Đường dẫn truy cập

Gruzia hoài nghi về thời biểu rút quân của Nga


Chính phủ Nga cho hay: trước khuya thứ Sáu, các lực lượng của họ ở Gruzia sẽ rút về một khu vực mà họ gọi là 'vùng trái độn' xung quanh vùng ly khai Nam Ossetia, nơi mà các binh sĩ Gruzia sẽ không còn được phép trú đóng. Tuy nhiên, các giới chức Gruzia tỏ ý hoài nghi đối với tuyên bố của Nga và nói rằng ranh giới của vùng trái độn không được xác định rõ ràng. Từ Moskova, thông tín viên Peter Fedinsky của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Đại tướng Anatoly Nogovitsyn, Phó Tham mưu trưởng quân đội Nga, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moskova rằng, một khi các binh sĩ Nga tới vùng trái độn nằm dọc theo chu vi của nam Ossetia thì liên bang Nga sẽ tuân hành một hiệp định về duy trì hòa bình đã ký kết với Gruzia vào năm 1992. Tuy nhiên, ông Nogovitsyn nói thêm rằng nước ông đang sửa đổi hiệp định để loại các lực lượng Gruzia ra khỏi khu vực này.

Theo lời của tướng Nogovitsyn, các nhà lãnh đạo Gruzia đã triệu hồi các lực lượng duy trì hòa bình của họ ở Nam Ossetia vào lúc khởi đầu cuộc xâm lăng và phái các lực lượng đó tiến đến thủ phủ Tskhinvali của khu vực này; và như vậy là họ đã vi phạm hiệp định năm 1992. Và theo quan điểm của Nga, Gruzia không có quyền tham gia các hoạt động duy trì hòa bình trong vùng trái độn.

Các giới chức Gruzia cho rằng Nga là kẻ xâm lăng, và các lực lượng của Nga có thể không được xem là lực lượng duy trì hòa bình. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Gruzia, ông Shota Utiashvili nói với đài Tiếng Nói Hoa Kỳ rằng vùng trái độn xung quanh Nam Ossetia không được xác định rõ ràng và phía Nga đang thực hiện điều mà ông gọi là 'đùa giỡn với sự thật'.

Ông Utiashvili nói rằng các giới chức Nga trình diễn cho các nhà báo thấy một điều vào ban ngày, rồi tối đến thì các lực lượng của họ lại quay lại nơi đó. Ông cũng nói thêm rằng con số các trạm kiểm soát và số đất đai mà các lực lượng Nga chiếm đóng không hề có sự sút giảm nào cả.

Người phát ngôn bộ Nội vụ Gruzia nói thêm rằng lính Nga vẫn còn kiểm soát xa lộ chính nối liền thành phố Gori ở miền trung với thủ đô Tbilisi; và việc này chẳng những gây thiệt hại cho kinh tế Gruzia mà còn tổn hại tới lân bang Armenia, là nước có nhiều mặt hàng phải nhập khẩu thông qua lãnh thổ Gruzia.

Trong khi đó, hàng ngàn người đã tụ họp trong các cuộc biểu tình đòi độc lập ở Tskhinvali, thủ phủ của Nam Ossetia, và Sukhumi, thủ phủ của một vùng ly khai khác của Gruzia là Abkhazia. Theo dự liệu, quốc hội Nga sẽ xem xét tới việc Nga có thể công nhận nền độc lập của Abkhazia.

Về diễn tiến này, Tổng thống Sergei Bagapsh của Abkhazia cho biết như sau.

Nhà lãnh đạo Abkhazia nói rằng nước ông chưa biết rõ lập trường của giới lãnh đạo Nga đối với vấn đề độc lập, nhưng ông hy vọng là họ sẽ có một lập trường mà ông gọi là đúng đắn. Ông nói thêm rằng vào thời điểm này vấn đề quan trọng nhất là lập trường của Nga.

Phát ngôn viên Utiashvili của Gruzia tỏ ý hoài nghi về thực chất của những cuộc biểu tình ở Abkhazia và Nam Ossetia. Ông nói rằng nước Nga có hàng ngàn binh lính trú đóng ở 2 khu vực đó, và những cuộc biểu tình chỉ phản ánh điều mà ông gọi là chủ trương chính thức của Nga.

Mặt khác, một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi Trung tâm Levada, một tổ chức độc lập ở Moskova, cho thấy rằng 49% dân chúng trên khắp nước Nga nghĩ rằng những hoạt động thù nghịch bùng ra ở Gruzia phát xuất từ một mưu toan của các nhà lãnh đạo Hoa kỳ nhằm nới rộng ảnh hưởng trong vùng Caucase.

Chỉ có 32% những người được hỏi ý kiến cho rằng vụ này phát sinh từ những chính sách kỳ thị của Gruzia đối với người dân Nam Ossetia và Abkhazia. Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm Levada cho thấy cái nhìn của công chúng Nga đối với nước Mỹ đã cứng rắn hơn trước.

Gần 40% cho rằng quan hệ Mỹ-Nga có tính chất lạnh nhạt và tỉ lệ những người cho rằng đây là một mối quan hệ thù nghịch đã tăng lên tới 28%, cao gấp đôi so với con số của năm 2007.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG