của chính người dân Texas, thái độ đo là 'hãy xăn tay áo lên để giải quyết mọi việc'.

Ông Kellison nói: " Tinh thần của những nguờ đi khai phá miền tây khi xưa, cái tinh thần tự lực tự cường. Quí vị có thể dự kiến là người dân Houston sẽ hồi phục mạnh sau một thiên tai như thế này."

Theo ông Kellison thì một ngành có thể phải chịu thiệt hại nặng nhất sau trận bão Ike là ngành bảo hiểm. Các công ty trong ngành vẫn còn phải chịu áp lực vì những vụ đền bù cho khách hàng sau trận bão Gustav và Ike. Theo ông Kellison thì tình hình trong ngành bảo hiểm có thể sẽ tệ hơn nữa nếu như bão tố xảy ra thường hơn hoặc những trận bão dữ ngày càng nhiều hơn, hệ quả của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu theo như lời tiên đoán của một số khoa học gia.

Ông Kellison nói: "Đó là điều mà ngành bảo hiểm sẽ xét tới. Các chính phủ bang sẽ phải duyệt xét các qui định về bảo hiểm cho các thiệt hại do bão tố, lụt lội tại tất cả các bang dọc theo duyên hải vùng vịnh Mexico."

Có phần chắc là chi phí bảo hiểm của người dân sống trong các khu vực dọc theo duyên hải miền nam dễ bị thiên tai sẽ tăng lên. Những công ty tư nhân cung cấp điên lực đang làm việc để tái lập lại các đường dây và sửa chữa các cơ sở bị trận bão tàn phá nói rằng họ sẽ phải tăng giá điện trong vùng để chi trả cho phí khoản sửa chữa.

Nhưng ông Bruce Kellison vẫn lạc quan về khu vực duyên hải vùng vịnh của bang Texas.

Ông đã làm việc cho chương trình nghiên cứu của Cơ quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ theo sau trận bão Katrina và Rita 3 năm trước đây và thấy rằng những cơ sở như Trung Tâm Không Gian Johnson tại Houston và cơ sở lắp ráp phi thuyền con thoi tại New Orleans vẫn vững mạnh mặc dù có nguy cơ thời tiết xấu. Ông cho biết ngành công nghiệp dầu khí cũng được đánh giá tương tự như vậy.

Ông Kellison nói: "Chúng ta đã đầu tư vào những cơ sở này dọc theo vùng duyên hải vịnh Mexico vì lý do chính đáng: vận chuyển dễ hơn. Vốn liếng đầu tư vào ngành này tốn không biết bao nhiêu mà kể, và những cơ sở này đã bị bão trực tiếp ập vào thế mà vẫn không sao."

Theo chuyên gia Kellison cho biết thì hành động mau chóng trực diện đáp ứng trước trận bão Ike trong tuần qua cũng giống như sự đáp ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng tại thị trường tài chính New York. Ông nhận định rằng trong cả hai trường hợp này, các biện pháp được đưa ra giúp giảm thiểu tác động của một tai họa lẽ ra đã khủng khiếp hơn nhiều.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG