Công tác tháo gỡ mìn bẫy vẫn đang được xúc tiến tại Việt Nam. Phóng viên Lê Dân tìm hiểu thêm về công tác này qua cuộc trao đổi cùng ông Lê Quang, một kiến trúc sư Mỹ gốc Việt, đã tham gia vào việc này từ 15 năm qua, cùng một số cư dân địa phương.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Ganyard đã đến thăm hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, là tỉnh có số lượng bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh nhiều nhất Việt Nam. Ông Ganyard là giới chức cao cấp phụ trách các vấn đề về kế hoạch, chương trình và hoạt động tại phòng Chính trị-Quân sự bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và ông cũng phụ trách chương trình Rà phá Bom mìn Nhân đạo của Washington.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lập kế hoạch và tài trợ việc nghiên cứu, đánh giá và lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, gọi tắt là UXO. Theo dự kiến thì bản đồ đã hoàn tất, nhưng do vài trở ngại vào phút chót, nên sẽ được công bố vào vài tuần nữa.
Một trong những dự án ngoài chính phủ rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại hoạt động lâu nhất và được quốc tế biết tới nhiều nhất là Project Peace Tree, xin tạm dịch là 'Dự án Cây Hòa bình'. Đến thăm trụ sở của dự án, nằm khuất nẻo bên rìa thị trấn Đông Hà, người điều phối viên dự án là ông Lê Quang, kiến trúc sư Mỹ gốc Việt, cho biết.
Ông Quang nói: "Tôi là Quang, họ Lê, ra đời tại Hà Nội và lớn lên trong Sài Gòn, học ở nước Mỹ. Tôi có gia đình, vợ và 4 con. Vào năm 91, khi chính phủ Mỹ cho phép công dân Mỹ vào Việt Nam làm việc thì tôi về. Đó là tháng 11 năm 91. Tôi đuợc đào tạo về kiến trúc, tôi học kiến trúc ở bên Mỹ. Tôi về Việt Nam theo đuổi mấy dự án thì có mấy nguời bạn bên Seattle nhờ tôi tham gia vào giúp dự án Peace Tree này. Lúc đó Peace Tree đang xây building này đặt tên là Danaan Parry Center mục đích là để giáo dục cho các em phòng chống bom mìn, nói là phòng tránh thì đúng hơn. Lúc đó tôi tình nguyện, và về sau này tôi thấy tổ chức này hay, tôi nhảy qua làm luôn, từ năm 2000 tới giờ tôi là full-time cho Peace Tree Việt Nam. Nói đúng ra thì mục đích ban đầu của Peace Tree là khắc phục hậu quả chiến tranh. Peace Tree rất nhỏ, không có văn phòng ở Hà Nội cũng như không có văn phòng ở DC, mà chỉ có văn phòng ở Seattle thôi."
Theo đánh giá của giới chức Hoa Kỳ thì Việt Nam đứng đầu về các nước bị ô nhiễm về vật liệu nổ và bom mìn còn sót lại UXO với quy mô lớn. Theo ước lượng thì chỉ riêng phía Mỹ và đồng minh đã có từ 1 triệu rưỡi đến 5 triệu tấn bom, đạn sử dụng tại Việt Nam trong thời chiến tranh. Trong số đó có tới 10% là vật liệu nổ, chưa tính gộp số mìn bẫy.
Trong chuyến viếng thăm hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, phó trợ lý Ngoại truởng Hoa Kỳ Stephen Ganyard nhấn mạnh đến sự cần thiết - như biện pháp dò tìm, phá hủy vật liệu nổ còn sót lại, giáo dục tuyên truyền cho người dân biết để phòng tránh, hỗ trợ các nạn nhân bị khuyết tật về bom mìn.
Trong thực tế thì những công tác đó đã đuợc các tổ chức từ thiện quốc tế ngoài chính phủ tiến hành từ một thời gian khá dài, với những đội tuyên truyền lưu động và đưa phần giảng dạy về cách nhận biết bom mìn vào học đường.
Ông Lê Quang dưới cơn mưa to mùa hè cho biết: "Ðội tuyên truyền lưu động sẽ đi tới từng xã, từng làng để tuyên truyền. Sau đó ai còn thắc mắc thì còn có một số hotline để giải thích thêm. Tuyên truyền bằng miệng xong rồi, còn cần làm cho người ta có một số thói quen qua radio, qua TV, thì chương trình đó mới bắt đầu vào năm nay. Có lẽ sẽ giảm thiểu được số tai nạn bom mìn. Hàng năm, có cái khổ là bom mìn được thiết kế rất là tốt, rồi các cháu lớn lên. Những em vào cấp 1 thì chưa biết gì hết, nên cứ phải huấn luyện lại. Còn phải huấn luyện các bà mẹ nữa, để họ giúp huấn luyện con cái của mình, nhưng còn những hạn chế, như các em trên đường đi học về nhà thì làm sao kiểm soát nổi."
Gần đây nhất, chỉ mới hai tháng trước, 3 học sinh cấp 2 tại xã Tân Hiệp, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đa thiệt mạng vì bom mìn còn sót lại. Một trong những nguời cha các em nạn nhân cho biết.
Ông nói: "Tôi là bố của cháu, Phạm Nhu Nu. Cháu bị nạn đây là Phạm Nhu Hợi. Thời gian cháu nghỉ hè phụ cha mẹ, giúp việc đưa trâu sang, thì gặp một đống, không biết, chẳng qua hắn rủi ro vậy. Cả ba đứa luôn, ba đứa cùng một lớp, có đứa nhỏ vô nữa, học lớp 5. Nhà có hai con trâu, đưa qua bên kia sông...rồi gặp nạn."
Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Ganyard ngỏ ý hy vọng sự cộng tác Mỹ-Việt trong công tác rà phá bom mìn sẽ được mở rộng trong thời gian tới, đồng thời ông cũng kêu gọi các nhà tài trợ trên thế giới hỗ trợ giúp Việt Nam làm sạch bom mìn và các vật liệu nổ.