Đường dẫn truy cập

Dara Torres nhắm đến huy chương vàng ở Olympic lần thứ 5


Tiếp theo loạt bài nói về đoàn thể thao Olympic Mỹ chuẩn bị đến Bắc Kinh và những hy vọng huy chương Olympic, hôm nay thông tín viên David Byrd của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ sẽ giới thiệu về nữ vận động viên bơi lội 41 tuổi Dara Torres, và Liu Enming sẽ giới thiệu về nữ vận động viên xe đạp BMX Jill Kintner.

Dara Torres đã từng thưởng thức hương vị chiến thắng Olympic trước đây, nhưng đến Olympic Bắc Kinh này ngoài mục tiêu huy chương vàng, Torres còn mang theo niềm hy vọng cho một lớp vận động viên và người hâm mộ ở lứa tuổi 40 của cô.

Torres đã đoạt huy chương vàng Olympic lần đầu tiên tại Los Angeles cách đây 24 năm, còn lần này cô trở thành vận động viên bơi lội đầu tiên trên thế giới đạt tiêu chuẩn dự thi 5 kỳ Olympic. Thông tín viên David Byrd tường trình rằng Torres đã đánh dấu sự trở lại với đường đua xanh thật ấn tượng và cô hy vọng sẽ làm phong phú hơn cho bộ sưu tập huy chương Olympic hiện có 9 chiếc của cô.

Chiếc huy chương vàng đầu tiên Dara Torres kiếm được tại Olympic 1984 khi cô tranh tài ở nội dung 4x100 mét tiếp sức, lúc đó cô 17 tuổi. Sang năm 1985, nhà vô địch Olympic gốc Beverly Hills, bang California gia nhập Đại học Florida. Ở đó cô giành được 28 giải thưởng về bơi lội của Hiệp hội thể thao các trường đại học toàn quốc. Nhưng cũng trong thời gian đó Torres đã phải đối phó với chứng bệnh ăn uống vô độ, một chứng bệnh đã ám ảnh nữ vận động viên này suốt 7 năm liền.

Tại Olympic Seoul 1988, Torres chỉ xếp hạng 7 ở cự ly 100 mét tự do nữ, nhưng cô đoạt được một huy chương bạc và một huy chương đồng trong các nội dung tiếp sức. Sau khi rời đại học, Torres quyết định giã từ đường đua xanh, nhưng sau đó sự hấp dẫn của các cuộc tranh tài đã lôi kéo cô trở lại. Olympic 1992, Torres đoạt thêm một huy chương vàng ở nội dung bơi tự do tiếp sức, và cũng trong năm đó cô vượt qua được căn bệnh ăn uống vô độ.

Những năm tháng tiếp theo đó cuộc sống của Torres rất huy hoàng; cô làm người mẫu thể thao hàng đầu cho các tạp chí thể thao quảng cáo đồ bơi. Năm 1996 Torres làm phát ngôn viên cho công ty sản xuất đồ thể thao Reebok tại Olympic Atlanta.

Khoảng năm 1999, những cuộc tranh tài lại thôi thúc Torres về lại với trung tâm tập luyện ở California. Tiếp đến cô giành được suất dự Olympic 2000. Ở Sydney năm đó, Torres giành được 3 huy chương đồng cá nhân ở nội dung 50 mét tự do, 100 mét tự do, và 100 mét bướm. Cô còn cùng với đồng đội giành được hai huy chương vàng ở các nội dung tiếp sức. Ở tuổi 33 khi dự Olympic Sydney, Torres nói rằng đó sẽ là cuộc tranh tài Olympic cuối cùng của cô.

Nhưng hôm nay Torres nói lại rằng cô không thể rời bể bơi, ngay cả trong lúc cô có mang đứa con gái Tessa.

Torres kể lại rằng cô đã trở lại bể bơi khi mang bầu chủ yếu là để tập thể dục. Sau đó Torres dự một vài cuộc tranh tài cho vui. Và rồi cô đã đến dự giải vô địch bơi lội thế giới Master. Tại đó cô có khoảng 5,000 người hâm mộ đề nghị cô đi dự Olympic ở tuổi 40. Torres nói đó cũng chính là động cơ thúc đẩy cô tập luyện trở lại để giành suất đi Bắc Kinh.

Trong cuộc thi giành suất dự Olympic được tổ chức tại Omaha bang Nebraska hồi tháng 7 vừa qua, Torres đã giành được suất dự ở nội dung 50 mét tự do và 100 mét tự do. Ngoài ra cô còn lập được kỷ lục quốc gia nội dung 50 mét tự do. Torres tỏ ra ngạc nhiên về thành tích mà cô vừa lập được ở tuổi 41, và cô đã cám ơn sự tận tình giúp đỡ và của ban huấn luyện để cô đi đến được thành tích đó.

Torres kể rằng cô nhận được sự ủng hộ lớn lao của mọi người tại những nơi luyện tập. Một phần nhờ đó mà cô đã quyết tâm và tin tưởng là cô sẽ đạt đủ tiêu chuẩn dự thị Olympic. Torres nói “khi nhảy xuống nước, nước không biết được mình bao nhiêu tuổi, do đó tại sao mình không cố gắng lên.”

Sự chuẩn bị của Torres để trở lại tranh suất đi dự Olympic không phải rẻ tiền. Cô đã tiêu tốn hơn 100 ngàn đôla một năm để thuê ban huấn luyện và chi phí cho các công tác tập luyện. Chi tiêu này lấy từ thu nhập của cô từ hợp đồng quảng cáo cho Speedo, Toyota và các nhà bảo trợ khác.

Những thành tích mà Torres lập được trong bể bơi ở tuổi này đã khiến cho nhiền người nghi rằng cô dùng thuốc tăng lực. Để trả lời cho những đồn đoán đó, Torres đã đến gặp trực tiếp ông Travis Tygart, giám đốc Cơ quan chống Doping của Mỹ và đề nghị được xét nghiệm doping.

Dara Torres kể rằng cô đã chủ động đến gặp người đứng đầu Cơ quan chống Doping và nói rằng mọi người đang đồn đoán về trường hợp của cô, vì người ta không tin là cô có thể lập được thành tích đó ở tuổi 41. Cô đề nghị được xét nghiệm DNA, xét nghiệm máu, nước tiểu hay bất cứ xét nghiệm nào khác để chứng minh rằng cô hoàn toàn không dùng thuốc tăng lực.

Cũng có người cho rằng những thay đổi về hoocmon sau khi sinh bé gái Tessa đã giúp cho Dara Torres đạt được sức khỏe để đi đến thành tích cao như vậy ở độ tuổi bốn mươi. Tuy nhiên Torres gặp một trở ngại khác trước khi lên đường đi Bắc Kinh, huấn luyện viên đã gắn bó với cô lâu nay là ông Michael Lohberg vừa được chẩn đoán là mắc một chứng bệnh về máu, và có thể sẽ không đến Bắc Kinh được để giúp Torres trong các cuộc tranh tài.

Tuy nhiên, Dara Torres nói rằng nếu huấn luyện viên Lohberg vắng mặt sẽ là một sự đáng tiếc cho cô, nhưng cô vẫn còn nhận được sự động viên của nhiều người hâm mộ khác mà cô sẽ cố gắng không phụ lòng họ bằng cách chứng tỏ trên đường đua xanh rằng tuổi tác không phải là lý do để bị gạt ra khỏi cuộc đua.

Môn xe đạp BMX lần đầu tiên trở thành môn thể thao Olympic tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Môn đua xe đạp địa hình này có tốc độ rất cao và trông có vẽ nguy hiểm hơn các môn đua xe đạp truyền thống. Ông Mike King, cựu vô địch môn này và hiện là giám đốc Chương trình BMX của Mỹ nói rằng môn đua xe đạp BMX đã được nhiều người biết đến khoảng ba thập niên qua, và ngày nay việc môn xe đạp được giới trẻ ưa thích này trở thành một môn thi Olympic không chỉ tạo phấn khởi cho các bạn tham gia môn thể thao này và còn cho tất cả những ai có quan tâm đến môn xe đạp BMX trong mấy chục năm qua.

Đội tuyển xe đạp BMX của Mỹ tập luyện tại trung tâm huấn luyện Olympic ở Chula Vista, gần thành phố San Diego, bang California.

Giám đốc Mike King nói rằng điểm đặc biệt về cơ sở tập luyện BMX ở Chula Vista là đường đua được làm ra giống như đường đua BMX ở Olympic Bắc Kinh.

Jill Kintner, một vận động viên trong đội tuyển BMX của Mỹ hy vọng rằng cơ sở tập luyện này sẽ tạo cho đội tuyển Mỹ có thêm ưu thế khi đến Bắc Kinh.

Kintner nói rằng mọi vận động viên trong đội đều rất quen thuộc với đường đua với nhiều loại địa hình tại cơ sở này, và thiết kế này sẽ giúp cho các vận động viên không cảm thấy bỡ ngỡ khi tranh tài chính thức tại đường đua ở Bắc Kinh.

Kintner là nhà vô địch thế giới môn xe đạp leo núi ba lần. Năm ngoái Kintner chuyển sang môn xe đạp địa hình BMX để đạt giấc mơ được tranh tài tại Olympic.

Kitner nói rằng tranh tài tại Olympic sẽ rất gay cấn, nhưng lúc nào cô cũng tự tin là sẽ chiến thắng, và ước mơ của Kitner là sẽ được bước lên bục nhận huy chương tại Bắc Kinh trong tháng 8 này.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG